Có 2 trong số 76 người sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô bị miễn nhiệm

30/07/2021 11:20
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cơ quan điều tra đã kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý trách nhiệm những người được cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô. Hiện có 2 người bị miễn nhiệm.

Ngày 28/7, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ký bản cáo trạng số 36/Ctr- VKSTC-V1 đối với các bị can trong vụ sai phạm ở Đại học Đông Đô (có trụ sở chính tại: KM25, quốc lộ 6A, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội và cơ sở đào tạo chính tại: 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội)

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2019, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp (429 bằng giả và 2 giấy giả chứng nhận hoàn thành chương trình học), thu lợi bất chính số tiền 7.103.310.000 đồng.

Trong đó, Cơ quan điều tra đã điều tra làm rõ 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định; còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo, việc sử dụng văn bằng, giấy chứng nhận giả đã được xác định cụ thể.

Theo đó, trong số 210 trường hợp được cấp bằng, giấy chứng nhận giả, Cơ quan điều tra xác định 76 người đã sử dụng, trong đó: 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh và 09 trường hợp sử dụng vào mục đích khác, gồm: 02 trường hợp để học thạc sỹ, 04 trường hợp để kê khai hồ sơ công chức, viên chức, 01 trường hợp đề thi tuyển công chức, 01 trường hợp để thi nâng ngạch công chức, 01 trường hợp đề thi thăng hạng viên chức.

Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị cơ quan chủ quản xem xét, xử lý trách nhiệm của công chức, viên chức, đảng viên được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả; đồng thời, kiến nghị các cơ sở đào tạo xem xét, hủy kết quả sử dụng văn bằng giả, kết quả như sau:

Đối với 67 trường hợp sử dụng làm nghiên cứu sinh: Cơ quan chủ quản đã xử lý: 02 trường hợp miễn nhiệm chức vụ; 14 trường hợp cảnh cáo, khiến trách, kiểm điểm; 06 trường hợp tự kiểm điểm và nhận lỗi; 02 trường hợp lao động tự do nên không kiến nghị xử lý; 43 trường hợp đang xem xét kiểm điểm trách nhiệm, chưa có thông báo kết quả xử lý.

Các cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh đã xử lý: Hủy kết quả và không công nhận kết quả nghiên cứu sinh 31 trường hợp; tự nghỉ học xin rút hồ sơ 24 trường hợp; chưa đủ điều kiện bảo vệ, đang học và thi bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ 05 trường hợp; chưa nhận được kết quả xử lý 07 trường hợp.

Cơ quan chức năng xác định Đại học Đông Đô đã cấp 429 bằng giả và 2 giấy chứng nhận giả. Ảnh: Trung Dũng

Cơ quan chức năng xác định Đại học Đông Đô đã cấp 429 bằng giả và 2 giấy chứng nhận giả. Ảnh: Trung Dũng

Cơ quan chức năng cũng đã xác định, đối với 09 trường hợp sử dụng vào các mục đích khác:02 trường hợp học thạc sỹ (01 trường hợp xin rút hồ sơ học thạc sỹ, cơ quan chủ quản kiểm điểm, không xem xét thi đua năm 2020-2021, 01 trường hợp bị cơ sở đào tạo thu hồi bằng thạc sỹ và Cơ quan chủ quản kỷ luật cảnh cáo); 04 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ (01 trường hợp đã bị Cơ quan chủ quản phê bình, 03 trường hợp chưa nhận được kết quả xử lý); 01 trường hợp sử dụng thi nâng ngạch thanh tra viên (đã xin rút kết quả thi và được chấp nhận); 01 trường hợp thi tuyển công chức (Cơ quan chủ quản không công nhận kết quả thi, đã nghỉ việc); 01 trường hợp sử dụng thi thăng hạng viên chức (Cơ quan chủ quản đã thu hồi quyết định thăng hạng viên chức).

Theo cáo trạng, kết quả điều tra đã xác định 23 người tham gia tuyển sinh, đào tạo đúng quy định đã được Trường Đại học Đông Đô được cấp văn bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh năm 2019 và 118 người tham gia đào tạo theo quy định nhưng chưa được cấp bằng đã có đơn trình báo với cơ quan điều tra.

Tại Công văn số 2057/BGDĐT-TTr ngày 12/5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định: Thời điểm từ năm 2017 đến năm 2019, Trường Đại học Đông Đô có đủ điều kiện đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.

Do Trường Đại học Đông Đô tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học nên việc ghi trên bằng hình thức đào tạo chính quy là sai quy định.

Do vậy phải thu hồi, hủy bỏ văn bằng và thông báo để học viên đến đăng ký cấp bằng mới theo hình thức vừa làm vừa học.

Đối với những trường hợp đang học hoặc đã tốt nghiệp chưa được cấp bằng cơ quan cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định:

Những trường hợp tuyển sinh không đúng quy định thì Trường buộc thôi học, giải quyết hậu quả theo quy định; những trường hợp tuyển sinh đúng quy định, tổ chức rà soát, phân loại theo hướng những trường hợp đào tạo chưa đủ thì cho phép học hoàn thiện, bổ sung kiến thức, khi đủ điều kiện thì được xem xét cấp bằng.

Ngoài việc xác định việc sử dụng văn bằng của Đại học Đông Đô, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội để xét xử các bị can: Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô), Trần Thị Kim Oanh(cựu Phó hiệu trưởng), Lê Ngọc Hà (cựu Phó hiệu trưởng ); Trần Ngọc Quang (cựu Phó phòng Quản lý đào tạo), Nguyễn Thị Huệ (cựu Phó phòng Tài chính kế toán), Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm và Nguyễn Thị Ngọc Thái về tội “giả mạo trong công tác” theo điểm a khoản 4 điều 359 Bộ luật hình sự.

Các bị can: Lê Thị Lương (cán bộ trường Đại học Đông Đô), Ngô Quang Hiển (cán bộ trường Đại học Đông Đô) về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại điểm C khoản 2 điều 359 Bộ Luật hình sự.

Trần Phương