Chuyên gia Nga: Triều Tiên chỉ muốn "tống tiền" chứ không dám đánh

03/04/2013 14:23
Nguyễn Hường (nguồn Rian)
(GDVN) - Tuyên bố đe dọa mới nhất của Triều Tiên giống các hành động mà quốc gia này đã thực hiện gần đây và trên thực tế đó là một sự tiếp tục của chiến dịch tâm lý tạo ra cảm giác lo sợ, đe dọa hay "tống tiền" phương Tây.
Theo RIA Novosti dẫn lời đặc phái viên của Ngoại trưởng Nga Grigory Logvinov ngày 2.4 cho biết, vẫn còn có cơ hội để nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên và đây sẽ là biện pháp chính để tránh một cuộc xung đột quân sự giữa Bình Nhưỡng và Seoul bằng cách các bên dừng đưa ra những lời lẽ khiêu khích và tránh bất kỳ điều gì có thể leo thang căng thẳng.

Pháo binh Triều Tiên tập trận bắn đạn thật trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo
Pháo binh Triều Tiên tập trận bắn đạn thật trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo

Bên cạnh đó, ông cũng bác khả năng rằng tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên sẽ bùng nổ thành một cuộc chiến tranh quy mô đầy đủ, nhưng các xung đột song phương thì không loại trừ.
Hôm 2/4, KCNA đăng tải thông báo rằng Triều Tiên đang lên kế hoạch tái khởi động lò phản ứng hạt nhân tại khu phức hợp Yongbyon.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga tin rằng tuyên bố này chỉ là một nỗ lực đe dọa Mỹ và Hàn Quốc khác của Bình Nhưỡng bởi để đạt được điều đó Triều Tiên sẽ cần nhiều thời gian để khôi phục nó. 

Theo họ, lò phản ứng Yongbyon được thành lập hơn 30 năm qua đã mục nát nhiều và cách đây 5 năm, Bình Nhưỡng cho nổ lò phản ứng tại đây để thể hiện cam kết phi hạt nhân hóa với quốc tế.
Giám đốc chương trình Triều Tiên của Đại học Kinh tế RAN Toloraya George cho rằng tuyên bố đe dọa mới nhất của Triều Tiên giống các hành động mà quốc gia này đã thực hiện gần đây và trên thực tế đó là một sự tiếp tục của chiến dịch tâm lý tạo ra cảm giác lo sợ, đe dọa hay "tống tiền" phương Tây, nhất là đối với Mỹ và Hàn Quốc  của các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng.
Một nghiên cứu của Giáo sư Sergei Oznobischeva tại Trung tâm giải trừ quân bị IMEMO cho rằng những tuyên bố của Triều Tiên thường "vô thưởng vô phạt".

Mục tiêu duy nhất của những hành động đó là kích động khiến tình hình gia tăng căng thẳng lên mức cao nhất để từ đó có thể đạt được những đặc quyền đặc lợi chính trị từ Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh của họ và nhằm đảm bảo rằng chính quyền Bình Nhưỡng không bị lật đổ bằng vũ lực.
Nguyễn Hường (nguồn Rian)