Cần xử lý nghiêm Thơ Nguyễn để những kẻ manh nha ý định làm clip độc hại biết sợ

16/03/2021 06:04
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các Youtuber có đăng tải những nội dung tương tự cũng cần được xử lý nghiêm. Mức độ vi phạm đến đâu thì xử lý đến đấy nhưng cần phải đủ sức răn đe.

Sau khi clip về việc dùng búp bê để “xin vía học giỏi” của Youtuber Thơ Nguyễn đăng tải đã lập tức nhận được nhiều phản ứng dữ dội.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã có một số chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc độ là một chuyên gia về chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

“Tôi đã xem qua mấy lần clip này, theo tôi riêng nội dung của nó, khi mà Youtuber Thơ Nguyễn dùng búp bê giống Kumanthong để đăng đăng lên mạng xã hội nhằm “xin vía học giỏi”, dù là dàn dựng hay là thực tế đi nữa thì nội dung mà nó phản ánh cũng được xếp vào các loại clip có yếu tố độc hại.

Đặc biệt, nó mang hơi hướng của việc truyền bá mê tín, dị đoan, một trong những thứ mà các cơ quan nhà nước ta đang cố gắng đẩy lùi suốt nhiều năm qua.

Điều khiến các clip có nội dung tương tự như thế này vẫn “sống khoẻ” dù trước đó đã có rất nhiều người bị xử phạt, tôi cho rằng một phần là do các cơ quan quản lý của nhà nước về các lĩnh vực này vẫn thiếu đi sự mạnh tay và cương quyết ngăn chặn với các video có nội dung phản cảm, nhảm nhí và dung tục.

Bởi lẽ, không chỉ người lớn mà trẻ em chúng cũng có thể dễ dàng tìm kiếm và xem được các video có nội dung như: Bạo lực, tình dục, hướng dẫn chế biến thuốc nổ...

Rất nhiều thứ rất kinh khủng mà các bậc phụ huynh không bao quát nổi, thậm chí là nằm ngoài tầm kiểm soát, được đăng tải hàng ngày trên các trang như Facebook, Youtube hay mới đây là mạng TikTok.

Tôi cũng là một trong những thành viên tham gia soạn thảo ra Luật Trẻ em 2016 và đã đưa được điều 54 vào trong Luật này, đó là bảo vệ sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng.

Trong đó yêu cầu, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức.

Cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Sau đó, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em cần được bảo vệ trên môi trường mạng.

Đặc biệt, trong điều 37 của nghị định này cũng đã quy định rõ các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, trong đó có nêu ra rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông và quản lý nhà nước về trẻ em.

Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới.

Đồng thời, công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em, bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em.

Không những thế, cơ quan công an cũng cần có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Vì vậy, để bảo vệ được trẻ em được an toàn trên môi trường mạng xã hội thì các biện pháp cũng được nêu ra rất cụ thể và nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông.

Các đơn vị này có trách nhiệm là tiếp nhận thông tin, đánh giá, xếp loại và mức độ an toàn của các video ấy đối với đời sống tinh thần của trẻ em như thế nào và cần phát hiện, loại bỏ ra làm sao và yêu cầu đặt ra quy chuẩn như thế nào để phù hợp với đối tượng là trẻ em”.

Đánh giá về mức độ ảnh hưởng và nêu ý kiến về các biện pháp xử lý với các clip có nội dung tương tự, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng:

“Rõ ràng, việc đăng tải những hình ảnh mang tính mê tín, bùa ngải giống như Youtuber Thơ Nguyễn là đang vi phạm pháp luật, mức độ xử phạt như thế nào thì cần có kết luận của cơ quan điều tra, nhưng cần xử lý nghiêm.

Lần này, nếu xử lý nghiêm minh và đủ sức răn đe chúng ta sẽ tạo ra được tiền đề về việc ngăn chặn những video bẩn, khiến các Youtuber khác phải suy nghĩ lại ý định khi muốn phát tán những clip có nội dung tương tự trên mạng xã hội, làm ảnh hưởng tới tâm lý các bạn nhỏ.

Đồng thời, nếu chiếu theo các điều khoản, ngoài Luật Trẻ em thì chúng ta có thể căn cứ vào các dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng 2018 và Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử để chúng ta có các phương án áp dụng xử phạt.

Cụ thể, việc sử dụng mạng xã hội để cung cấp, phát tán, chia sẻ nội dung không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, thông tin mê tín sẽ bị phạt 10 đến 20 triệu đồng theo Điểm b Khoản 1 Điều 101 của Nghị định này. Ngoài ra, người vi phạm buộc phải gỡ bỏ những hình ảnh và video trái pháp luật nêu trên.

Như vậy, trong sự việc này cá nhân vi phạm đến đâu thì chúng ta có chế tài xử lý đến đó, mọi việc xử phạt cần mạnh tay hơn nữa mới đủ sức răn đe những đối tượng khác muốn học theo những cách này để nổi tiếng”.

Trung Dũng