Chiến thắng của lòng khoan dung với khát vọng hòa bình, thống nhất

30/04/2021 11:59
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giá trị của lòng khoan dung tiếp tục được phát huy, nâng cao phẩm giá của người Việt, nâng cao tầm vóc dân tộc.

Trải qua 46 năm, chiến thắng ngày 30/4 luôn có vai trò ý nghĩa quan trọng trong đời sống mỗi người dân Việt Nam.

Ngày thống nhất của đất nước đã đưa Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới. Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam cũng đã có hàng trăm năm bị chia cắt.

Mỗi sự chia cắt đều là nỗi đau của người Việt! Trong bài "Bình Trị Thiên khói lửa", nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có viết một câu, có lẽ người Quảng Bình đều biết: "Ai đã qua Đèo Ngang, đã sang Ba Rền, mến dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy..." những câu hát ấy gợi lại nỗi đau chia cắt của vạn kiếp người trong lịch sử dân tộc.

Và sau con sông Gianh được “nối lại đôi bờ” thì Vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải tiếp tục là sự chia cắt và đây cũng là nỗi đau tột cùng của dân tộc ta.

Chiến thắng ngày 30/4 đã “nối lại đôi bờ Bến Hải”, đất nước chúng ta đã thống nhất liền một dải từ Móng Cái đến mũi Cà Mau.

Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải đã trở thành nơi chim bồ câu cất cánh cho hòa bình - thống nhất. Ảnh: Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Trị.

Cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải đã trở thành nơi chim bồ câu cất cánh cho hòa bình - thống nhất. Ảnh: Đài Phát thanh và truyền hình Quảng Trị.

Từ đây, người Việt trên đất nước mình có thể tự do mưu cầu hạnh phúc, ai cũng được học hành, người nghèo được quan tâm chăm sóc… Người Việt đã tự làm chủ được mảnh đất mà ông cha, tổ tiên đi khai phá, gìn giữ sau nhiều thế hệ. Từ đây không thế lực ngoại bang nào có thể chia cắt dải đất chữ S một lần nữa.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một! Dân tộc Việt Nam là một”.[1]

Lời khẳng định đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh không chỉ là chân lý, mà còn là ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam, giá trị thời đại đang hiện hữu trên lãnh thổ Việt Nam.

Giá trị của sự “thống nhất” đều được gìn giữ và phát huy trong suốt quá trình xây dựng đất nước.

“Thống nhất” trên đất nước Việt Nam không chỉ được giữ gìn phát huy mà còn mở rộng vòng tay đến tất cả mọi người con dân nước Việt còn hướng về Tổ quốc.

Trong văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’’ làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. [2]

Tuy nhiên, hòa hợp dân tộc phải trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt, không định kiến, phân biệt đối xử nhưng không có nghĩa là xóa nhòa lịch sử và đảo ngược chân lý. Những vấn đề khác biệt như ý thức hệ, quan điểm chính trị thì cần sự tôn trọng... ”. [3]

Trải qua 30 năm kháng chiến chống ngoại xâm, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất của thế kỷ 20.

Hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấu hiểu nỗi đau, sự hi sinh, mất mát của hàng triệu người con đất Việt – Sự hi sinh ấy không phải đánh đổi bằng sự ban phát của bất kỳ thế lực nào.

Sau ngày 30/4, sự bình yên của thành phố Sài Gòn thời điểm bấy giờ đã khẳng định cho sự bao dung, hành động của lẽ phải của dân tộc Việt. Ngày 30/4/1975, ranh giới của người chiến thắng, kẻ chiến bại hoàn toàn bị xóa nhòa và ở đó chỉ có sự khoan dung.

Khoan dung là một giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam được kế thừa, phát huy cao độ ở ngày 30/4 để làm nên một chiến thắng trọn vẹn - ít máu xương.

