Chương trình sách giáo khoa mới học hỏi nhiều kinh nghiệm các nước phát triển

01/12/2019 08:23
Phan Tuyết
(GDVN) - Chương trình sách giáo khoa mới lần này, học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển. Nhiều bộ sách chắc chắn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng- thành viên Ban phát triển chương trình môn học Ngữ văn là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẳng định với chúng tôi:

Khoảng tháng 3 sách giáo khoa lớp 1 sẽ đến tay giáo viên ((Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)
Khoảng tháng 3 sách giáo khoa lớp 1 sẽ đến tay giáo viên ((Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

“Chương trình sách giáo khoa mới lần này, học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển. Nhiều bộ sách chắc chắn sẽ đáp ứng được kỳ vọng của xã hội”.

Theo thầy Hùng, lâu nay dạy bậc tiểu học cũng đã chú ý đến phát triển kĩ năng, năng lực cho học sinh. Có điều, cách thiết kế sách giáo khoa việc phát triển kĩ năng chưa thật sự hiệu quả.

Thế nên, việc thiết kế sách giáo khoa lần này, đã chú trọng nhiều từ việc truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học nên sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Để giáo viên tiếp cận được chương trình mới một cách hiệu quả thì ngay thời điểm này các địa phương cần phải làm gì?

Thầy Hùng cho biết, từ bây giờ cho đến tháng 3, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trên cả nước phải kết thúc công việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.

Từ tháng 3 đến tháng 8, tập huấn giáo viên, hình thức như thế nào tùy thuộc vào từng Nhà xuất bản đó làm sách giáo khoa lớp 1. Tháng 3 sách giáo khoa cũng sẽ đến tay giáo viên.

Chương trình sách giáo khoa mới học hỏi nhiều kinh nghiệm các nước phát triển ảnh 2
Làm thế nào để hạn chế tiêu cực xảy ra trong quá trình chọn sách giáo khoa?

Vậy nên, ngay từ bây giờ, giáo viên cần tìm hiểu kĩ chương trình tổng thể, chương trình môn học để khi tiếp cận với sách giáo khoa khỏi bị bỡ ngỡ.

Giáo viên sẽ được góp ý để chỉnh sửa và hoàn thiện sách giáo khoa

Từ tháng 3 đến hè (khi đã có bộ sách được chọn cho địa phương mình trên tay), giáo viên sẽ có cơ hội góp ý về bộ sách mà địa phương mình đã chọn.

Thầy Hùng cũng khẳng định: “Dù sách đã được biên soạn kĩ lưỡng bởi các chuyên gia, các nhà giáo giỏi, uy tín, đã qua Hội đồng thẩm định rà soát cẩn thận qua nhiều công đoạn nhưng dù sao sách đến tay giáo viên cũng có thể có nhiều chi tiết cần phải chỉnh sửa giúp Nhà xuất bản hoàn thiện sách trước khi đến tay người học”.

Trả lời những băn khoăn của một số thầy cô: “Có sách hướng dẫn giảng dạy như chương trình cũ hay không? Hay giáo viên tự thiết kế bài dạy cho riêng mình?”

Thầy Hùng cho biết: “Sẽ có sách hướng dẫn giảng dạy đi kèm bộ sách giáo khoa nhưng không giống trước đây mà theo hướng mở, hướng dẫn chỉ là kịch bản để giáo viên tham khảo. Giáo viên sẽ có quyền linh hoạt trong bài giảng của mình”.

Phan Tuyết