Chỉnh đốn Đảng cần bắt đầu từ những người lãnh đạo

04/02/2012 07:27
"Tôi đồng tình với dư luận, nếu không thực hiện hiệu quả, có kết quả việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng lần này thì không còn gì để cho dân tin nữa".
Trao đổi với PV nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2012), Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Viết Thông (ảnh) nhấn mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng lần này có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm trước hết của 200 ủy viên trung ương.

Thưa ông, tại Hội nghị Trung ương 4 vừa rồi, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định rõ quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng với 3 nội dung trọng tâm. Mới đây nhất, Tổng bí thư cũng đã ký ban hành Nghị quyết 12 với nhiều biện pháp mạnh mẽ để hiện thực hóa 3 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu tại Hội nghị Trung ương 4. Vậy chúng ta nên bắt đầu công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng lộ trình, giải pháp ưu tiên như thế nào? 

Bây giờ trong những giải pháp có thể làm được ngay, nhân dân tin ngay - như Tổng bí thư đã phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 4 - đó là các đồng chí ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị hãy nhìn lại mình, điểm tốt thì phát huy còn điểm kém thì phải tự sửa chữa ngay, đừng để chủ nghĩa cá nhân cám dỗ. 200 đồng chí ủy viên trung ương gương mẫu, nếu thực hiện được như lời Tổng bí thư đã đề nghị, thì sẽ tác động đến đội ngũ cán bộ và từ đội ngũ cán bộ sẽ tác động đến gần 4 triệu đảng viên, từ gần 4 triệu đảng viên sẽ có tác động đến toàn xã hội. Điều này có thể làm được ngay, không mất nhiều thời gian, không mất tiền của. Vấn đề đặt ra là có quyết tâm làm hay không?

Chỉnh đốn Đảng cần bắt đầu từ những người lãnh đạo ảnh 1 
Hội nghị Trung ương 4 thông qua Nghị quyết nêu rõ quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng - Ảnh: TTXVN

Để thực hiện được nhiệm vụ sống còn này đối với Đảng hiện nay, chắc hẳn không chỉ dừng lại ở kêu gọi sự tự giác, làm gương mà cần hơn là cơ chế buộc phải tự phê bình và phê bình ở tất cả các cấp lãnh đạo và cơ chế đảm bảo ràng buộc được trách nhiệm của người lãnh đạo, đi đôi với quyền hạn đã được trao? 

Thực chất mà nói, trong bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư đã nói rất kỹ về vấn đề tự phê bình và phê bình, chứ không chỉ kêu gọi chung chung cán bộ, đảng viên hãy tự kiểm điểm. Quan trọng nhất là phải phát động được toàn dân tham gia xây dựng Đảng, bởi vì nhân dân biết hết, sẽ góp ý và cùng giám sát. Tất nhiên lần này chúng ta không làm chuyện “thanh Đảng”, nhưng nếu chỉ làm ở mức độ bình thường sẽ không có chuyển biến.

Đề án của Ban Tổ chức Trung ương vừa rồi thảo luận tại Hội nghị Công tác tổ chức xây dựng Đảng cũng đã đề ra các bước cụ thể, nếu thực hiện tốt thì sẽ tạo ra chuyển biến thực sự. Vấn đề là phải có quyết tâm chính trị rất cao, chỉ đạo thật quyết liệt mới làm được, còn nếu làm không kiên quyết, không triệt để như vừa qua thì không đem lại được chuyển biến gì; quy định về kê khai tài sản là một ví dụ.

"Tôi đồng tình với dư luận trong Đảng và xã hội hiện nay là nếu không thực hiện hiệu quả, có kết quả việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng lần này thì không còn gì để cho dân tin nữa".

