Chuyên gia lập pháp cảnh báo về "vòng tròn quyền lực" tại địa phương

04/08/2021 08:15
Cao Kim Anh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư Đinh Xuân Thảo: "Cán bộ lợi dụng những sơ hở để làm giàu cho cá nhân, gây hại cho nhân dân, đất nước, là điều không thể chấp nhận được!”.

Những năm gần đây, công tác cán bộ đã được quan tâm, chú trọng với nhiều quy trình, nhiều khâu được xét duyệt cẩn trọng, quy hoạch cụ thể, rõ ràng với mong muốn, kỳ vọng rằng đất nước sẽ được vận hành với một tập thể, nhân sự đủ tâm, đủ tài, đủ đạo đức nhân phẩm, phục vụ lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Thế nhưng trong quá trình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mình, không ít cán bộ đã vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật dẫn đến sai phạm nghiêm trọng. Điển hình mới nhất là cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và nhiều thuộc cấp đã cùng nhau thực hiện hành vi sai phạm trong chuyển đổi sử dụng đất đai, đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra.

Để có cái nhìn khách quan về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn)

- Pv: Thưa ông, như đã biết, công tác cán bộ của chúng ta hiện nay được thực hiện qua các quy trình chặt chẽ, cụ thể. Vậy theo ông, nguyên nhân vì sao trong bộ máy nhà nước vẫn còn tồn tại những cán bộ sai phạm với các vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, gây hệ lụy lâu dài?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo: Công tác cán bộ rất quan trọng ở các khâu từ đào tạo, đến quy hoạch, đến tuyển dụng, bồi dưỡng… là một quá trình. Nhìn chung, công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước đề ra từ trước đến nay cơ bản là đúng đắn, bài bản.

Một cán bộ trưởng thành đúng quy trình phải có xuất phát từ cơ sở, từ một người cán bộ bình thường, qua thực tế rèn luyện, phấn đấu, qua công tác thực tiễn và phát triển. Những gương mặt có thành tích tốt sẽ được cân nhắc, đề bạt, bổ nhiệm từ vị trí thấp đến vị trí cao.

Tóm lại quy trình về công tác cán bộ của cả nước nói chung và áp dụng cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị nói riêng cơ bản là đúng.

Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình phát triển, bên cạnh những nhân tố tích cực, còn tồn tại những phần tử, chỉ là thiểu số trong quá trình công tác, phấn đấu gặp nhiều thuận lợi, điều kiện dễ dàng, bản thân chủ quan và có nhiều quyền hành trong tay, thâu tóm quyền lực, coi thường người khác, coi thường pháp luật, xem bản thân là đúng để đứng trên tất cả.

Chính vì thế khi gặp những cám dỗ, điều kiện khách quan, chủ quan, dẫn đến đi chệch đường, chệch hướng và sai phạm xảy ra là điều tất yếu. Vụ việc sai phạm của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam là thí dụ điển hình mới nhất.

Tôi được biết, tỉnh Bình Dương đã sớm hợp tác với nước ngoài để phát triển kinh tế. Tỉnh này đã đưa nhiều cán bộ đi học tập ở nước ngoài, sau đó về làm cán bộ quản lý các cấp, các ngành tại địa phương, học tập theo mô hình quản lý của nước bạn.

Bình Dương cũng được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, sớm thu hút được đầu tư nước ngoài vào địa phương.

Trong quá trình thu hút đầu tư lớn như vậy, nếu như không thực hiện cẩn trọng, chặt chẽ thì sẽ có những vấn đề phát sinh liên quan đến đất đai, xây dựng các khu công nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…

Vào giai đoạn 2008-2010, lúc đó Quốc hội khóa XII có thực hiện giám sát về việc sử dụng đất cũng như việc đền bù giải tỏa, giải quyết khiếu nại về đất đai tại nhiều vùng trong cả nước, đặc biệt là miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Dương. Lúc đó, tôi có tham gia với tư cách là thành viên của đoàn giám sát.

Trước khi xuống địa phương thực hiện giám sát thì tôi nghiên cứu kỹ các tài liệu liên quan, các quy định của nhà nước về quản lý đất đai từ luật của Quốc hội, các văn bản ban hành từ địa phương, đơn thư khiếu nại của người dân tại các địa phương đó. Tôi thấy rằng, ở Bình Dương rất nhiều khiếu nại, tố cáo của người dân trong việc thu hồi đất, lấy đất, đền bù không thỏa đáng.

Khi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương lúc đó, tôi đã nêu ra câu hỏi về vấn đề đất đai đối với lãnh đạo tỉnh về những ví dụ cụ thể như lấy đất nơi người dân trồng cao su thì thu hồi trả giá rất rẻ sau đó chuyển mục đích sử dụng đất để nâng giá thành. Ở đây tôi đặt ra vấn đề đối với cán bộ tỉnh là có xảy ra việc như thế không? Làm như thế có đúng hay không?

