“Có những cán bộ tha hóa, biến chất, rất khéo che đậy”

30/12/2020 10:49
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An: “Để lọt cán bộ tha hóa, biến chất sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân, uy tín của Đảng”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang đến gần và vấn đề được người dân hết sức quan tâm đó là phải lựa chọn được những cán bộ có tâm và đủ tài để cùng góp sức đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn, phát triển nhanh hơn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khoá XIII) bày tỏ: “Năm năm qua, Đảng đã lãnh đạo đất nước giành được nhiều thành tựu quan trọng, giữ ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng và đời sống của nhân dân được cải thiện.

Điểm nhấn quan trọng trong mấy năm qua là các đồng chí lãnh đạo Đảng rất quyết liệt trong công tác xây dựng Đảng, làm trong sạch Đảng, củng cố lại tổ chức Đảng vững mạnh.

Công tác tổ chức cán bộ là then chốt quan trọng nhất, nếu chọn được người đủ đức đủ tài thì đó là điều rất đáng mừng, chọn cán bộ năng lực yếu kém, đạo đức tồi thì sẽ là đại họa. Chúng ta đều biết điều đó, nhưng trước kia thì việc xử lý cán bộ vi phạm còn mờ nhạt, còn tại khóa XII này đã làm rất mạnh, hiệu quả”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An: “Để lọt cán bộ tha hóa, biến chất, sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân, uy tín của Đảng”. Ảnh: Cao Kim Anh.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An: “Để lọt cán bộ tha hóa, biến chất, sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân, uy tín của Đảng”. Ảnh: Cao Kim Anh.

Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, trong thực tế không ít cán bộ lúc còn trẻ rất tốt, quá trình phấn đấu có nhiều thành tích ấn tượng, nhưng khi có chức vụ cao thì lại bị tha hoá, không giữ nổi mình.

“Có những cán bộ tha hoá, biến chất nhưng che đậy rất giỏi, đến khi bị xử lý thì mới thấy những gì họ nói và làm chỉ như diễn kịch, có những cán bộ nói mà không làm, không tạo nên được dấu ấn gì đáng kể trong cả một nhiệm kỳ.

Trước kia, chúng ta ít thấy cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý, hiếm thấy cán bộ cấp cao bị xử lý, nhưng nhiệm kỳ vừa qua thì rất nhiều cán bộ cấp Trung ương quản lý đã bị xử lý nghiêm khắc.

Từ trước đến nay, chúng ta đã nhiều lần đề cập tới việc chỉnh đốn lại công tác cán bộ, nhưng chưa làm đến nơi đến chốn và vẫn để lọt lưới những người mắc khuyết điểm lớn. Thế nên ở khoá XII các đồng chí lãnh đạo đã chú trọng vào công tác xây dựng Đảng và bước đầu loại khỏi bộ máy nhiều kẻ tha hóa, biến chất, hại dân, hại nước”, bà An nói.

Nhìn lại lịch sử phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng suốt 90 năm qua thì thấy rằng, niềm tin của nhân dân với Đảng luôn được giữ vững và ngày càng được nâng cao. Niềm tin của nhân dân là vấn đề cốt lõi, là điểm tựa vô cùng quan trọng để Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước đạt được nhiều thành tựu lớn.

Nêu ý kiến kỳ vọng ở Đại hội XIII, Phó Giáo sư Bùi Thị An nói: “Chúng ta đang chuẩn bị cho đội ngũ mới, nhiệm kỳ mới, công tác chuẩn bị mặc dù đã tốt, tuy nhiên tôi vẫn mong rằng phải chặt chẽ hơn, cẩn trọng hơn nữa trong việc tuyển chọn cán bộ.

Hiện nay, những việc làm tha hóa, biến chất của một số cán bộ thể hiện tinh vi hơn, sử dụng nhiều công cụ hơn để che dấu sai phạm, thế nên hy vọng rằng trong nhiệm kỳ mới không còn lọt vào Trung ương những cán bộ biến chất, tha hóa. Với rất nhiều bước và các quy trình chặt chẽ như vậy mà lại để lọt cán bộ tha hóa thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, lòng tin của nhân dân”.

