"Có hay không nhóm lợi ích tham nhũng trong xây dựng chính sách?"

20/08/2013 15:08
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Hà Hùng Cường: "Quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ qua nhiều lớp, trừ thông tư và thông tư liên tịch của các bộ ngành... không có nước nào ban hành nhiều thông tư như ở nước ta".

Trong chương trình làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến ngày 31/7/2013.

Tái diễn tình trạng chậm triển khai các dự án luật

Tại báo cáo số 192 của Bộ trưởng Tư pháp cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, có 7 dự án đã được lùi thời hạn trình, rút khỏi Chương trình hằng năm, có 5 dự án do Chính phủ xin lùi, xin rút khỏi Chương trình vì chưa được chuẩn bị kỹ hoặc khó xác định phạm vi điều chỉnh (Luật hải quan [sửa đổi]; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật đô thị; Luật quy hoạch).

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thẳng thắn cho biết, quá trình lập chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến tình hình là gần đến lúc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội mà Chính phủ vẫn phải thảo luận về vấn đề này, ảnh hưởng đến tiến độ trình.

Chất lượng một số dự thảo luật, pháp lệnh do Chính phủ trình vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu hoặc chưa được giải trình kỹ lưỡng nên sau khi xem xét, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị chưa trình Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện (như Luật Thư viện, Luật Hộ tịch).

Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Sau phần báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các ĐB đã chỉ ra những thí dụ: Bộ Tư pháp đã không phát hiện ra những điểm bất hợp lý của quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về việc không lắp kính trên nắp áo quan, không rải vàng mã trên đường đi, không mang theo vòng hoa đi viếng trong việc tổ chức lễ tang cho cán bộ, công chức.

Trong một số trường hợp, tuy đã phát hiện ra vấn đề, nhưng Bộ Tư pháp chưa thuyết phục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý; chẳng hạn như các quy định của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về việc tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải đăng ký sản xuất rượu với chính quyền địa phương và đề nghị chính quyền địa phương xác nhận việc sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho hay: “Năm 2012, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để giải quyết tình trạng nợ đọng các văn bản thi hành luật, đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng năm 2013 số lượng văn bản nợ đọng lại tăng đột biến, hiện nay tổng số văn bản chưa hoàn thành là 107. Nguyên nhân xuất phát từ cả chủ quan và khách quan:

Chủ quan là sự chỉ đạo quyết liệt của một số bộ ngành chưa cao, năng lực các bộ phận làm công tác pháp chế ở một số bộ ngành còn nhiều hạn chế, chính sách thu hút người giỏi vào làm việc tại các bộ phận này cũng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân khác quan là nhiều dự án luật còn có các vấn đề phức tạp cần có thêm thời gian nghiên cứu như Luật Biển Việt Nam, Luật Hải quan”.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội nêu ra một thực trạng, các văn bản pháp luật đều án binh bất động, thí dụ là Pháp lệnh với người có công triển khai thực hiện quá chậm. Bà mẹ Việt Nam anh hùng phải có người giúp đỡ; Người bị nhiễm chất độc hóa học 80% trở lên cũng cần có người giúp đỡ nhưng chậm triển khai.

Chính sách với người cao tuổi: Từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp, luật có hiệu lực 2009 thì 1 năm sau người cao tuổi mới được hưởng chế độ này. Hay phụ nữ có thai sản, trong thời gian nuôi con theo luật cũ là nghỉ 4 tháng thì có được áp dụng luôn chính sách mới là nghỉ 6 tháng không, rất nhiều ý kiến băn khoăn bày tỏ trên báo chí nhưng không có ai trả lời. Vậy thì phải đặt câu hỏi: Chính sách cụ thể rõ rang rồi tại sao luật vẫn không đi vào cuộc sống?

Có tham nhũng chính sách?

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu ý kiến của cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Vậy có hay không tình trạng này trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và việc một số văn bản của các Bộ còn mâu thuẫn nhau có phải là để bảo vệ lợi ích của mình?

