Chờ minh oan sau 10 năm lãnh án chung thân

04/11/2013 10:00
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - au hơn mười năm bị giam giữ để thi hành bản án tù chung thân về tội giết người, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) được tạm đình chỉ thi hành án, có cơ hội được minh oan khi nghi phạm gây án đã bị bắt giữ.

Theo lãnh đạo Viện KSND tối cao, hôm nay 4-11 Viện KSND tối cao sẽ công bố kháng nghị của viện trưởng Viện KSND tối cao để xét xử theo trình tự tái thẩm đối với bản án hình sự tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án chung thân về tội giết người. Đồng thời, Viện KSND tối cao cũng công bố quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án trên. Theo đó, ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ được về nhà sau hơn mười năm bị giam giữ. Dự kiến ngày 6-11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sẽ xét xử vụ án theo trình tự tái thẩm.

Bà Phạm Thị Vì, mẹ đẻ ông Nguyễn Thanh Chấn, năm nay 78 tuổi, sống bằng nghề bán tạp hóa - Ảnh: M.Quang
Bà Phạm Thị Vì, mẹ đẻ ông Nguyễn Thanh Chấn, năm nay 78 tuổi, sống bằng nghề bán tạp hóa - Ảnh: M.Quang

Có chứng cứ ngoại phạm

Theo hồ sơ vụ án, khoảng 22g ngày 15-8-2003, chị Nguyễn Thị H. (trú tại thôn Me) bị giết chết. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra vào cuộc, 42 ngày sau có kết luận ông Nguyễn Thanh Chấn là nghi can. Theo kết quả điều tra, nạn nhân H. bị giết vào thời điểm từ 19g05-19g25. Các cơ quan tố tụng cho rằng vào thời điểm này, ông Chấn vào nhà của nạn nhân với mục đích cưỡng dâm nhưng không được, sau đó giết chết nạn nhân. Vụ án xảy ra ngày 15-8-2003 nhưng đến ngày 30-8-2003 ông Chấn mới bị gọi lên làm việc. Trong nhiều lần làm việc, ông Chấn khẳng định mình không liên quan đến vụ án. Tới ngày 28-9-2003, ông Chấn có bản tự thú thừa nhận hành vi cưỡng dâm và giết người của mình. Tuy nhiên, tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Chấn luôn cho biết mình bị ép cung.

Tại các phiên tòa xét xử vụ án này, ông Chấn khai vào thời điểm xảy ra vụ án, ông có đi lấy nước cho vợ. Tòa cho rằng sau khi lấy nước thì chậm nhất vào khoảng 19g15 ông Chấn phải có mặt ở nhà, do ông Chấn không chứng minh được chính xác thời gian của mình có mặt ở nhà nên tòa quy kết thời điểm này chính là thời điểm ông Chấn giết chết nạn nhân. Do đó, phiên tòa sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và phiên phúc thẩm của TAND tối cao đều tuyên phạt ông Chấn mức án tù chung thân.

Trong khi đó, những nhân chứng và tài liệu do phía ông Chấn và người nhà đưa ra để chứng minh ông Chấn vô tội lại không được xem xét. Cụ thể, bà Phạm Thị Nhâm (trú tại thôn Me) có giấy xác nhận “19g20 tối hôm đó tôi ra quán nhà anh Chấn để mua kẹo thì gặp anh Thực vào gọi điện và chính anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó có ông Quyền mua mắm cũng biết”. Bảng kê điện tử tự động thanh toán tiền điện thoại của nhà ông Chấn cũng thể hiện cuộc gọi đi số 566075 của anh Thực ngày 15-8 gọi từ 19g19ph51gy đến 19g20ph31gy. Điều này chứng tỏ ông Chấn có mặt tại nhà vào thời điểm xảy ra vụ án.

Tháng 10-2013, vụ án xuất hiện tình tiết mới, nghi phạm gây án ra đầu thú. Nghi phạm này là người cùng thôn Me với ông Chấn. Tại cơ quan điều tra, nghi phạm khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra, Viện KSND tối cao cũng xác định những lời khai của nghi phạm này khớp với nội dung vụ án. Theo đó, tối 15-8-2003, nghi phạm Lý Nguyễn Chung có đến nhà nạn nhân mua hàng. Nghi phạm thấy chị H. có tiền nên nảy lòng tham, dùng vũ lực cướp tài sản của nạn nhân. Do bị chống cự nên Chung dùng dao đâm chết nạn nhân rồi bỏ trốn vào một tỉnh tại Tây nguyên sinh sống cho đến khi ra đầu thú. Đây là cơ sở để Viện KSND tối cao kháng nghị hai bản án đối với ông Chấn.

