Chính phủ quyết tâm cải tiến, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cải lùi

10/01/2019 11:43
Trần Phương
(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã 2 lần gửi công văn, cán bộ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục hứa hẹn nhưng cơ quan này không có công văn phúc đáp.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, hành trình đòi lại con dấu của doanh nhân người Malaysia, ông Wee Kim Hong, trên đất Việt Nam đã diễn ra một thời gian dài nhưng không thu được kết quả.

Trong suốt quá trình tìm lại công lý cho bản thân, Hội đồng quản trị của công ty Cổ phần chứng khoán Kenanga Việt Nam (Công ty KVS), ông Wee Kim Hong và các cộng sự của mình đã cầu cứu đến rất nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam và Đại sứ quán Malaysia.

Về phương diện ngoại giao, Đai sứ quán Malaysia đã 3 lần gửi thư đến nhà chức trách Việt Nam với mong muốn vụ việc được giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn không có tiến triển.

Nỗ lực của Chính phủ và hành động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đặc biệt, trong các thư trả lời của cơ quan chức năng Việt Nam, cụ thể là Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho biết Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý đơn kiện của Công ty chứng khoán Kananga kiện ông Cao Văn Sơn chiếm đoạt con dấu.

Ngày 18/5/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ vụ án lý do chờ kết quả xác minh, trả lời của Ủy ban chứng khoán nhà nước về một số nội dung liên quan đến vụ án.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Wee Kim Hong cho biết mình không nhận được thông tin về việc đình chỉ này.

Để làm rõ thông tin mà dư luận quan tâm, ngày 16/10/2018, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước  đề nghị trả lời về một số nội dung liên quan đến vụ việc của Công ty KVS Việt Nam.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao Ủy ban chứng khoán Nhà nước lại làm việc một cách chây ỳ đến vậy.

Qua nhiều lần liên lạc, cán bộ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước liên tục hứa hẹn là... sắp có.

Với nhiều lý do khác nhau, công văn phúc đáp của cơ quan này với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa được thực hiện.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều nội dung cụ thể ông Bùi Vũ Hoàng, Vụ Phó Vụ quản lý kinh doanh cho biết sẽ được trả lời trong công văn phúc đáp.

Cách làm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đứng ngoài nỗ lưc cải cách hành chính của Chính phủ? (Ảnh: Vũ Phương)
Cách làm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đứng ngoài nỗ lưc cải cách hành chính của Chính phủ? (Ảnh: Vũ Phương)

Cụ thể là các số hiệu văn bản, nội dung công văn của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gửi cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước.

Những công văn này được ông Hoàng thông tin tới phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trả lời toàn bộ công văn của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Qua nhiều tháng, nhiều hứa hẹn nhưng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vẫn chưa nhận được công văn phúc đáp.

Đâu là mấu chốt khiến hành trình của doanh nhân người Malaysia thêm tuyệt vọng?

Đặc biệt, sau nhiều lần trao đổi với ông Hoàng về việc phúc đáp trả lời công văn và sau bài viết Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã trả lời công văn của Tòa Hà Nội, ông Hoàng có thái độ gay gắt với phóng viên khi đăng tải nội dung buổi làm việc.

Ngày 20/12/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục gửi công văn lần thứ 2 đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn phúc đáp.

Ngày 2/1/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính quan tâm và có ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Ngày 8/1, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên lạc với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh văn phòng Ủy ban Chứng khoán nhà nước về các công văn của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Dũng chỉ trả lời rằng đã chuyển sang Vụ Kinh doanh và không thông tin gì thêm.

Việc làm của Ủy ban Chứng khoán Nước đang khiến dư luận đặt câu hỏi về cung cách làm việc của cơ quan này.

Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang rất nỗ lực giúp cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam tăng hạng, còn hành động của Ủy ban Chứng khoán thì sao?

Tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khái quát 10 chữ thể hiện thông điệp của năm mới: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Cán bộ nào lơ là công vụ cần được thay thế”.

Cần phải khẳng định rằng, những nỗ lực tuyệt vời của Thủ tướng Chính phủ và tập thể Chính phủ trong năm vừa qua đã tạo nên sức bật tốt hơn cho nền kinh tế.

Chính phủ liêm chính, hành động đã từng bước xóa bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, từ đó ngăn chặn một số cán bộ, công chức lợi dụng gây nhũng nhiễu.

Việc phòng chống tham nhũng không chỉ hạn chế thất thoát do tham ô, lãng phí mà quan trọng hơn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cách làm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã để lại nhiều điều đáng tiếc.

Trước đó, trong năm 2017 có không ít đại gia, doanh nhân lại bán chui cổ phiếu. Thậm chí ngay cả một người đứng đầu doanh nghiệp lớn như FLC là ông Trịnh Văn Quyết cũng bán chui 57 triệu cổ phiếu.

Sự việc của công ty KVS Việt Nam kéo dài đã đến năm thứ 6 nhưng các cơ quan hữu quan của Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. (Ảnh: LC)
Sự việc của công ty KVS Việt Nam kéo dài đã đến năm thứ 6 nhưng các cơ quan hữu quan của Việt Nam vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. (Ảnh: LC)

Ông Trịnh Văn Quyết là người đứng đầu FLC, vì vậy mà hành động bán chui cổ phiếu nó sẽ rất khác đối với một nhà đầu tư thông thường. Cho đến nay thì ông Quyết cũng chưa hề lên tiếng giải thích về sự mập mờ này.

Trong số những người vi phạm có trường hợp bị phạt tiền, bị tuyên hủy giao dịch. Thế nhưng trường hợp bán chui 57 triệu cổ phiếu như ông Trịnh Văn Quyết thì chỉ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hành chính 65 triệu đồng.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã trả lời công văn của Tòa Hà Nội

Vì vậy mà Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị xem xét về việc xử phạt ông Quyết.

Quyết định  xử phạt hành chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khiến giới đầu tư bất bình và cho rằng quyết định trên có dấu hiệu bao che, nương nhẹ, dung túng cho vi phạm của FLC.

Sau một năm nhiều sóng gió, nền kinh tế nước nhà vẫn đang giữ được nhịp ổn định và có nhiều điểm sáng trong năm mới.

Người dân và doanh nghiệp luôn có niềm tin liêm chính đối với Chính phủ, đặc biệt là tư tưởng kiến tạo và hành động, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển, để đời sống của người dân ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn những cơ quan nhà nước có những hành động như đứng ngoài nỗ lực của chính phủ kiến tạo.

Trần Phương