Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Chính phủ giải trình về quy định “xe chính chủ”

25/12/2012 10:11
Theo Lao Động
Nghị định “xe chính chủ”, thông tư “ghi tên cha mẹ”, quyết định “độc quyền vàng miếng” là 3 văn bản pháp luật gây băn khoăn dư luận đã được đặt ra trong phiên Chính phủ giải trình trước Uỷ ban Pháp luật của QH ngày 24.12 về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.  
ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh là người đầu tiên chất vấn về Quyết định 1623 của Thống đốc NHNN. Theo bà, QĐ 1623 “quy định cụ thể và tạo cơ hội tăng thu nhập riêng cho SJC”, trong khi “để người dân và doanh nghiệp khác bị thiệt hại”. Vì sao lãnh đạo ngân hàng không lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trước khi ra Quyết định 1623? QĐ này không được ban hành theo đúng hình thức trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm  pháp luật, đây là sự sơ suất hay là kiểu lách luật? Đối với những thiệt hại của người dân và DN do Quyết định 1623 gây ra thì trách  nhiệm của lãnh đạo NHNN nói chung và thống đốc nói riêng như thế nào?

Trong phần giải trình, Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình viện dẫn quy định “không bắt buộc người dân chuyển sang SJC”. Đối với những người muốn chuyển sang SJC thì NHNN có hướng dẫn chuyển đổi sang với mức phí 50.000đ/ lượng vàng. Dẫu vậy, Phó Thống đốc nói “không gây thiệt hại gì”. Về việc ban hành QĐ 1623, ông Bình cho rằng QĐ này “điều chỉnh riêng hoạt động quản lý của NHNN chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật”, “đảm bảo hợp pháp hợp hiến” và đã “xin ý kiến các đơn vị có liên quan TPHCM - chủ sở hữu của SJC - cơ quan uỷ quyền của NHNN về sản xuất vàng miếng”.

Liên quan đến nghị định “xe chính chủ”, thông tư “ghi tên cha mẹ”, và một số quy định về thu thuế sử dụng đường bộ Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về các sự việc trên. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng dừng triển khai hoặc thực hiện thí điểm để lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân dân, các chuyên gia.

“Nếu quy định được nhân dân ủng hộ hoặc thực hiện thí điểm thấy đúng thì làm tiếp, nếu sai thì dừng lại và xem xét chỉnh sửa pháp luật... Chính phủ luôn mong muốn nhân dân theo sát việc ban hành văn bản, nên lấy ý kiến ngay từ đầu” - Bộ trưởng Đam nói.
Theo Lao Động