Cần có cái nhìn công bằng về cán bộ trẻ

05/03/2021 06:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều người là “con ông, cháu cha” nhưng có đủ năng lực, tài đức, xứng đáng được trọng dụng, giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước.

Trong đời sống xã hội nước ta có không ít trường hợp bổ nhiệm mà nhiều người đã nói thẳng rằng đó là hậu duệ, quan hệ, tiền tệ... “con ông, cháu cha” được ưu tiên.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là mọi trường hợp “con ông, cháu cha” đều giống nhau. Chúng ta phải có nhận xét, đánh giá khách quan và công bằng đối với tất cả các trường hợp trong công tác bổ nhiệm nhân sự vào bộ máy nhà nước.

Vào dịp đón Xuân Tân Sửu, trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác bổ nhiệm cán bộ, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa XIV đã có cái nhìn thẳng thắn, công bằng: “Để tìm được những cán bộ, Đảng viên có đạo đức, có tài năng, có tầm nhìn để đứng ở các cương vị lãnh đạo khác nhau thì rõ ràng cần phải có nhiều giải pháp.

Quy trình hiện nay của chúng ta đã đầy đủ và cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc và ngày càng đổi mới để loại bỏ thiếu sót, tùy thuộc vào từng giai đoạn như tuyển chọn, bồi dưỡng, huấn luyện, thăm dò…

Theo quan điểm của tôi, cần chú ý quy trình tuyển mộ cán bộ phải bình đẳng để thực sự chọn được người tài, thực sự người có tâm, có đức, không kể con ai, cháu ai, không kể xuất thân giai cấp nào. Nhân tài có thể từ nông dân, công nhân, cũng có thể từ hoạt động thương nhân đi lên và đều phải được tôn trọng như nhau.

Đặc biệt, những trường hợp “con ông cháu cha” thường bị mọi người thường xoi mói, nhưng theo tôi như vậy cũng không đúng vì có rất nhiều trường hợp có năng lực. Họ sinh ra và trưởng thành trong gia đình có nền tảng tốt, thụ hưởng đức tính tốt và trở thành những lãnh đạo tốt là điều dễ hiểu. Vì vậy, tôi mới nhấn mạnh rằng công bằng thể hiện ở quá trình tuyển mộ phải bình đẳng, chứ không phải xuất thân từ đâu”.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội. ảnh: NVCC.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội. ảnh: NVCC.

Người có tốt chất tốt, được nuôi dưỡng trong một gia cảnh đầy đủ về điều kiện vật chất, tinh thần, thấm nhuần được tư tưởng hiền tài từ bé đến lớn, tư tưởng vì nước, vì dân, được học hành bài bản thì tại sao lại không trọng dụng họ?

Chúng ta phải có một cái nhìn công bằng, khách quan trong công tác tuyển dụng nhân tài đối với các trường hợp “con ông, cháu cha” đủ tài, đủ đức trở thành các lớp cán bộ trẻ ở địa phương và trung ương.

Từ trước đến nay không thiếu các trường hợp “con ông, cháu cha” sau một quá trình dài được học tập, đào tạo đã trở thành lãnh đạo cấp cao của địa phương, bộ ngành.

Họ đi lên bằng tài năng, bằng thực lực, bằng phẩm hạnh được trau dồi, rèn luyện. Họ được bổ nhiệm khách quan, công bằng, vậy tại sao lại có cái nhìn khắt khe?

Dẫu rằng thực tế đã có những trường hợp bổ nhiệm “chín ép”, có những trường hợp năng lực chưa tới, nhưng không phải vì như thế mà chúng ta “vơ đũa cả nắm” để có những đối xử không công bằng, có cái nhìn thiếu thiện cảm về những cán bộ là con cháu của lãnh đạo cấp cao.

Một thí dụ mới nhất là bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc ở tuổi 31.

Bà Huyền Trang được học tập, đào tạo bài bản, thông thạo hai ngoại ngữ và có quá trình công tác tốt, được đánh giá có năng lực tốt, nhưng nhiều người lại chỉ chú ý tới chi tiết bà Trang là con gái của Bí thư tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.

Sáng ngày 1/3/2021, ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trả lời báo giới cho hay, bà Trần Huyền Trang được bổ nhiệm trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc.

“Các bước quy hoạch khách quan, dân chủ, minh bạch. Trong hội nghị về công tác cán bộ, các ý kiến đều tập trung giới thiệu bà Trần Huyền Trang. Tất cả các lần lấy phiếu tín nhiệm, bà Trang đạt số phiếu tuyệt đối”, ông Huy cho biết.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều 2/3, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối tháng 10/2020, có chương trình làm việc toàn khóa của tỉnh, trong đó có nội dung kiện toàn nhân sự trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau.

Theo các quy định của Đảng, tham gia cấp ủy bao giờ cũng cơ cấu về tuổi, về giới. Theo đó, dự kiến sẽ bổ nhiệm tập trung 10-15 người, trong đó có 6 cán bộ nữ, 8 cán bộ trẻ.

Như vậy, bà Trần Huyền Trang không phải trường hợp cá biệt về lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ trẻ.

Đề cập tới vấn đề này trên vov, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII) cho biết: “Thật buồn khi trong thời chiến, đa phần con cháu cán bộ phải là những người gương mẫu, đi tới những nơi nóng bỏng nhất thì trong thời bình, có những “con ông, cháu cha” được bổ nhiệm vào những vị trí được coi là “thiên thời địa lợi” nhất.

Cũng theo ông Tiến, chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm” mà bỏ phí người hiền tài. Những người đủ đức tài, phẩm hạnh dù là ai, ở địa vị nào thì đều đáng được trọng dụng. Trong công tác bổ nhiệm cán bộ, nếu như “con ông, cháu cha” là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực thì đó chính là những người cần được ưu tiên để tuyển chọn, đề bạt.

Chúng ta tìm người có tài, có đức, làm việc hiệu quả, được nhân dân tin tưởng, được tổ chức tín nhiệm thì bất cứ họ ở địa vị xã hội nào, độ tuổi bao nhiêu, xuất thân là ai, từ đâu đều được trọng dụng, bổ nhiệm các vị trí nhân sự quan trọng của bộ máy nhà nước.

Cao Kim Anh