Trong khi đó ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi: Có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật phục vụ lợi ích nhóm?

Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thẳng thắn cho biết: “Quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ qua nhiều lớp, trừ thông tư và thông tư liên tịch của các bộ ngành. Không có nước nào ban hành nhiều thông tư như ở nước ta. Tôi có nghe dư luận chỗ này chỗ khác nói về tình trạng ra văn bản ở một số đơn vị có tính chất lợi ích nhóm, nhưng có phải sự thật hay không thì tôi không khẳng định. Tới đây, chúng tôi sẽ có đề nghị với Quốc hội kiểm tra lại vấn đề này, cũng không loại trừ có những quy định còn sơ hở mặt này mặt khác”.

Một loạt các ĐB khác tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhiều dự án luật đã được thông qua từ Quốc hội khóa 12, nhưng cho tới nay vẫn chưa đủ các văn bản hướng dẫn thi hành, cho dù Quốc hội đã nhắc nhiều lần. 

ĐB Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) thẳng thắn đặt vấn đề: Chậm văn bản thi hành luật từ 3-5 năm như vậy thì không thể nói là chậm nữa, mà như vậy thì có thể nói là không thực hiện nữa có được không? Luật đã được Quốc hội thông qua nhưng tới giờ chưa thực hiện thì ai chịu trách nhiệm?

Thời gian vừa qua đã xuất hiện rất nhiều văn bản trái luật, gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Để ngăn chặn tình trạng này, người dân có được trao quyền khởi kiện các cơ quan ban hành văn bản như vậy? 

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Quốc Khánh - ủy viên Ủy ban Khoa học CNMT thì nêu câu hỏi: Hiện nay một số Bộ trưởng không quan tâm tới công tác xây dựng luật mà giao cho Thứ trưởng hoặc các Vụ thuộc Bộ làm. Bộ trưởng có biết tình trạng này không và sẽ làm gì để chấn chỉnh?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, thời gian vừa qua đúng là có chuyện ở một số bộ ngành, lãnh đạo “khoán trắng” cho cấp dưới thực hiện các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấn chỉnh tình trạng này, và dứt khoát thời gian tới đơn vị nào tái phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Còn đối với vấn đề người dân có quyền kiện cơ quan ra văn bản, thông tư trái pháp luật thì dân có quyền khởi kiện không? Chúng tôi tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia thì họ cũng không cho phép kiện trong trường hợp này, bởi vì đây là văn bản chính sách, còn nếu đó là quyết định hành chính của một cơ quan với vụ việc cụ thể thì người dân có quyền khởi kiện, thí dụ như vụ việc Công an Hải Dương phải đền bù số lượng hàng bạch tuộc mà báo chí đã đăng tải thời gian qua”.

Xen giữa phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có giải trình thêm về nội dung này, tập trung vào 3 nội dung mà Chủ tịch Quốc hội đặt ra là: Về chương trình? Tiến độ? Chất lượng?

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Chính phủ đã thống nhất nỗ lực nhưng so với yêu cầu thì chưa đạt. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, những nỗ lực của Chính phủ đã tạo ra nhiều kết quả tốt, mà cụ thể là vào năm 2006 ban hành 526 các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến năm vừa rồi chỉ còn 163 văn bản. Như vậy, số lượng văn bản đã giảm đáng kết.

Năm 2012, theo báo cáo thì số lượng tồn đọng văn bản đã được khắc phục phần lớn, nhưng 7 tháng đầu năm nay số lượng này lại tăng lên, và tới giờ thì còn nợ đọng khoảng 70%. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía lãnh đạo bộ và chất lượng của đội ngũ cán bộ làm văn bản thì còn có một nguyên nhân khác nữa là húng ta chưa quen là luật khi trình ra là điều nào cần hướng dẫn, phương án hướng dẫn thế nào? Khi nào chấm dứt tình trạng này? Tôi khẳng định chấm dứt không thể bằng một nhiệm kỳ, chúng ta sẽ hết sức cố gắng, nhưng cuộc sống thì có rất nhiều vấn đề.

Ngọc Quang