Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án trốn thuế 13 tỷ đồng xảy ra tại Halico

07/05/2016 10:16
Phan Thiên
(GDVN) - Ông Hồ Văn Hải đã bác nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng số tiền hơn 300 triệu đồng là "quá biếu" chứ không phải nhận hối lộ...

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm? 

Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của gia đình ng Hồ Văn Hải, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico), hiện đang bị bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đơn thư, ông Hải khẳng định: "Trong quá trình bán sản phẩm xuất khẩu sang Lào thông qua Công ty Hoàng Lân và trực tiếp của Halico cho doanh nghiệp tư nhân Lê Thị Hải tại Lào, tôi không xuất phát từ động cơ cá nhân để phạm tội theo Điều 281, Bộ luật Hình sự.

Không có chuyện Hoàng Văn Xưởng gặp tôi xin cho sử dụng pháp nhân Halico để hợp thức hóa hồ sơ xuất khẩu đi Lào, cũng như việc tôi đồng ý và chỉ đạo Nguyễn Hồng Tiến, Nguyễn Thị Quỳnh Trang phối hợp với Xưởng để thực hiện việc bán hàng trong nước nhằm mục đích trốn thuế như kết luận điều tra và cáo trạng nêu".

Trước đó, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hồ Văn Hải (SN 1956, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội - Halico) và Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các đối tượng khác: Vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Lân là Hoàng Văn Xưởng, Đinh Thị Minh Hoa, cùng Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nguyên chuyên viên Phòng phát triển và thị trường của Halico), Nguyễn Thị Thủy bị truy tố về tội “Trốn thuế”.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 28/04
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 28/04

Theo kết luận điều tra, Công ty Halico (địa chỉ tại phố Lò Đúc) có vốn Nhà nước chiếm hơn 54%. Từ cuối năm 2006 đến tháng 3/2013, ông Hải được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Halico, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Năm 2008, vợ chồng Hoàng Văn Xưởng thành lập Công ty Hoàng Lân kinh doanh rượu, bia và nước giải khát. Biết rượu xuất khẩu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vợ chồng Xưởng nảy sinh ý tưởng mua rượu xuất khẩu bán trong nước. Sau khi liên hệ, vợ chồng Xưởng được ông Hải đồng ý để Công ty Hoàng Lân làm trung gian xuất khẩu rượu Vodka sang Lào.

Cuối tháng 11/2008, Công ty Hoàng Lân ký hợp đồng rượu xuất khẩu đầu tiên với Halico. Từ ngày 17 - 30/12/2008, Halico đã cung cấp cho đối tác 5.070 thùng rượu vodka để xuất khẩu sang Lào. Song vợ chồng Xưởng không thực hiện như cam kết mà bán rượu tại Hà Nội.

Tháng 9/2009, khi kiểm tra thị trường, Nguyễn Thị Quỳnh Trang phát hiện Công ty Hoàng Lân bán rượu xuất khẩu trong nước. Biết chuyện, Trang thỏa thuận được chia một phần lợi nhuận.

Vụ việc chỉ dừng lại khi một số đại lý rượu trong nước phát hiện và phản đối. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, ông Hồ Văn Hải tiếp tục nối lại hợp đồng mua bán với vợ chồng Xưởng.

Ngoài ra, vợ chồng Xưởng còn liên hệ trực tiếp với Tổng Công ty bia, rượu để mua bia xuất khẩu rồi bán trong nước (Habeco).

Từ năm 2011 - 2012, Đinh Thị Minh Hoa đã liên hệ với Nguyễn Tiến Dũng (Phó phòng thị trường Habeco) thực hiện 5 hợp đồng mua bia xuất khẩu với Habeco.

Để hợp thức số rượu tiêu thụ trong nước, vợ chồng Xưởng thông qua Thủy, Hoa, Hạnh giúp thực hiện các thủ tục kê khai hải quan. Cơ quan điều tra còn làm rõ, Hoa làm giả hợp đồng xuất khẩu rượu để đưa vào hồ sơ hải quan.

Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt 13,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Hồng Tiến không bị truy tố, trong khi đã nhận 450 triệu đồng từ Hoa đưa thông qua Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Ông Tiến từ tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” sang tội “trốn thuế”, rồi được đình chỉ điều tra về tội “trốn thuế” và cuối cùng VKSNDTC kết luận “Tiến tham gia thực hiện tội phạm ở giai đoạn sau, do có sự tác động, chỉ đạo của Hồ Văn Hải, thái độ khai báo thành khẩn, đã nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính” nên miễn trách nhiệm hình sự!

