Cắt tỉa, đốn hạ cây xanh trong trường học, nhà trường phải chi trả kinh phí

17/06/2020 06:06
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi trường học có đơn yêu cầu đến kiểm tra, đánh giá, cây nào cần chặt hạ, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội sẽ căn cứ vào đơn giá, định mức để thực hiên.

Ngày 16/6, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã thông tin về công tác chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão trên địa bàn Thành phố.

Tại hội nghị, ông Hoàng Cao Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng đã yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát, chú trọng cắt tỉa cây xanh có nguy cơ đổ, gãy.

Trong mùa mưa bão, để chủ động khắc phục sớm hậu quả, Sở Xây dựng đã lên phương án khi có 1.000 cây đổ, gãy.

Khi đó, việc thu dọn cây đổ phải xử lý nhanh và việc trồng thay thế sẽ được thực hiện trong 10 ngày.

Ông Nguyễn Xuân Hanh - Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn

Ông Nguyễn Xuân Hanh - Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Ảnh: hanoi.gov.vn

Tại hội nghị, một số phóng viên đã đặt câu hỏi với Sở Xây dựng, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội liên quan đến việc đã có vụ việc cây đổ làm chết người.

Mới đây nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, một cây phượng đổ đã làm học sinh tử vong.

Sau vụ việc này, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có yêu cầu rà soát cây xanh trong trường học. Vậy việc rà soát cây xanh mục ruỗng, có nguy cơ gãy đổ trường học đã được kiểm tra đến đâu?

Trả lời câu hỏi này của báo chí, ông Nguyễn Xuân Hanh - Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nêu rõ: "Theo phân cấp quản lý, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội được thành phố giao quản lý cây xanh trên địa bàn 12 quận.

Tuy nhiên tại 12 quận, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cũng chỉ quản lý hệ thống cây xanh ở những đường phố có tên.

Còn trong các khu đô thị, trường học, bệnh viện, khuôn viên cơ quan thuộc sở hữu của các cơ quan và phân cấp quản lý của Ủy ban nhân dân quận".

Ông Hanh cho biết, khi các trường học, bệnh viện muốn cơ quan chuyên môn như Công ty Công viên cây xanh vào kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong trường học, bệnh viện…thì cơ quan chủ sở hữu phải có đơn gửi đến công ty.

Căn cứ vào đơn, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra, đưa ra biện pháp xử lý.

Trả lời câu hỏi, nếu trong trường học có cây xanh đổ và liên lạc với Công ty để xử lý thì nhà trường có phải trả kinh phí, ông Hanh cho biết, nhà trường sẽ phải chi trả kinh phí cắt tỉa, chặt hạ cây xanh.

"Khi các cơ quan trường học có đơn yêu cầu đến kiểm tra, đánh giá, cây nào cần kiểm tra, chặt hạ sẽ có đơn giá, định mức để thực hiện", ông Hanh cho hay.

Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nêu lại vụ cây phượng đổ bất ngờ ở một trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh khiến một học sinh tử vong.

Sau đó, các tỉnh, thành phố đều vào cuộc rà soát mức độ an toàn của các cây xanh trong trường học.

Từ việc rà soát nêu trên, ông Học lưu ý, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị được giao quản lý chuyên môn sâu về cây xanh ở 12 quận.

Đơn vị có đủ điều kiện về phương tiện, con người. Vì thế, khi có phản ánh cây xanh gây nguy hiểm, có nguy cơ gãy đổ thì cần phải vào cuộc nhanh chóng.

"Lúc đó cần gác câu chuyện kinh phí thanh toán, đơn thư, dấu đỏ qua một bên để khẩn trương xử lý những cây có nguy cơ đổ gãy. Xử lý xong, những vấn đề thủ tục, kinh phí tính toán sau", ông Học nói.

Tại cuộc giao ban, nhiều phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc Hà Nội có dự định mua máy siêu âm để “bắt bệnh” cho cây xanh.

Ông Nguyễn Xuân Hanh cho hay đơn vị sẽ nghiên cứu và tham khảo việc mua máy siêu âm để phát hiện bệnh tật của cây như tình trạng mục ruỗng, sâu bệnh.

Tuy nhiên, trước mắt, việc "bắt bệnh" cho cây vẫn được thực hiện thủ công để phát hiện và xử lý những cây mục ruỗng, sâu bệnh.

Ông Hanh cho hay đơn vị được thành phố cho đi tìm hiểu ở Singapore và đã tiếp cận với máy siêu âm…

Tuy nhiên, những nước có máy siêu âm này cũng chỉ dùng để bảo tồn cây cổ thụ, lâu năm. Máy này có giá thành cao và hiệu quả chưa được như mong muốn.

Cũng theo ông Hanh, hiện nay do chưa có máy móc hiện đại nên đơn vị chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm để phát hiện cây bệnh tật.

Đỗ Thơm