Khi phát hiện ra vấn đề đó, chúng tôi có kiến nghị, báo cáo cấp trên phải xem xét lại những vùng tại các địa phương có cơ chế đặc thù như vậy, vấn đề giải quyết làm sao để hài hòa được lợi ích giữa công và tư, nhà nước và nhân dân, địa phương và bên đầu tư.

Về vai trò của giám sát Quốc hội là để phát hiện xem quy định pháp luật đi vào đời sống thực tế ra sao để có sự điều chỉnh chứ không được như thanh tra để giải quyết các vấn đề ai đúng, ai sai và xử lý như thế nào.

Thời điểm đó, việc giám sát không có chức năng làm như thế. Nói để thấy rằng ở đó còn có một căn nguyên liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai trong một thời gian rất dài rồi cuối cùng không có sự chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dẫn đến tình trạng sai phạm nghiêm trọng tại địa phương.

- PV: Sai phạm tại Tỉnh ủy Bình Dương có tính tập thể, nhưng chúng ta có quy chế giám sát, kiểm soát quyền lực thì tại sao vụ việc này vẫn xảy ra trong thời gian dài? Ông có suy nghĩ gì khi cán mắc bộ sai phạm nghiêm trọng, kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị mới bị phát hiện?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo: Những địa phương thực hiện giám sát, kiểm soát tốt thì có thể phát hiện sớm, uốn nắn kịp thời để ngăn chặn những việc làm sai. Ngược lại, những nơi thực hiện không tốt thì không phát hiện, ngăn chặn được những cán bộ sa đọa, biến chất, dẫn đến vi phạm một cách trầm trọng và cuối cùng mới phát hiện ra được thì lại đang ở vị trí đứng đầu tỉnh như ông Nam là một ví dụ.

Đây là câu chuyện liên quan đến công tác cán bộ có cả vấn đề về quy định, chính sách pháp luật cần tiếp tục được nghiên cứu, ngăn chặn những kẽ hở, chặn những người không chí công vô tư, lạm dụng, lợi dụng để làm lợi cho bản thân mình.

Ngay trong vụ việc này là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Theo quy định có hai loại giá là giá nhà nước quy định và giá thị trường. Thu hồi đất, áp theo giá nhà nước, theo khung, bảng giá đất của địa phương với số tiền thấp. Khi đón nhận các đầu tư từ nước ngoài vào thì trở thành đất phục vụ cho thương mại, giá tăng lên gấp hàng chục lần.

Người ta sử dụng, vận dụng những sơ hở để đưa những giá trị chênh lệch đó vào túi cá nhân thay cho đưa vào ngân sách nhà nước, làm giàu cho nhân dân, đất nước. Đó là điều tai hại, không thể chấp nhận được!

- PV: Nhiều cán bộ cấp cao tại địa phương bị xử lý trong những năm qua cho thấy vẫn còn lỗ hổng trong công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực. Ông có những gợi ý gì để siết chặt hơn hai vấn đề này?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo: Nói về câu chuyện một loạt cán bộ mắc sai phạm ở Bình Dương, tôi thấy đó là cả một quá trình, liên quan đến quản lý, chính sách về đất đai, cơ chế đặc thù cho các địa phương được thí điểm.

Khi được tạo điều kiện cơ chế đặc thù, họ tuân thủ và làm vì lợi ích chung thì rất tốt, nhưng nếu lợi dụng thì có thể dẫn tới chuyện không đấu tranh, giám sát, mà hùa theo, kéo theo cả guồng máy với nhiều cán bộ chủ chốt, vì lợi ích riêng để bao che, nâng đỡ cho nhau.

Công tác cán bộ của chúng ta được hoạt động theo cơ chế từ dưới cơ sở đi lên. Vì thế, ở một nơi mà mọi người đều có tư tưởng sai lầm, suy thoái cùng với nhau, bao che cho nhau từ dưới lên thì ở trên rất khó phát hiện.

Đó là bài học kinh nghiệm được rút ra trong chỉ đạo, điều hành và lãnh đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Kiểm soát quyền lực cũng là một vấn đề cần phải cụ thể hóa ra như thế nào. Nếu chỉ dừng lại là một “lát cắt” tại mỗi tỉnh, tỉnh nào kiểm soát tỉnh đó thì có thể xảy ra "vòng tròn quyền lực", bao che cho sai phạm của nhau, rất khó cho việc kiểm soát từ trên xuống.

Hiện nay để kiểm soát quyền lực tại các địa phương được triển khai mạnh mẽ, thắt chặt hơn, thì công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện nghiêm túc. Tức là đưa cán bộ từ nơi khác đến phụ trách chính quyền địa phương. Đó cũng là một giải pháp tốt để phát hiện, ngăn chặn vấn đề bè phái, cục bộ địa phương, góp phần hiệu quả hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cao Kim Anh (Thực hiện)