Tương tự, ông Nguyễn Tiến Dũng được cơ quan điều tra xác định là Hoa thỏa thuận với ông Dũng để ông Dũng ký nháy đồng ý vào các hợp đồng, bán tổng cộng 54.000 thùng bia lon Hà Nội trị giá 407.640 USD để Hoa và Xưởng tiêu thụ 22.250 thùng ngay trong nước rồi hợp thức hồ sơ là đã xuất khẩu, trốn thuế hơn 1,3 đồng.

Hoa khai nhiều lần đưa cho Dũng tổng số 540 triệu đồng nhưng Dũng chỉ thừa nhận đã nhận tổng cộng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, cáo trạng lại nói “không có căn cứ xử lý” do “không có căn cứ xác định do Dũng làm sai chức trách, nhiệm vụ hoặc biết bị can Hoa tiêu thụ bia xuất khẩu trong nước”, “đã thành khẩn khai báo và nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính”. 

Nhiều tình tiết cần làm rõ?

Ngày 28/04/2016 TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội. 

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Văn Xưởng khai rõ, Xưởng có quan hệ với các cửa hàng bên Lào nên buôn bán với họ. Mọi việc Xưởng đều làm việc với  Phòng phát triển thị trường của Công ty Halico. Và, ông Hải không hề biết Xưởng bán rượu xuất khẩu trong nước. 

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang khai, mọi việc Trang không hề báo cáo với ông Hải về việc Trang cùng Nguyễn Hồng Tiến (cán bộ của Halico) được vợ chồng Xưởng – Hoa cho tiền theo từng lô hàng xuất khẩu mua của Halico. 

Trang cũng không được ông Hải chỉ đạo tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Lân bán rượu trong nước. Việc bàn bạc với Công ty Hoàng Lân thì chỉ có Trang và Tiến cùng bàn bạc với vợ chồng Xưởng - Hoa, và nhận tiền ở phía Xưởng - Hoa. 

Trang khai có biếu ông Hải 100.000.000 đồng vào dịp gần Tết và có nói với ông Hải “Anh Xưởng bán hàng ở bên Lào tốt nên gửi biếu chú”

Hội đồng xét xử nhận thấy đây là tình tiết mới phát sinh mà quá trình xét xử không thể làm rõ được nên Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ lại lời khai của các bị cáo và các vấn đề liên quan đến vụ án này. 

Ông Hải cho biết, Khi Công ty Hoàng Lân đề nghị được mua rượu xuất khẩu và ký lại hợp đồng, tôi đã yêu cầu Công ty Hoàng Lân phải cam kết không bán hàng trong nước, đồng thời mở một cuộc họp với ban lãnh đạo Công ty và Phòng Phát triển thị trường để xem xét về việc có ký lại hợp đồng với Công ty Hoàng Lân hay không.

Ngoài ra, tôi cũng đã giao cho Nguyễn Hồng Tiến báo cáo trước cuộc họp biện pháp ngăn chặn để không cho hàng xuất khẩu quay lại bán trong nước, cũng như giao nhiệm vụ cho các phòng ban giám sát về việc này.

Cùng với đó, tôi đã giao việc cho các phòng chức năng liên quan theo đúng trình tự như quy chế và quy trình xuất khẩu của Công ty chứ không giao trực tiếp cho nhân viên Nguyễn Thị Quỳnh Trang như kết luận điều tra và cáo trạng nêu. 

Theo Luật Sư Nguyễn Hoàng Tiến, Văn phòng Luật sư Đức Thịnh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định: "Tại phiên tòa ngày 28/04 chỉ qua phần xét hỏi, Hồi đồng xét xử và những người có mặt trong phòng xử án cũng đã thấy rõ rằng những kết luận của Viện Kiểm sát tối cao trong cáo trạng số 03 đã nêu ở phần trên là thiếu chính xác và không có căn cứ pháp luật". 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục thông tin!

Ông Hồ Văn Hải kể từ khi giữ chức Tổng giám đốc Công ty Halico thì đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung tâm thành phố Hà Nội sang Bắc Ninh. Kể từ đó đã nhanh chóng, khẩn trương chi đạo nhà máy đi vào hoạt động nên không ngừng đưa doanh thu của Công ty  rượu Hà Nội lên gấp 3-4 lần so với trước đây. 
Với thành tích này, Công ty Halico đã nhận được: Huân chương lao động hạng nhất của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Cá nhân bị cáo Hải cũng đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Công thương…
Phan Thiên