Kinh nghiệm kê khai tài sản ở nước ngoài đã có, rất minh bạch, chẳng hạn nếu đi nước ngoài được biếu tiền, về mà không kê khai, người ta cách chức. Như ở Nhật Bản, một ông không phải nhận cho mình, chỉ nhận tiền vận động bầu cử cho đảng của ông thôi, nhưng người ta đã lên án và buộc phải từ chức. Nhiều nơi khác, mới chỉ nhận 100 USD không kê khai cũng đã bị cách chức. Vấn đề ở chỗ là phải có chế tài xử lý nghiêm, bên cạnh những quy định rõ ràng, đầy đủ để ngăn ngừa nạn tham nhũng, hối lộ. Ở Trung Quốc vừa rồi, không ít quan chức đã bị tử hình vì tham nhũng.

Tôi đồng tình với dư luận trong Đảng và xã hội hiện nay là nếu không thực hiện hiệu quả, có kết quả việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng lần này thì không còn gì để cho dân tin nữa. Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, và 5 năm vừa qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đều chưa đạt yêu cầu đề ra, lòng tin của nhân dân đối với Đảng đã giảm sút. Lần này phải quyết tâm làm, tình thế đã đòi hỏi không làm không được nữa. Cho nên nói bắt đầu từ đâu, tôi vẫn cho rằng phải bắt đầu từ 200 đồng chí ủy viên trung ương: cơ chế, chính sách cũng từ 200 đồng chí, vai trò, nêu gương cũng từ 200 đồng chí...

Thưa ông, ngoài cơ chế để ngăn ngừa nạn tham nhũng vốn là nguyên nhân căn bản dẫn tới suy thoái đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng việc tuyển chọn lãnh đạo các cấp có đủ tài đức bằng quy trình nhân sự minh bạch, không còn là “vùng cấm” trong mắt người dân, sẽ hạn chế được rất nhiều những “con sâu làm rầu nồi canh” như hiện nay? 

Tôi nghĩ không cần phải nghiên cứu kinh nghiệm gì đâu xa, nếu làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là đã tốt lắm rồi. Thực tế cho thấy mỗi lần đại hội Đảng lại phải đốt đuốc đi tìm cán bộ, bởi vì chúng ta chưa đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ ở đây là phải chấp nhận thi tuyển và dám chấp nhận đổi mới mạnh mẽ công tác bầu cử, kể cả bầu cử trong cấp ủy, trong Quốc hội. Vừa rồi chúng ta thí điểm để nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, bầu trưởng thôn, kết quả rất tốt: nếu như không gương mẫu, nhân dân không bầu.

Cho nên, từ kết quả thí điểm để dân bầu trực tiếp các chức danh như vậy, cần nghiên cứu tiến tới nên bầu trực tiếp chức chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh và Chủ tịch nước. Trong Đảng cũng thế, nên quy định đại hội không chỉ bầu Ban Chấp hành Trung ương, mà bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư... Vấn đề này không phải bây giờ mới đặt ra, ngay trong quá trình tiến tới Đại hội X cũng đã thảo luận là để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của đại biểu đi dự đại hội, cần để đại biểu bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng bí thư.

Vừa rồi ta cũng thí điểm trong quá trình Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, nhưng sự thí điểm đó chưa có sự đổi mới mạnh mẽ, thành ra đến Đại hội XI chưa thực hiện được việc đại biểu dự đại hội trực tiếp bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư... Tới đây phải mạnh dạn đổi mới, tức là trên cơ sở kết quả thí điểm bầu trực tiếp cấp ủy, bí thư, phó bí thư ở cả 3 cấp, phải tổng kết, sửa Điều lệ Đảng để đến Đại hội XII không thí điểm nữa mà bầu trực tiếp các chức danh trên.

Việc bầu trực tiếp theo các quy trình chặt chẽ thì người được bầu sẽ có tài, có đức thực sự, đồng thời sẽ hạn chế được nạn chạy chức, chạy quyền. Qua thí điểm vừa rồi, tôi cho rằng bầu cử trong Đảng, bầu cử Quốc hội hay các cơ quan quản lý, các chức danh lãnh đạo khác, nếu bầu trực tiếp, qua quy trình lựa chọn chặt chẽ, đổi mới mạnh mẽ cách thức bầu cử sẽ chọn được người có đức có tài. Còn các chức danh lãnh đạo khác, phải trên cơ sở thi tuyển mới bổ nhiệm.

