Cô giáo Nga, người mẹ hiền của những học sinh tự kỷ hòa nhập

09/06/2020 09:03
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn 12 năm cô giáo Lê Thị Nga, người lái đò thầm lặng chở biết bao thế hệ học trò đến bến bờ tri thức, chuyến đò nào cũng có những học sinh mắc chứng tự kỷ.

Đối với nhiều thế hệ phụ huynh, cô Nga như người mẹ hiền thứ hai của con em họ, người họa sĩ vẽ nên cho những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ một tương lai tươi đẹp. Nhờ cô không ít trẻ tự kỷ tiến bộ mỗi ngày và hòa nhập cộng đồng.

Với những đóng góp không biết mệt mỏi, năm 2019, cô Lê Thị Nga (giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, Việc tốt”.

Từ ngày ra trường, cô Nga chọn gắn bó với học sinh lớp 1, lứa tuổi còn bỡ ngỡ, thơ ngây và cần nhiều thời gian rèn giũa nề nếp.

Để dạy được học sinh bình thường bước vào lớp 1 quen với cách học đã khó, dạy được trẻ tự kỷ hòa nhập còn khó hơn gấp bội phần.

Nhưng bằng tình yêu nghề, yêu học trò từ tâm cô Nga đã khiến không ít phụ huynh có con tự kỷ vỡ òa trong hạnh phúc khi con biết đánh vần, biết đọc, biết viết, biết gọi bố mẹ.

Năm học nào lớp của cô Nga làm giáo viên chủ nhiệm cũng đón một số học trò đặc biệt. Các em mắc chứng tự kỷ vào lớp học hòa nhập.

Năm học 2019 – 2020 , lớp 1A1 của cô Nga đón 4 em gặp khó khăn trong giao tiếp, trong đó có cậu học trò nhỏ L.S. Những ngày đầu đến lớp, L.S. chỉ biết chạy quanh lớp học và la hét.

Là một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ hòa nhập, cô Nga lại giang rộng vòng tay nhẹ nhàng ôm các em vào lòng, dỗ dành như người mẹ hiền để em về chỗ.

Cô kiên trì từng ngày, hướng dẫn để các con quen dần với môi trường học tập mới cùng các bạn bình thường trong lớp.

Lúc đầu chỉ là những hành động đơn giản cô Nga giúp các con tự kỷ ngồi ngay ngắn trên ghế, khoanh tay ngoan trên bàn,… rồi luyện viết và học số.

Những điều tưởng chừng rất đỗi đơn giản như thế đối với hầu hết các bạn trong lớp là việc hết sức bình thường, nhưng đối với trẻ tự kỷ lại là điều diệu kỳ. Qua một tháng hè và gần hai tuần học, L.S. đã biết ngồi ngoan và muốn được đến lớp cô Nga.

Hạnh phúc vỡ òa với mẹ của L.S., đặc biệt cô Nga khi lần đầu tiên L.S. đã biết chào cô khi tới lớp và ngồi ngay ngắn để tô được một dòng chữ ngay ngắn.

Để có thêm thời gian bên các con, cô Lê Nga đăng ký trông bán trú, chăm sóc cho các con lớp mình. Cô Nga kiên trì hướng dẫn cho L.S., P.T.,… cách cầm thìa, cách ăn, cách uống sữa bằng ống hút,…

Cô giáo Lê Thị Nga luôn dành tình cảm đặc biệt, tình yêu thương từ đáy lòng đối với trẻ em đặc biệt của lớp. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lê Thị Nga luôn dành tình cảm đặc biệt, tình yêu thương từ đáy lòng đối với trẻ em đặc biệt của lớp. Ảnh: NVCC.

Cô Nga bên những học trò đáng yêu. Ảnh: NVCC.
Cô Nga bên những học trò đáng yêu. Ảnh: NVCC.

Nhiều phụ huynh vẫn thấy cô Nga ở lại rất muộn chấm bài, tìm hiểu thông tin về trẻ tự kỷ hay trao đổi, chia sẻ, phối hợp với phụ huynh có con tự kỷ ngày để các con vươn lên hòa nhập với cuộc sống như bao trẻ bình thường khác.

Chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Nga cho biết: “Chắc chắn dạy học lớp học sinh bình thường, không có trẻ tự kỷ sẽ nhàn hơn.

Nhưng tiếp xúc với gia đình, đặc biệt mẹ của các em tự kỷ mới thấy hết được nỗi vất vả, trăn trở về câu hỏi làm sao để các con tiến bộ mỗi ngày dù là một câu nói, đánh vần hay một phép tính.

giáo viên chủ nhiệm, học sinh lớp mình có những trường hợp thiệt thòi, không may, bản thân mình cần phải làm gì đó để giúp đỡ các em tốt lên mỗi ngày. Còn gì hạnh phúc hơn ngày hôm nay các con tiến triển, cải thiện hơn ngày hôm qua”.

Cũng theo cô Nga, tiếp xúc với các con tự kỷ phải thật sự đồng cảm, đặt vị trí như người mẹ của các em mới hiểu được con điểm yếu, điểm mạnh, điểm vượt trội để giúp các em phát huy điểm mạnh, vượt trội.

Có tiếp xúc hằng ngày, trò chuyện và chăm sóc các em, mới thấy rằng trẻ tự kỷ có nhiều kênh giao tiếp riêng của mình. Giáo viên, phụ huynh nắm được thế giới riêng đó mới có thể dạy dỗ, điều chỉnh hành vi của các em hiệu quả.

Cô giáo Lê Thị Nga luôn dành tình cảm đặc biệt, tình yêu thương từ đáy lòng đối với trẻ em đặc biệt của lớp. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lê Thị Nga luôn dành tình cảm đặc biệt, tình yêu thương từ đáy lòng đối với trẻ em đặc biệt của lớp. Ảnh: NVCC.

