Chồng chéo và khập khiễng trong chuẩn giáo viên và Nghị định 56

09/09/2018 08:07
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Đối với việc đánh giá, phân loại chuẩn giáo viên chỉ nên có một quy định thống nhất, được đánh giá theo từng năm học là phù hợp và thuận lợi.

LTS: Trước sự chồng chéo và khập khiễng trong chuẩn giáo viên và Nghị định 56, tác giả Sông Trà - một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT về quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông gồm 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/10/2018.

Các tiêu chuẩn gồm: phẩm chất nhà giáo; phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình - xã hội và sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Theo đó, giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Người đứng đầu (hiệu trưởng) cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học.

Giáo viên xếp loại tốt phải có tất cả các tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có các tiêu chí thuộc tiêu chuẩn phát triển chuyên môn nghiệp vụ đạt mức tốt.

Mức khá là có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên, tối thiểu 2/3 tiêu chí đạt từ mức khá trở lên, trong đó các tiêu chí về chuyên môn nghiệp vụ đạt mức khá trở lên.

Mức đạt có tất cả các tiêu chí đạt từ mức đạt trở lên.

Nếu có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó) thì giáo viên sẽ bị xếp loại chưa đạt.

Tiêu chuẩn giáo viên phổ thông mới không sát thực tế

Thực ra, từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT, ngày 22/10/2009 về chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông.

Từ đó đến nay, tất cả nhà trường, thầy cô giáo cả nước, vào cuối năm học rất khổ sở, mệt mỏi, chán ngán với cách tự đánh giá, chấm điểm ấy rồi.

Bởi vì nó nặng về hình thức, sổ sách, giấy tờ chỉ để đối phó, kiểm tra của cấp trên chứ không có tác dụng, hiệu quả gì cả.

Nhiều cán bộ, giáo viên bày tỏ quan ngại, rồi đây cái quy định mới này (Thông tư số 20) cũng sẽ có số phận “chết yểu” tương tự như Thông tư số 30 ra đời cách đây 9 năm.

Vô lý và mệt mỏi nữa là, ngoài tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, hàng năm, mỗi thầy, cô giáo còn phải đánh giá theo 2 văn bản khác:

Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định 06/2006 về việc ban hành Quy chế đánh giá xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dành cho giáo viên tiểu học

Một số địa phương đã bỏ đánh giá theo Quyết định 06/2006 của Bộ Nội vụ nhưng nhiều địa phương vẫn giữ nguyên như vậy sau khi Nghị định 56 của Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2015.

Tréo ngoe ở chỗ, bên tổ chức Đảng và các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thì luôn yêu cầu các chi bộ, đảng bộ, các cơ sở giáo dục đánh giá, phân loại đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức theo năm dương tức đầu tháng 12 hàng năm phải nộp báo cáo.

Kể cả diện các nhà giáo được xét thi đua khen thưởng, nâng lương trước thời hạn, thi thăng hạng giáo viên… trong hồ sơ cũng phải kèm theo mẫu đánh giá, nhận xét theo năm dương, theo Nghị định 56 và Quyết định 06.

Như vậy, việc đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên ở các trường học phải dựa vào thành tích, kết quả của học kỳ 1 năm học trước và học kỳ 2 năm học sau.

Cách làm này gây khó cho đơn vị trường học, vì nó khập khiễng, không phù hợp với công việc có tính chất đặc thù, xuyên suốt của nhà trường, của thầy cô giáo trong cả một năm học.

Theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mới có 4 mức đánh giá, phân loại: tốt, khá, đạt và chưa đạt.

Trong khi đó, theo Nghị định 56 và Quyết định 06 cũng phân định thành 4 mức nhưng lại là: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Hoàn thành tốt nhiệm vụ, Hoàn thành nhiệm vụ và Không hoàn thành nhiệm vụ.

Từ nay, có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí để đánh giá giáo viên

Mỗi văn bản có những quy định, yêu cầu riêng vậy thì làm sao phiên ngang, đánh giá cho thống nhất, đồng bộ đội ngũ nhà giáo được đây?

Cái nào sẽ là cơ sở pháp lý, lưu vào hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, để xem xét, xử lý khi cần thiết?

Tôi và nhiều thầy cô giáo cùng mong mỏi, đối với việc đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, công chức và viên chức trong các cơ sở giáo dục phổ thông chỉ nên có một quy định thống nhất, được đánh giá theo từng năm học là phù hợp và thuận lợi nhất.

Theo tôi, trong thời gian tới, nếu Thông tư số 20 không có tác dụng, lợi ích gì cả đối với giáo dục nước nhà thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy sớm “khai tử” nó đi, xin đừng bắt chước theo kiểu nước ngoài, vì họ rất khác ta, hãy nhìn vào thực tế giáo dục Việt Nam mà làm những việc thật sự khả thi và hiệu quả. 

SÔNG TRÀ