Phải tiếp tục chú trọng kiểm soát quyền lực

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, đã có quá nhiều bài học về vấn đề kiểm soát quyền lực trong những năm qua, nhiều cán bộ sai phạm và thậm chí vướng vòng lao lý cũng có nguyên nhân xuất phát từ lạm dụng quyền lực, mất tập trung dân chủ.

“Chọn được cán bộ tốt, giỏi rồi thì chúng ta vẫn phải giữ vững nguyên tắc kiểm soát quyền lực, không thể giao cho một vị trí mà quá nhiều quyền lực mà kiểm soát lại lỏng lẻo thì có thể mắc sai lầm. Như vậy thì vừa mất cán bộ lại vừa ảnh hưởng tới uy tín của tổ chức, gây thiệt hại cho nhân dân, đất nước.

Tôi rất mừng là Đại hội vừa qua đã bổ sung cụm từ là dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ. Như vậy, Đảng ngày càng coi trọng vai trò giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế thì có những nơi chưa thực hiện được nhưng làm sao phải có cơ chế để quyền lực của dân giám sát để được tăng lên.

Những cán bộ vì nước vì dân họ sẽ thực sự lắng nghe dân, đi vào đời sống thực tế và mọi việc làm đều hướng tới nhân dân. Như thế thì bộ máy tự nhiên sẽ mạnh lên, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng”, bà An chia sẻ.

Ông Trịnh Xuân Thanh là một trong số nhiều cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho đất nước. ảnh: TTXVN.

Ông Trịnh Xuân Thanh là một trong số nhiều cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho đất nước. ảnh: TTXVN.

Nói về vấn đề phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định: “Muốn tham ô, tham nhũng thì phải là những người có quyền lực, dân thường thì không thể tham nhũng được. Chính vì thế lòng tham bắt nguồn từ việc muốn có quyền lực phải chạy. Sau khi tham ô được quyền lực mới tham nhũng về kinh tế. Đây là vấn đề mà các đồng chí lãnh đạo đứng đầu Đảng ta kiên quyết xử lý, vì đó là mầm họa khôn lường cho đất nước sau này.

Có nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao quy trình tuyển chọn cán bộ chặt chẽ như vậy nhưng vẫn phát hiện ra có những cán bộ vi phạm, thậm chí đến mức phải bị xử lý?

Đó là vì quy trình thì đủ nhưng những người thực hiện lại cố ý bóp méo đi, tạo ra kẽ hở để tuyển dụng cán bộ không minh bạch, để lọt lưới người cơ hội chạy chức, chạy quyền, trèo rất cao, chui rất sâu vào bộ máy nhà nước, với mục đích đạt được một số vị trí rất quan trọng để có thể tham nhũng được”.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, ngoài khâu tuyển chọn cán bộ ban đầu, sau đó còn phải liên tục giám sát hậu đề bạt, hậu bổ nhiệm, vì có không ít trường hợp che giấu kín đến vài năm sau mới phát hiện ra. Vậy liệu rằng tự bản thân họ có che đi nổi sai phạm để tiếp tục thăng tiến không, hay là giống như nhiều người đã nói rằng “nhất quan hệ, nhì tiền tệ”?

Bà An thẳng thắn: “Lợi ích, tiền bạc, của nả, đổi chác là những phép thử khắc nghiệt nhất với con người, nhất là những người có chức vụ. Giới hạn từ một cán bộ xuất chúng trở thành một tội đồ thế kỷ cũng vì thế mà trở nên rất mong manh. Thực ra rất đơn giản, nếu làm việc gì cũng hướng tới mục tiêu vì dân vì nước, không tư lợi, luôn đặt lợi ích của tập thể cao hơn cá nhân thì chắc chắn sẽ rất thận trọng. Còn làm việc mà cứ cài cắm lợi ích cá nhân vào rồi bẻ cong hết quy định thì ngay từ đầu họ đã tự tạo ra cái thòng lọng cho chính mình rồi.

Lòng tham có thể biến những con người đã từng là lãnh đạo ở các vị trí cấp cao trở thành bị cáo trước vành móng ngựa, nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Vì tham vọng quyền lực, vì lòng tham chiếm cho được nhiều tài sản, tiền của để rồi hủy hoại thanh danh, nhân cách, để người đời khinh bỉ thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì nữa”.

Cao Kim Anh