Năm đầu tiên ra trường lớp cô Nga đã có trẻ tự kỷ học hòa nhập, mới đầu cô còn gặp khó khăn, bỡ ngỡ và cũng khá lúng túng khi tiếp xúc, dạy các em.

Nhưng bằng tình yêu học trò, cô Nga đã tìm hiểu tài liệu, sách vở, nhờ những chuyên gia tư vấn tình trạng thực tế của các con đang mắc phải để có phương pháp cho từng trường hợp.

Qua đó cô Nga có phương pháp hiệu quả với từng học trò để các con tự kỷ mỗi ngày một tiến bộ.

Cô Lê Nga vẫn còn nhớ cậu học trò nhỏ mắc chứng tự kỷ rất sợ âm thanh hay tiếng động lớn. Bởi vậy, cô Nga thường xuyên trao đổi với giáo viên năng khiếu, bộ môn như âm nhạc để con không hoảng sợ.

Con rất sợ tiếng ồn nên vào giờ học âm nhạc con có thể tự ý chạy ra bên ngoài bất cứ lúc nào. Bởi vậy, cô trao đổi với giáo viên âm nhạc có thể cho con đeo tai nghe để con không hoảng sợ…

Đối với nhiều thế hệ phụ huynh nói về cô Nga là sự biết ơn, cảm phục công lao rất lớn giúp con phát triển, tốt lên từng ngày, hòa nhập cộng đồng. Ảnh: NVCC.

Đối với nhiều thế hệ phụ huynh nói về cô Nga là sự biết ơn, cảm phục công lao rất lớn giúp con phát triển, tốt lên từng ngày, hòa nhập cộng đồng. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Nga chia sẻ, sẽ vô vàn khó khăn nếu không có phương pháp khoa học dạy các con tự kỷ. Bản thân cô Nga ngày còn ngồi trên ghế nhà trường không được đào tạo về dạy trẻ tự kỷ.

Nhưng bằng yêu thương, giúp đỡ các con từ những việc nhỏ nhất, cô Nga tự trau dồi, học hỏi, tìm tòi tài liệu về trẻ tự kỷ bằng cả trái tim, xem các em như con.

Cô Nga cho hay, kỹ năng viết hay tính toán đối với các con cũng rất khó khăn. Cô phải cầm tay, kiên trì như bé H.A. phải mất thời gian dài con đã đọc thuộc được bảng nhân, tính toán.

Mới đầu con không phân biệt được số lớn, số bé, nhưng dần dần cô và trò kiên trì cùng với phương pháp hiệu quả con đã tiến bộ, con làm được gần như trẻ bình thường.

Nhiều năm nay cô Nga được phụ huynh có con không may mắc chứng tự kỷ đặt niềm tin con được học cô sẽ tiến bộ mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

Nhiều năm nay cô Nga được phụ huynh có con không may mắc chứng tự kỷ đặt niềm tin con được học cô sẽ tiến bộ mỗi ngày. Ảnh: NVCC.

Thực tế, cô Nga cũng vấp phải sự bất hợp tác từ phía phụ huynh, họ không thừa nhận thực tế của con mắc chứng tự kỷ. Để thuyết phục phụ huynh chấp nhận sự thật, cô Nga kiên trì ghi lại clip, chụp lại hình ảnh gửi cho bố mẹ.

Mong muốn phụ huynh đối diện sự thật để cùng phối hợp với giáo viên kịp thời thăm khám, có những phương pháp can thiệp, dạy hiệu quả cho con. Việc can thiệp đối với các con càng sớm càng tốt.

Để các con trong lớp cùng yêu thương, giúp đỡ các bạn tự kỷ, cô Nga có cách truyền tải thông điệp rất ý nghĩa đến các bạn khác trong lớp.

“Tôi vẫn nói với cả lớp, lớp chúng ta có một số bạn hơi đặc biệt một chút, nhưng các bạn rất ngoan và đáng yêu. Các con cùng chơi với bạn để bạn hòa nhập.

Các con cùng động viên, khuyến khích nhau cùng tốt hơn, đặc biệt không được dùng những từ như bạn này bị tự kỷ…

Bên cạnh đó, tôi cũng chia sẻ sự thiệt thòi của các bạn đặc biệt để các con bình thường biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ bạn.

Bởi vậy, các con tự kỷ được các bạn khác rất yêu quý, sẵn sàng giúp đỡ bạn của mình”, cô Nga nói.

Nhìn những học trò đặc biệt của mình tốt lên mỗi ngày là động lực để cô Nga tiếp tục lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia với các con mắc chứng tự kỷ học hòa nhập.

Nhiều phụ huynh tiếc nuối khi con chỉ được học cô Nga lớp 1, nhưng với nhiều gia đình cô Nga như người mẹ hiền thứ hai của con. Họ luôn dành những tình cảm đặc biệt, lòng biết ơn, cảm phục trước tình yêu xuất phát từ trái tim của cô Nga dành cho các trò đặc biệt.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Kim Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ ghi nhận, đánh giá rất cao nỗ lực, tâm huyết với nghề của cô giáo Lê Thị Nga.

Cô Nga được phụ huynh, nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng, biết ơn. Nhà trường rất tin tưởng khi giao phó cho cô Nga nhiều học sinh tự kỷ hòa nhập so với các lớp khác.

Có thể nói cô Nga, một giáo viên rất tâm huyết, trách nhiệm, mẫu mực là tấm gương sáng cho thầy cô, học trò noi theo. Dù ở cương vị nào, cô luôn thể hiện được phẩm chất mẫu mực của một nhà giáo, một giáo viên hết lòng yêu thương học sinh.

Vũ Phương