Việc tuyển chọn các chức danh lãnh đạo cũng đã được coi là một trong bảy nhóm giải pháp thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo nội dung Nghị quyết 12 Tổng bí thư vừa ký ban hành. Chúng ta nên tiến hành thi tuyển lãnh đạo ở những cấp nào và cách thức thi tuyển, lựa chọn ra sao để đảm bảo chọn được người xứng đáng đứng trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp?

 Theo tôi nên nghiên cứu thực hiện việc thi tuyển ở cả 4 cấp: từ Tổng bí thư cho đến bí thư Đảng ủy xã. Người ứng cử phải trình bày chương trình hành động hoặc cương lĩnh tranh cử, tương tự như các nước người ta vẫn làm. Bầu bộ trưởng cũng phải theo cách thức tranh cử. Và nếu đã đưa ra cương lĩnh tranh cử (hoặc chương trình hành động) mà anh không thực hiện được thì anh buộc phải từ chức để người khác thay thế, không cần chờ hết nhiệm kỳ, mà có thể 2 năm đánh giá lại những cam kết anh đã hứa ở từng giai đoạn, thời hạn cụ thể khi tranh cử.

 Tôi cho rằng đã bầu cử, không chỉ có số dư đâu mà phải có cam kết hành động rõ ràng, anh không làm được sẽ phải được thay thế.

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở cam kết hành động cũng chưa đủ mà phải có quy định xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Lâu nay các văn kiện của Đảng luôn đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nhưng trách nhiệm đến đâu thì đến hôm nay chưa có một văn bản nào quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu đến đâu, vẫn chỉ dừng lại ở nghị quyết, chưa được thể chế hóa về mặt nhà nước. Tôi lấy ví dụ ông bộ trưởng giao thông để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm thế nào? Chưa rõ. Trong khi đó mới đây ở Singapore, để tàu điện ngầm đâm nhau, bộ trưởng từ chức ngay. Cần phải giải quyết bất cập trên trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này.

Góc nhìn của đảng viên trẻ

Cao Phụng Nguyên Bình (SN 1981), Cục Hải quan TP.HCM:
 

Tôi mong muốn Nghị quyết T.Ư 4 thực hiện bằng những việc làm thiết thực để củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân. Các cấp ủy Đảng cần kết hợp chặt chẽ việc học tập với việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thể hiện cụ thể trong công việc thường ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp.

 
Bùi Thị Thanh Loan (SN 1991), SV Trường cao đẳng Bình Định

Ngăn ngừa suy thoái về tư tưởng chính trị đạo đức theo tôi là việc làm đầu tiên, cần thực hiện thường xuyên nhằm củng cố niềm tin của dân vào Đảng.

Lê Minh Đức (SN 1980), Bí thư Quận đoàn Thủ Đức, TP.HCM:

 

Trong Nghị quyết T.Ư 4, Đảng đã đưa ra quan điểm chỉ đạo và các nhóm giải pháp rất đúng đắn, cụ thể. Chính những giải pháp này sẽ thể hiện rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng trong việc xây dựng chỉnh đốn Đảng trước nhân dân. Tôi mong rằng đây sẽ là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ra sức thi đua đạt nhiều thắng lợi mới.

Nguyễn Thành Đạt (SN 1977), Công ty in nhãn hàng An Lạc, TP.HCM:

 
Theo tôi, các cấp ủy Đảng cần tăng cường nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình để cho mỗi đảng viên luôn ý thức về trách nhiệm, đạo đức, lối sống.  

Đình Phú (ghi)

Bảo Cầm/Thanh niên