Giá trị của lòng khoan dung tiếp tục được phát huy, nâng cao phẩm giá của người Việt, nâng cao tầm vóc dân tộc, làm cho mỗi chúng ta và dân tộc ta cao thượng hơn.

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Giang/Báo Đấu thầu

Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ảnh: Đông Giang/Báo Đấu thầu

Ngày nay, mỗi người Việt Nam chúng ta - kể cả bộ phận đồng bào ở nước ngoài đã và đang gỡ bỏ những “giới tuyến”, những định kiến còn sót lại trong nhận thức, trong tình cảm, trong lòng của mình... để có thể thanh thản, đoàn kết, cùng nhau hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Chính những ước mơ cháy bỏng về dân chủ, công bằng, văn minh, dân giàu, nước mạnh - như cách nói của chúng ta hôm nay - là nguồn động lực to lớn thôi thúc hàng triệu người con nước Việt sẵn sàng hy sinh, xông ra trận tuyến, do đó chiến thắng ngày 30/4 không phải là đích đến cuối cùng, không phải là vinh quang cuối cùng.

Chiến thắng của ngày 30/4 đã khép lại cánh cửa của quá khứ đau thương, mở ra thời kỳ mới, thời kỳ để cả dân tộc thực hiện ý chí, khát vọng về độc lập, tự do, hạnh phúc và thịnh vượng.

Tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường, mưu trí, sáng tạo, khoan dung... của ngày 30/4 đã giúp dân tộc ta chiến thắng trong chiến tranh.

Tinh tần đó đã và đang phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước, tạo lập lên những vinh quang mới to lớn hơn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong hòa bình và hội nhập quốc tế.

Làm cho đất nước ta, dân tộc ta sánh vai được với các cường quốc năm châu trên thế giới như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó mới là đích đến cuối cùng, vinh quang cuối cùng của dân tộc ta, đất nước ta.

Năm 1960 - nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đảng đoàn kết và lãnh đạo nhân dân ta thi đua kiến thiết chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm và mỹ tục thuần phong.

Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ.

Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và vǎn hoá lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và vǎn hoá tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân” .... “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”.[4]

Đây cũng tư tưởng xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đât nước của Đảng ta. Đạo đức và văn minh chính là tầm cao giá trị, tầm cao văn hóa, nhân văn trong vai trò lãnh đạo của Đảng, là mục tiêu vươn tới của Đảng theo tư tưởng Bác Hồ.

Chỉ ở tầm cao giá trị “là đạo đức, là văn minh” đó Đảng mới vượt qua được những thử thách đã và đang đe dọa sự tồn vong của chế độ và vai trò lãnh đạo của mình; mới củng cố được lòng tin của Nhân dân, mới lãnh đạo được dân tộc ta thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Dẫu thời gian có biến đổi, quá khứ ngày càng lùi xa nhưng ý nghĩa và giá trị ngày 30/4 luôn sống mãi với lịch sử đất nước ta, dân tộc ta.

Những giá trị của ngày chiến thắng 30/4 cần được truyền đời qua các thế hệ và thế hệ sau phát huy tinh thần chiến thắng đó để người Việt Nam tự hào, đoàn kết vươn lên trong quá trình xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng và trở thành bạn bè của các nước trên thế giới.

Ðại hội XIII của Đảng đã nêu lên năm quan điểm chỉ đạo, trong đó quan điểm thứ ba đề cập tới việc "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".[5]

Hướng tới kỷ niệm ngày 30/4 là dịp để người Việt Nam trong nước và kiều bào nước ngoài cùng nhau thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

* Tài liệu tham khảo:

[1].https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/dien-van-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-le-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-458617

[2].http://danvan.vn/Home/MagazineStory?ID=593

[3].https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/nhung-vien-soi-han-thu-se-chim-trong-bien-ca-hoa-hop-dan-toc-520102

[4].Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2011, t.12, tr 400.

[5].https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/khoi-day-manh-me-tinh-than-yeu-nuoc-va-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-640451/

Lại Cường