Sống trong đau khổ

Ngày 3-11, chúng tôi có mặt tại nhà bà Phạm Thị Vì - vợ liệt sĩ, mẹ đẻ của ông Nguyễn Thanh Chấn. Khi nhắc đến câu chuyện của con trai mình, bà cụ 78 tuổi không kìm được nước mắt. Trong câu chuyện nhớ nhớ quên quên, bà Vì hồi tưởng. Năm 1981, bà Vì cưới vợ cho con trai, cuộc sống của hai vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn - Nguyễn Thị Chiến cứ thế trôi qua, dù nghèo nhưng vẫn hạnh phúc khi sinh được bốn người con, đủ cả trai, gái. Thế nhưng niềm hạnh phúc của gia đình nhỏ ấy bỗng chốc tan thành mây khói khi xảy ra vụ án mạng đêm 15-8-2003.

Trong căn nhà đơn sơ của bà Chiến và những người cháu nội đang sinh sống, ông Nguyễn Ngọc Phấn (64 tuổi, cậu của ông Chấn) tâm sự: “Lúc cháu tôi bị bắt, cuộc sống gia đình nó đang đầm ấm yên vui. Kinh tế dù có khó khăn nhưng con cái vẫn có cái ăn cái mặc, vẫn được tới trường.

Sau biến cố kinh khủng xảy đến, cả nhà bàng hoàng, thậm chí họ hàng cũng chẳng ai dám tin. Trong xóm, ngoài làng thì xôn xao bàn tán. Người nói ra kẻ nói vào, chúng tôi chẳng biết thanh minh thế nào”. Ông Phấn nghẹn ngào nói tiếp: “Cả bốn đứa con nó đều phải bỏ học, không chịu nổi điều tiếng về bố mình, sống khép kín dần, rồi chẳng dám đi đâu, chúng phải sống và trải qua những tháng năm điều tiếng và ánh mắt kỳ thị của nhiều người”.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyết, con trai cả của ông Chấn, khi anh vừa đi thu gom bình nước lọc bán cho khách về. Năm nay dù mới 31 tuổi nhưng gương mặt anh Quyết đầy những nét khắc khổ, già hơn so với tuổi thực của mình. Nhắc đến bố, anh Quyết nói nguyện vọng của gia đình bao lâu nay chỉ muốn bố được trở về. “Khi bố bị bắt, lúc đó tôi mới ngoài 20 tuổi. Cả bốn anh em đều đang độ tuổi đi học nhưng nhà gặp chuyện như thế làm sao dám đến trường. Bố bị bắt, chúng tôi tin bố nhưng điều tiếng nhiều lắm. Không chịu nổi điều tiếng, mọi người dè bỉu, kỳ thị nhìn mình với ánh mắt xa lánh nên lần lượt bỏ học cả” - anh Quyết kể.

Cũng may mắn là cả bốn người con của ông Chấn đều trụ vững, dù phải sống trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó họ vẫn không quên rằng mẹ mình vẫn ròng rã kêu oan mười năm nay. Trong số họ, chị Nguyễn Thị Quyền (29 tuổi) phải đi lao động nước ngoài để lấy tiền chăm lo gia đình.

Sau khi bỏ học, chị Quyền đi làm một thời gian rồi lén nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động. “Cả họ lúc đó chỉ có tôi biết, cháu cứ giấu hết mọi người trong nhà vì sợ bị phản đối. Sau đó tôi phải nói với cái Chiến (mẹ chị Quyền) để gia đình đồng ý cho cháu đi Đài Loan” - ông Thân Ngọc Hoạt, anh đồng hao của ông Chấn, kể lại. Đến nay đã hơn năm năm đi xuất khẩu lao động, chị Quyền vẫn chưa lập gia đình, chắt chiu dành dụm từng đồng bạc gửi về cho bà, cho mẹ và anh chị em trong nhà để tiếp tế cho bố và tiếp tục đi kêu oan...

Theo lời kể của ông Hoạt, ông chính là một trong những người mang đơn đi kêu oan cho ông Chấn gần chục năm nay. Những lá đơn được gửi đi ngay từ trong giai đoạn điều tra, cho đến khi tòa xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, rồi đến các cơ quan trung ương, báo chí... Những đồng tiền dành dụm được trong gia đình ấy dần ra đi theo những chuyến xe, những lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng nhưng dần dần cả gia đình đều rơi vào tuyệt vọng.

Giữa năm 2012, bà Nguyễn Thị Chiến đổ bệnh và phải nằm từ Bệnh viện Việt - Đức đến Bệnh viện 108, Viện Tâm thần... “Mới đây nhất, khi nhận được tin đi đón Chấn, chúng tôi phải lên bệnh viện để xin cho em nó được đi cùng” - ông Hoạt nói.

Theo Tuổi Trẻ