ĐBQH Lê Nam:

“Chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên biển Đông là bất biến”

31/05/2013 07:00
Ngọc Quang
(GDVN) - ĐBQH Lê Nam nhấn mạnh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến là phương trâm cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam tiếp thu, ứng xử và có những quyết sách đúng đắn. Chủ quyền thiêng liêng trên biển Đông là sự bất biến, không thể nhân nhượng, không thể thay đổi”.

"Chủ quyền thiêng liêng trên biển Đông là sự bất biến, không thể nhân nhượng, không thể thay đổi”

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào chiều ngày 30/5, các ĐBQH đã đề cập tới nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, trong đó chủ quyền trên biển Đông cũng được nhiều ĐBQH, cử tri cả nước đặc biệt quan tâm.

Về biển Đông, ĐB Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) cho hay, đã qua nhiều kỳ họp Quốc hội, cử tri luôn luôn quan tâm đặc biệt tới tình hình biển Đông và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Ông đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua nhằm đảm bảo giữ môi trường hòa bình, ổn định cùng với bảo vệ được chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp an ninh trên biển thời gian gần đây, ĐB Lê Nam đề nghị:

Thứ nhất, Chính phủ cần phải một mặt thông tin kịp thời những diễn biến về công tác quản lý bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển Đông cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ Đảng viên; tăng cường tuyên truyền, phát huy tinh thần yêu nước và củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Những chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai để nhằm giữ vững chủ quyền trên biển Đông.

ĐBQH Lê Nam đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống của ngư dân đang ngày đêm bám biển.
ĐBQH Lê Nam đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống của ngư dân đang ngày đêm bám biển.

Thứ hai, cần có cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực, có nhiều hình thức tháo gỡ khó khăn, trợ giúp vốn liếng, kỹ thuật để đảm bảo hoạt động đánh bắt bình thường của hơn 4 triệu ngư dân trên các vùng biển thân yêu của đất nước.

Nơi đây, hàng nghìn đời những người con đất Việt kế tiếp lao động, sản xuất mưu sinh. Đây là một chủ trương phải được ưu tiên và có giải pháp quyết sách đồng bộ, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển, nhất là thăm dò khai thác dầu khí .  

“Thực trạng đối với ngư dân của chúng ta hiện nay thấy rằng có rất nhiều khó khăn, tàu bè phương tiện thì nhỏ bé, cách thức khai thác thì lạc hậu, sự liên kết của ngư dân trên biển không cao, chính sách của Nhà nước hỗ trợ giúp đỡ ngư dân cũng chưa được bao nhiêu…

Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách đặc biệt để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển”, ĐB Nam bày tỏ.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng và khả năng chiến đấu cho lực lượng vũ trang, dứt khoát không để bị động, bất ngờ.

Cần chăm lo tới lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng… để duy trì được hiệu lực của luật pháp trên biển; tiếp tục củng cố các cơ sở pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền của biển đảo Việt Nam để thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý theo luật pháp quốc tế.

 Bên cạnh đó cũng cần tăng cường đối thoái, tăng cường xây dựng các quan hệ láng giềng hữu nghị, phát huy các nhân tố tích cực trong quan hệ quốc tế để giữ gìn sự ổn định trên biển Đông.

ĐB Nam nhấn mạnh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến là phương trâm cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam tiếp thu, ứng xử và có những quyết sách đúng đắn. Chủ quyền thiêng liêng trên biển Đông là sự bất biến, không thể nhân nhượng, không thể thay đổi”.

"Tôi thấy có vấn đề"


Đối với thực trạng của nền kinh tế, ĐB Lê Nam cho hay, báo cáo của Chính phủ còn có nhiều chuyên gia kinh tế, nhiều ĐBQH băn khoăn về những con số, về tài chính tiền tệ, nợ công, việc làm, về sự chậm chễ trong tái cơ cấu nền kinh tế.

“Về số liệu thì Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã giải thích nhưng tôi thấy có vấn đề, thí dụ như các địa phương đều có tăng trưởng GDP cao, nhưng tổng tăng trưởng toàn quốc thì không phải như vậy”, ông Nam nói.


Có thể đánh giá được rằng tình hình kinh tế xã hội đã không xấu hơn, một số lĩnh vực có dấu hiệu hồi phục, chủ trương nhất quán là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đáng được ghi nhận, nhưng bên cạnh đó còn nhiều mặt cần nhanh chóng khắc phục.

Đã qua 5 kỳ họp thì có đến 4 kỳ họp đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và nhiều đoàn ĐBQH của các tỉnh khác đã kiên trì đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương tập trung mở rộng nâng đường quốc lộ 1A và xây dựng đường bộ cao tốc xuyên Việt. Tại kỳ họp trước, Chính phủ cam kết đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc nâng cấp quốc lộ 1A và sau đó triển khai nhiều giải pháp để từ Hà Nội đến Cần Thơ có 1038km được mở rộng và tăng cường 200km.

Điều đáng hoan nghênh là Chính phủ là kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế theo hình thức BOT được 17 dự án tới trên 42 nghìn tỷ đồng. Phần vốn còn lại mặc dù Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ bảo lãnh các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhưng Nghị quyết của Quốc hội không có tính khả thi.

“Tại kỳ họp này, tôi đề nghị Quốc hội cần có Nghị quyết bố trí đủ vốn cho công trình đặc biệt quan trọng này, bởi vì muốn CNH-HĐH đất nước mà không có nổi một con đường cho thực sự ra đường thì không thể thực hiện được những chủ trương, kế hoạch lớn”, ĐB Nam kiến nghị.

Ngọc Quang