Cấp dưới vi phạm, người đứng đầu không thể vô can

25/12/2017 07:08
DU THIÊN
(GDVN) - Ông Thuận đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu trước những vi phạm nghiêm trọng liên quan tới công tác tổ chức cán bộ.

Cần xử lý nghiêm vi phạm của người đứng đầu

Cụm từ “nâng đỡ không trong sáng”, hay “ưu ái, vun vén cho gia đình trong quy hoạch, luân chuyển, điều động” trở thành từ khóa nóng hổi, là đề tài bàn tán của dư luận trong những ngày vừa qua khi đề cập tới việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam.

Những vi phạm, khuyết điểm của nhiều cán bộ, đảng viên trong những vụ việc nói trên gây bức xúc, hoài nghi trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng ở cấp cơ sở.

Nói về nguyên nhân để xảy ra những vi phạm về công tác cán bộ tại nhiều địa phương thời gian gần đây, hôm 16/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, điều này công tác tổ chức cán bộ có nhiều thiếu sót, sơ hở.

"Những người đứng đầu tại các địa phương nói trên đã làm không hết trách nhiệm, thậm chí quan liêu.

Liệu trong những tiêu cực trong công tác cán bộ nói trên có dấu hiệu của việc đưa hối lộ để chạy chức chạy quyền hay không?”, ông Thuận đặt vấn đề.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh nhân vật cung cấp.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh nhân vật cung cấp.

Ông Thuận đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm người đứng đầu trước những vi phạm nghiêm trọng liên quan tới công tác tổ chức cán bộ.

“Quy trình về công tác cán bộ rất chặt chẽ, bắt đầu từ đề nghị, đề xuất, lấy ý kiến, phê chuẩn, bổ nhiệm của tập thể, cấp trên...

Cho nên không thể nói người đứng đầu không chịu trách nhiệm trước những vi phạm về công tác cán bộ”, ông Thuận nêu rõ.

Từ những phân tích trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, việc xử lý vi phạm phải thực hiện một cách đồng bộ, có tính hệ thống để răn đe, cảnh báo những người vi phạm và người có ý định thực hiện hành vi vi phạm.

“Nếu cùng một sai phạm mà mỗi địa phương xử lý một kiểu thì không ổn.

Việc xử lý đồng bộ, đồng loạt vi phạm của cán bộ sẽ tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của người dân đối với Đảng.

Ví dụ như ở Quảng Nam, việc bổ nhiệm sai ông Lê Phước Hoài Bảo thì người đứng đầu địa phương dù đã về hưu vẫn bị đưa ra xử lý, thì tại sao ở một vài địa phương khác, người đứng đầu chưa bị xử lý?", Luật sư Thuận băn khoăn.

Nói thêm về việc này, ông Thuận cho rằng để bảo vệ uy tín cán bộ địa phương, nên tìm cách, tìm biện pháp phù hợp để làm rõ mọi vấn đề mà dư luận, người dân quan tâm, nêu ra.

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn”

Nhận định thêm về công tác tổ chức cán bộ tại nhiều địa phương vừa xảy ra vi phạm, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương cho biết, công tác tổ chức cán bộ không chặt chẽ dễ dẫn đến những sai lầm như Quảng Nam, Thanh Hóa...

Hay nói cách khác, đó là sự lạm dụng quyền lực của cán bộ.

“Nguyên nhân tình trạng suy thoái của nhiều cán bộ, đảng viên xuất phát từ việc chọn lựa cán bộ không đúng.

Có sai lầm nào mà không xuất phát từ công tác cán bộ đâu.

Khi anh đã có quyền rồi thì sẽ dễ lạm dụng quyền lực nếu không có chế tài giám sát quyền lực và bản thân anh không đủ bản lĩnh.

Thanh Hóa, Quảng Nam, Yên Bái  là những điển hình về việc lạm dụng quyền lực trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”, ông Hương nói.

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: vov.
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: vov.

Nguyên Phó ban Tổ chức Trung ương thẳng thắn rằng, có thời điểm công tác cán bộ có biểu hiện thiếu sót, gây hậu quả khôn lường.

“Đại hội 9, 10 của Đảng, chúng ta bố trí sai cán bộ cấp chiến lược dẫn tới hậu quả như ngày hôm nay.

Cấp trên làm thế nào thì cấp dưới sẽ làm vậy. Nếu công tác tổ chức cán bộ không tốt sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Trước đây Đảng đã từng đình chỉ sinh hoạt Đảng một số người, ngưng kết nạp Đảng để củng cố lại.

Sau giải phóng miền Bắc, tình hình suy thoái bắt đầu.

Bí thư Trịnh Văn Chiến không thể thoái thác trách nhiệm!

Bác hồ khi đó đã nhìn rõ sự lạm dụng quyền lực của cán bộ và nguy cơ trong Đảng. Khi người ta đã có quyền lực rồi thì họ vun vén cá nhân, đưa con cái vào cơ quan nhà nước.

Có thời điểm chúng ta thanh lọc đưa ra khỏi Đảng gần 8.000 đảng viên, trong đó có khoảng 6.000 đảng viên thoái hóa, biến chất.

Những gì Bác Hồ nêu lên trong cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị", ông Hương dẫn dắt.

Từ những phân tích trên, ông Hương cho rằng, điều quan trọng trong công tác cán bộ là người đứng đầu phải gương mẫu:

“Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Nếu công tác tổ chức cán bộ không chặt chẽ dễ dẫn đến sai lầm”, ông Hương nhận định.

DU THIÊN