Chuyên gia đề xuất biện pháp để giảm tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia

15/06/2022 06:34
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia, nhà hàng nên dán các thông báo như trông giữ xe qua đêm, số điện thoại taxi, xe ôm... để nhắc nhở khách hàng trong mỗi cuộc nhậu.

Thời gian vừa qua, có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, trong đó có nguyên nhân từ việc tài xế sử dụng rượu, bia vẫn lái xe.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, trong đó 11% số người chết do có liên quan rượu, bia.

Từ đây đặt ra vấn đề cần tăng cường các giải pháp để giảm số vụ, số người thương vong do tài xế sử dụng rượu bia lái xe gây ra.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, chúng ta chưa thể áp dụng việc hình sự hóa đối với tài xế có nồng độ cồn cao. Bởi lẽ, họ chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nên việc xử phạt hành chính là phù hợp.

Về việc thời gian qua có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do tài xế lái xe đã sử dụng rượu bia, Luật sư Tiến nhận định nguyên nhân đến từ lỗi chủ quan của tài xế.

"Những trường hợp lái xe có nồng độ cồn gây tai nạn chết người thì bị xử phạt hành chính ở mức cao và bị xử lý hình sự. Nếu cán bộ vi phạm nồng độ thì phải xử phạt nghiêm minh, bởi là cán bộ họ phải là người gương mẫu trong xã hội", Luật sư Tiến nhận định.

Thực tế hiện nay, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn còn có nhiều hạn chế như lực lượng Cảnh sát giao thông còn mỏng, xử phạt theo thời điểm... nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.

"Như tôi cũng thường tụ tập bạn bè đi uống bia, rượu nhưng sau đó thì gửi xe lại quán, thuê taxi, xe ôm để về nhà", ông Tiến chia sẻ.

Một nhà hàng tại quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức dịch vụ đưa khách uống rượu bia về nhà (Ảnh: PN)Một nhà hàng tại quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức dịch vụ đưa khách uống rượu bia về nhà (Ảnh: PN)

Theo Luật sư Tiến, chính quyền địa phương phải tuyên truyền tới các nhà hàng, dán thông báo tại quán "uống rượu bia thì không lái xe", hoặc dán thêm biển "trông ô tô, xe máy qua đêm", hay số điện thoại taxi, xe ôm để khách đi về, thậm chí có nơi còn lái xe ô tô của khách để đưa khách về nhà.

Nếu thực hiện được một số biện pháp như trên sẽ cảnh báo cho người uống rượu bia, đồng thời cũng nâng cao ý thức cho họ.

"Nếu có biển báo tuyên truyền, người dân khi đã sử dụng rượu bia sẽ tự bảo nhau cách để gọi taxi, xe ôm về nhà nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác", Luật sư Tiến cho hay.

Luật sư Tiến chia sẻ thêm, thực tế hiện nay có một số ít nhà hàng thực hiện dán biển trông xe qua đêm, chưa tạo được sự đồng bộ, hiệu ứng lan tỏa trong công tác tuyên truyền.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tại một số quốc gia, hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao có thể bị xử lý hình sự ngay dù chưa cần gây hậu quả. Bên cạnh đó, tài xế bị tước giấy phép vĩnh viễn, tịch thu phương tiện và bắt lao động công ích.

Ông Hùng nhận định, với điều kiện của Việt Nam hoàn toàn có thể sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính để bổ sung các chế tài này.

Hiện nay, chúng ta đang chủ yếu xử phạt hành chính nhưng có trường hợp lái xe máy sau khi uống rượu bị phạt 4 - 5 triệu đồng, trong khi đó xe cũ giá trị có 2 - 3 triệu đồng nên họ bỏ xe luôn.

"Nếu cưỡng chế họ nộp phạt thì tốn kinh phí lớn lại rất phức tạp về mặt xã hội", ông Hùng nhận định.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, chúng ta có thể nghiên cứu chế tài tịch thu phương tiện gây tai nạn giao thông hoặc người vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, có khả năng uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn giao thông, an toàn xã hội.

Về việc tước bằng lái, ở các quốc gia thường quy định với lái xe kinh doanh vận tải, nếu vi phạm nặng hoặc tái phạm thì không cho anh lái xe vận tải nữa mà chỉ được lái xe cá nhân phục vụ mình và gia đình.

"Chúng ta có thể xem xét sửa đổi theo hướng như vậy. Nhưng điều quan trọng nhất là cần thực thi nghiêm pháp luật hiện có", ông Hùng cho hay.

Tiến sĩ Lê Thu Huyền, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, hiện nay số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia ở Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, trung bình khoảng 36% tổng số vụ, trong khi tỷ lệ trên thế giới là 11-25%.

Hầu hết quốc gia coi vi phạm uống rượu bia khi lái xe là tội phạm, nếu nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự kể cả khi chưa gây hậu quả. Bên cạnh đó, tài xế còn bị lưu trữ hồ sơ vi phạm và xử lý lũy tiến khi tái phạm.

Tại Nhật, lái xe khi say rượu có thể bị phạt tới 5 năm tù hoặc một triệu yên, nếu gây tai nạn làm người khác bị thương hay tử vong thì phạt tù với mức nặng hơn. Lái xe có ma túy hoặc từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt tù tới 3 năm, phạt 0,5 triệu yên.

Ở Anh, lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép bị phạt tù 6 tháng, phạt 5.000 bảng và cấm lái xe trong một năm.

Mạnh Đoàn