Có cần cắt hợp đồng giáo viên để chờ xét tuyển đặc cách biên chế?

03/01/2020 06:00
Thảo Ly
(GDVN) - "Dù biết việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học nhưng phải thực hiện theo chủ trương chung".

Trước Công văn của Bộ Nội vụ yêu cầu tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng, có địa phương đã thực hiện ngay việc chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt nhà giáo khiến nhiều trường học trên địa bàn rơi vào tình trạng thiếu hụt giáo viên đứng lớp.

Chấm dứt 200 giáo viên chờ đặc cách, nhiều trường học ở Quảng Bình thiếu giáo viên. (Ảnh VOV)
Chấm dứt 200 giáo viên chờ đặc cách, nhiều trường học ở Quảng Bình thiếu giáo viên. (Ảnh VOV)

Điển hình như huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) vừa chấm dứt hợp đồng lao động với gần 200 giáo viên trước ngày 1/1/2020.

Tình hình cấp bách đến mức, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo, bởi nếu không có giáo viên dạy thì các em học sinh sẽ phải nghỉ học.

Thế nhưng, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình: Trên cơ sở biên chế được giao, đơn vị sẽ tiến hành xét tuyển đặc cách vào viên chức đối với các đối tượng đủ điều kiện, thi tuyển hoặc xét tuyển theo hình thức công khai.

Mặc dù biết việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học nhưng phải thực hiện theo chủ trương chung.{1}

Bất ngờ với phát biểu của đại diện ngành giáo dục

Có cần cắt hợp đồng giáo viên để chờ xét tuyển đặc cách biên chế? ảnh 2
Quảng Ngãi yêu cầu rà soát lại tình trạng thiếu giáo viên

Nghe lãnh đạo Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình phát biểu:

“…dù biết việc chấm dứt hợp đồng lao động sẽ gây ảnh hưởng đến công tác dạy và học nhưng phải thực hiện theo chủ trương chung” mà thấy bất ngờ.

Nếu là lời một lãnh đạo ngoài ngành giáo dục còn dễ hiểu. Nhưng đây lại là phát biểu của người lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục tỉnh này.

Chẳng lẽ làm trong ngành mà vị lãnh đạo ngành giáo dục lại không thể hiểu được việc thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy, giáo dục học sinh đến thế nào?

Thiếu giáo viên hệ quả sẽ thế nào?

Trong giáo dục, việc thiếu giáo viên sẽ dẫn đến nhiều hệ quả buồn. Giáo viên càng thiếu nhiều, học sinh càng thiệt thòi lớn.

Thiếu ít, giáo viên phải chạy sô lớp này sang lớp khác đến mệt nhoài và chẳng còn nhiều thời gian chăm lo cho học sinh.

Một kiểu dạy đến giờ vào lớp, hết giờ bước ra cũng như xong trách nhiệm. Học sinh hiểu bài, tiếp thu đến đâu cũng chẳng còn thời gian để quan tâm nữa.

Thiếu nhiều giáo viên, tình trạng học sinh bị trống tiết vì không có thầy cô dạy sẽ thường xuyên xảy ra. Có buổi lên lớp thay vì học 4 tiết, có khi chỉ được học hai tiết và cứ chơi dài dài.

Có ngày, học sinh được nghỉ học luôn vì không thể bố trí ai dạy dùm. Hoặc sẽ xảy ra tình trạng, một giáo viên dạy cùng lúc 2 lớp.

Như giảng bài bên lớp này, lớp kia cho học sinh làm bài tập, hoặc cho các em mang vở ra chép bài, viết tập viết, luyện viết với mục đích để các em bớt ồn ào.

Một buổi mang tiếng đi học ở trường nhưng chữ nghĩa vào đầu đôi khi chẳng được là bao.

Đã có trường vì quá thiếu giáo viên, không thể để các em nghỉ thường xuyên, không thể để một người dạy cùng lúc 2 lớp, nhà trường buộc bố trí giáo viên dạy chéo ban.

Có cần cắt hợp đồng giáo viên để chờ xét tuyển đặc cách biên chế? ảnh 3
Hơn 3.800 giáo viên Hải Dương phấn khởi vì được kéo dài hợp đồng

Ví như giáo viên tiếng Anh kiêm dạy luôn cả Sử và Địa. Giáo viên Toán dạy luôn Giáo dục công dân. Giáo viên thể dục vào dạy môn Đạo đức…

Dẫn đến một tiết dạy ( 35 phút tiểu học và 45 phút trung học) nhưng mới hết nửa thời gian, bài dạy đã hết vì thầy cô chẳng còn gì để nói.

Nếu vì học sinh thì không thể để tình trạng thiếu giáo viên

Chuyện dạy còn thế, chuyện chăm sóc và giáo dục học sinh gần như bỏ ngỏ. Thế là học sinh phá tan nề nếp của lớp, của trường dẫn đến nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra là vì thế.

Giáo viên dạy đủ chuẩn của mình mà lơ là, thiếu nhiệt tình còn để lại hậu quả thì việc thiếu giáo viên sẽ dẫn đến nhiều chuyện bất lợi cho học sinh đến mức nào.

Thầy cô giáo tiểu học hằng ngày không rời mắt khỏi học trò vậy mà còn xảy ra chuyện lười học, quậy phá, đánh nhau, chạy nhảy gây thương tích…

Học sinh bậc trung học, lứa tuổi dở dở ương ương đang rất cần sự dạy dỗ, uốn nắn và định hướng từng ngày.

Vắng thầy cô bên cạnh, trò như mất đi phương hướng và những sai lầm, nối tiếp những sai lầm cũng có dịp được bùng phát.

Tài liệu tham khảo:

http://baodansinh.vn/quang-binh-cham-dut-hop-dong-lao-dong-nhieu-truong-hoc-thieu-giao-vien-20200101201127468.htm{1}

Thảo Ly