Cô giáo Tân đã bị tước bỏ quyền lợi, trực tiếp rơi vào vòng nguy hiểm

12/02/2019 06:12
Phan Tuyết-Hoài Thu
(GDVN) - Cô Tân đã bị Phòng Giáo dục Buôn Ma Thuột tước bỏ quyền lợi và trực tiếp đẩy vào vòng nguy hiểm khi phải tiếp tục chống chọi đấu tranh tự bảo vệ mình

Ngày 12 tháng 6 năm 2018, Quốc Hội ban hành Luật số 25/2018/QH14, Luật tố cáo và Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Cũng ngay trong những ngày đầu năm 2019, cô giáo Nguyễn Thị Tân giáo viên trường Tiểu học Lý Tự Trọng thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã gửi cho chúng tôi những hồ sơ liên quan đến vấn đề tố cáo những bất công, sai trái ở nhiều lĩnh vực trong môi trường giáo dục nơi cô Tân công tác.

Tập hồ sơ nặng trĩu nỗi niềm của một giáo viên đơn độc trước bất công.

Hồ sơ minh chứng sai phạm thu chi của hiệu trưởng và những lá đơn tố cáo của cô giáo Tân (Tài liệu do nhân vật cung cấp)
Hồ sơ minh chứng sai phạm thu chi của hiệu trưởng và những lá đơn tố cáo của cô giáo Tân (Tài liệu do nhân vật cung cấp)

Trong đó, có nhiều đơn thư, nhiều văn bản hành chính được sắp xếp trật tự theo các mốc thời gian mà cô giáo Tân đã và đang theo đuổi ròng rã trong 7 năm qua.

Trong bộ hồ sơ dầy cộm còn có những lá đơn thấm đẫm nước mắt của sự vùng vẫy bất lực do chính cô Tân viết gửi các cấp chính quyền kể từ năm 2012 đến năm 2019.

Như vậy, công cuộc tố cáo, đấu tranh với tiêu cực của cô giáo Tân không chỉ kéo dài theo những tháng ngày mỏi mệt và còn trải dài theo Luật tố cáo của từng giai đoạn.

Bởi thời điểm đó, Luật Tố cáo 2011 vẫn đang có hiệu lực, đến nay Luật tố cáo 2011 đã hết hiệu lực thi hành và thay vào đó là Luật tố cáo 2018 nhưng có vẻ như cô Tân vẫn đang trong tình trạng “con kiến mà kiện củ khoai”.

Bởi, khi trò chuyện với chúng tôi, cô Tân chỉ biết cảm thán rằng “Ê kíp, thế lực của họ lớn lắm”…

"Hồn nhiên" công bố danh tính người tố cáo cho người bị tố cáo biết

Theo quy định của Luật Tố cáo thì nguyên tắc giải quyết tố cáo là phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật;

Bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Cũng theo Luật tố cáo, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp người tố cáo, tiếp nhận và giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật;

Xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo;

Bảo đảm quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định xử lý của mình.

Cô giáo Tân đã bị tước bỏ quyền lợi, trực tiếp rơi vào vòng nguy hiểm ảnh 2Chịu 6 năm oan trái, cô giáo Đắk Lăk cầu cứu Báo Giáo dục Việt Nam

Cũng trong Luật tố cáo 2011 cũng như Luật tố cáo 2018 thì hành vi bị nghiêm cấm khi giải quyết tố cáo là không được “tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo”( Khoản 3, Điều 8) và người tố cáo có các quyền “Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình” [1].

Tuy nhiên, minh chứng cô Tân cung cấp cho chúng tôi là biên bản làm việc được lập ngày 01/09/2015 tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng của Tổ xác minh tố cáo do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) được thành lập bởi Quyết định số 182/QĐ-PGDDT ngày 02/08/2015 do bà Ra Lan Trương Ánh Kim, Phó Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo làm tổ trưởng.

Bà Nguyễn Thị Bích Xoan, chuyên viên Phòng Giáo dục là thành viên đã hoàn toàn gạt bỏ các điều khoản được quy định trong Luật Tố cáo trong việc bảo vệ người tố cáo.

