Có dấu hiệu “liên minh”, “nhóm lợi ích” trong vụ làm giả hồ sơ tại quận Đống Đa

12/01/2016 13:44
Hải Ninh
(GDVN) - Sau một thời gian dài “giấu nhẹm” chuyện làm giả hồ sơ, cuối cùng quận Đống Đa cũng phải thừa nhận thực tế, nhưng vì sao vẫn chưa có ai bị xử lý?

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, ngày 18/12/2015, tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trương Thế Khôi, Trưởng ban BT, GPMB quận Đống Đa thừa nhận: "Chúng tôi chỉ biết là có người ký hộ nhưng không thể biết là ai ký vì lúc đó đông người".

Cách giải thích của ông Khôi không những thừa nhận có người giả chữ ký, mà còn thể hiện sự "vô lý" khi có hàng chục phòng, ban của quận cùng tham gia, thẩm định, giám sát và chịu trách nhiệm về dự án nhưng lại không biết ai là người làm giả. Điều đáng nói, trong hồ sơ thửa đất không phải "chủ sử dụng đất" bị giả chữ ký 1 lần mà còn bị làm giả một cách có hệ thống.

Có dấu hiệu “liên minh”, “nhóm lợi ích” trong vụ làm giả hồ sơ tại quận Đống Đa ảnh 1

Quận Đống Đa thừa nhận "ký khống", lộ việc báo cáo "gian dối" lên cấp trên

Có dấu hiệu “liên minh”, “nhóm lợi ích” trong vụ làm giả hồ sơ tại quận Đống Đa ảnh 2

Thanh tra Hà Nội "vẽ đường" cho... quận Đống Đa “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Có dấu hiệu “liên minh”, “nhóm lợi ích” trong vụ làm giả hồ sơ tại quận Đống Đa ảnh 3

Bị tố lập khống hồ sơ, rút tiền ngân sách, quận Đống Đa giải thích thế nào?

Cụ thể, tại Công văn số 199/CV-HĐ của Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Đống Đa ngày 05/3/2013 do ông Trương Đình Đức, Trưởng ban ký lại giải thích sai sự thật rằng:

Trong Quyết định số 6189/QĐ-UBND ngày 01/12/2011… có ghi thừa câu “và chủ sử dụng đất” vì GPMB tại đây thực hiện theo quy định của điểm a, Khoản 2, Điều 53…”.

Tức là, Hội đồng GPMB cho rằng, không có người ký vào hồ sơ GPMB thửa đất, việc thực hiện của quận trong trường hợp “chủ sử dụng đất không hợp tác”.

Tiếp đến, tại Kết luận nội dung tố cáo của Thanh tra quận Đống Đa ngày 09/1/2014 cho rằng:

Căn cứ biên bản ngày 21/8/2009 của tổ công tác GPMB phường Nam Đồng, Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư UBND quận có Thông báo số 69/TB-HĐ ngày 21/11/2009 về việc đề nghị UBND phường Nam Đồng cung cấp hồ sơ địa chính lưu tại phường làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho chủ sử đất tại số 71, ngách 195, ngõ Xã Đàn 2 (nay là 163 Xã Đàn) do chủ sử dụng đất không hợp tác điều tra…”.

Tại Thông báo số 15/TB-UBND ngày 20/1/2014 của UBND quận Đống Đa do ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch (nay là Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội) ký tiếp tục có hành vi bao che, dung túng khi cho rằng:

Theo bản vẽ hồ sơ kỹ thuật thửa đất của Công ty TNHH Nhà nước MTV địa chính Hà Nội xác nhận ngày 01/12/2010, thửa đất nhà ông Sơn đang sử dụng tại thửa đất số 163 Xã Đàn có tổng diện tích 48,6m2… Phần hồ sơ kỹ thuật thửa đất chủ đầu tư và UBND phường ký xác nhận, riêng chủ sử dụng đất không ký…”.

Quyết định của UBND quận Đống Đa nêu rõ việc có chủ sử dụng đất ký vào hồ sơ GPMB thửa đất.
Quyết định của UBND quận Đống Đa nêu rõ việc có chủ sử dụng đất ký vào hồ sơ GPMB thửa đất.

Tiếp đó, tại Công văn số 1240/UBND-TTr ngày 19/12/2014 do ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận ký tiếp tục bao che, dung túng khi kết luận rằng: “Việc tố cáo của công dân về việc ông Vũ Minh Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Đồng và một số cán bộ quận Đống Đa làm giả hồ sơ và chiếm đoạt tiền đền bù của gia đình bà Lê Thị Thanh Hằng tại dự án cống hóa mương và xây dựng tuyến đường từ cống Chẹm đến sông Lừ là tố cáo sai”.

Như vậy, trong tất cả các văn bản của các phòng ban, lãnh đạo quận Đống Đa trước đây đều khẳng định rằng “không có người ký, không có việc giả mạo chữ ký, chủ nhà không hợp tác điều tra…”, nhưng với thừa nhận của ông Trương Thế Khôi, Trưởng ban BT, GPMB quận Đống Đa ngày 18/12/2015, thì dư luận mới hiểu rõ sự thật như thế nào (?!).

Có dấu hiệu liên minh, lợi ích nhóm, sai phạm có tổ chức xảy ra tại UBND quận Đống Đa cần phải được xử lý nghiêm minh.
Có dấu hiệu liên minh, lợi ích nhóm, sai phạm có tổ chức xảy ra tại UBND quận Đống Đa cần phải được xử lý nghiêm minh.

Vì sao, một sự thật “làm giả hồ sơ” lại được tất các phòng, ban chức năng, lãnh đạo của quận Đống Đa nhiều lần bao che, bao biện, dung túng trong một thời gian dài? Với việc làm này đã có đủ cơ sở khẳng định cho sự “liên minh”, “nhóm lợi ích”, "có tổ chức" bao che sai phạm ở quận Đống Đa, vì sao Thành phố Hà Nội chưa vào cuộc xử lý?

Phân tích về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng:

Trong nhiều năm qua, liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong việc thu hồi đất để thực hiện các dự án trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ vi phạm pháp luật của cán bộ, cơ quan nhà nước điển hình qua các hành vi như, vi phạm trong tính giá, áp giá bồi thường; tính khống diện tích, đơn giá bồi thường để trục lợi cho cá nhân, cấu kết làm lợi cho các nhà đầu tư và gây thiệt hại cho người bị thu hồi đất.

Đối với vụ việc tại quận Đống Đa mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu thì cơ quan Thanh tra thành phố Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ  nội dung vụ việc, động cơ, mục đích của hành vi vi phạm; cần làm rõ số tiền hơn 500 triệu đồng của gia đình bà Hằng trong nhiều năm có phải để ở Kho bạc hay đã sử dụng trái phép bởi một hoặc một số cá nhân.

Từ kết quả xác minh, làm rõ các chứng cứ  để làm cơ sở xác định có hành vi phạm tội hay không?

Nếu số tiền đã được cố ý lấy sử dụng vào mục đích cá nhân bởi một hoặc số cá nhân thì có hành vi Tham ô được quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 hoặc Tội  lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 280 Bộ luật Hình sự và Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 – Bộ luật Hình sự…

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Hải Ninh