Nội dung thể hiện trong biên bản do tổ xác minh tố cáo lập ngày 01/09/2015 tại trường Tiểu học Lý Tự Trọng đã đưa ra minh chứng rất hồn nhiên đó là cả người bị tố cáo và người tố cáo được cùng mời họp để tổ xác minh nội dung tố cáo một lần… cho tiện.

Cùng làm việc với tổ xác minh là Hiệu trưởng Lê Kim Diên (người bị tố cáo); Kế toán Lê Ngọc Hải (người bị tố cáo) và cô Nguyễn Thị Tân (người tố cáo).

Nội dung làm việc của tổ là xác minh 04 nội dung tố cáo của cô giáo Tân đối với hiệu trưởng Lê Kim Diên và kế toán Lê Ngọc Hải gồm:

1. Không chi trả hết tiền 20.000 đồng giấy thi đã thu sai quy chế mà chỉ dùng để “cấn trừ nợ” sang tiền học tăng buổi và nhờ Hội cha mẹ học sinh xin lại để dùng vào tiền quỹ khuyến học nhưng không dùng đúng mục đích.

2. Thu tiền Bảo hiểm y tế của 438 học sinh từ đầu năm học nhưng chỉ đăng nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội 310 học sinh, số tiền thu bảo hiểm y tế của 128 học sinh được hiệu trưởng giữ lại và tập thể giáo viên nhà trường không biết số tiền giữ lại để dùng vào mục đích gì.

3. Tiền dạy tăng buổi giáo viên chỉ được hưởng 70%, giáo viên dạy thừa buổi không được thanh toán thêm giờ, thời điểm tố cáo đã là tháng 9/2015 nhưng vẫn chưa được nhận lương tháng 4,5/2015.

4. Thu quỹ Đội nhưng không chi 1/3 quỹ Đội cho các chi Đội hoạt động theo quy định của Hội đồng Đội.

Cô giáo Tân đã bị tước bỏ quyền lợi, trực tiếp rơi vào vòng nguy hiểm ảnh 3

Vì sao cô giáo Tân viết đơn xin ra khỏi Công đoàn?

Để duy trì hoạt động Đội, giáo viên chủ nhiệm đã phải “ xuất tiền túi”.

Trình tự giải quyết tố cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có vượt rào?

Theo Luật tố cáo 2011 thì việc giải quyết tố cáo phải được thực hiện theo trình tự như sau:

Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo;

Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Quy định rất rõ ràng, cụ thể, tuy nhiên ngoài sự "hồn nhiên" công khai danh tính người tố cáo cho người bị tố cáo biết thì tổ xác minh của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cũng "hồn nhiên" quên luôn kết quả xác minh những nội dung tố cáo.

Bởi thế, 04 nội dung tố cáo của cô giáo Tân đối với hiệu trưởng Lê Kim Diên được xác minh là đúng nhưng chuyện xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo cùng với việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo đã bị Phòng Giáo dục đưa vào quên lãng cho đến khi cô Giáo Tân phải tố cáo lần 2.

Khoản 1;2 Điều 37 Luật tố cáo 2011 quy định:

Người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức.

Người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người tố cáo;

Không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

Nhưng rõ ràng cô giáo Nguyễn Thị Tân đã bị Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) tước bỏ quyền lợi và trực tiếp đẩy cô Tân vào vòng nguy hiểm khi phải tiếp tục chống chọi, đấu tranh hàng ngày để tự bảo vệ mình trước cá nhân, tổ chức mà bản thân đã tố cáo.

 Đây chính là“giọt nước tràn ly”, là cú hích cuối cùng khiến cho cô giáo Nguyễn Thị Tân (người từng là Phó chủ tịch công đoàn) phải đau đớn viết đơn xin ra khỏi tổ chức Công đoàn nhà trường khi cô luôn bị ức hiếp, chà đạp bởi những người mình đã tố cáo mà không được công đoàn bảo vệ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatvietnam.vn/khieu-nai/luat-03-2011-qh13-quoc-hoi-66490-d1.html#noidung.

https://luatvietnam.vn/khieu-nai/luat-to-cao-nam-2018-164912-d1.html#noidung

Phan Tuyết-Hoài Thu