Cần chống độc quyền biên soạn sách giáo khoa, nhưng giá sách phải phù hợp

16/06/2020 09:03
Đỗ Thơm
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn và khẳng định lại có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hay không?

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước ngày 15/6, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Kiến nghị Chính phủ xem xét và có hỗ trợ về giá với sách giáo khoa

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề cập đến việc biên soạn sách giáo khoa.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu dẫn Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa nhằm tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình.

Tuy nhiên đến nay, bộ sách giáo khoa này chưa có do khi thương thảo để ký hợp đồng sau đấu thầu, các nhà biên soạn đều đưa ra yêu cầu nhuận bút lâu dài trong quá trình sử dụng sách giáo khoa. Điều này không phù hợp với quy định và dự toán gói thầu.

Quan trọng là hầu hết ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn sách giáo khoa với các nhà xuất bản khác.

Theo vị đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, dù Nghị quyết 88 giao nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa cho Bộ Giáo dục và Đào tạo từ rất sớm, vào năm 2014, nhưng Bộ lại tiến hành đấu thầu rất chậm, vào 2019, nên không tuyển chọn được chuyên gia giỏi tham gia chương trình.

Với cách làm này và với lý giải của Chính phủ, không chỉ sách giáo khoa lớp 1 mà sách giáo khoa lớp 2 và các lớp còn lại cũng chỉ sử dụng sách giáo khoa do tư nhân làm vì không thể giải quyết được vướng mắc về nhuận bút.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn và khẳng định lại có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hay không, để đại biểu Quốc hội trả lời trước cử tri.

Đại biểu cho rằng việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền trong biên soạn sách giáo khoa là cần thiết.

Nhưng việc này phải đảm bảo mang lại sách giáo khoa chất lượng tốt, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chương trình giáo dục mới và phù hợp với túi tiền của đại đa số các gia đình.

Đề cập đến giá sách giáo khoa, đại biểu Bạch Tuyết kiến nghị Chính phủ xem xét và có hỗ trợ về giá với sách giáo khoa, đặc biệt là với sách giáo khoa tiểu học.

Đại biểu Dương Minh Ánh. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Dương Minh Ánh. Ảnh: TTXVN

Quốc hội và Chính phủ phải làm gì để thay đổi, rút ngắn được khoảng cách về chất lượng giáo dục

Cũng phát biểu thảo luận liên quan đến vấn đề giáo dục và đào tạo, đại biểu Dương Minh Ánh - đoàn Thành phố Hà Nội đã phân tích sâu thêm về sự tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với lĩnh vực giáo dục.

Đại biểu đánh giá rất cao Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã nhanh chóng và kịp thời chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục giảng dạy trực tuyến qua các phần mềm ứng dụng hoặc qua các kênh truyền hình để đảm bảo chương trình học của các em học sinh, sinh viên các cấp không bị gián đoạn.

Qua việc giảng dạy trực tuyến, điều chúng ta nhận thấy rất rõ đó là sự chuyển biến về năng lực sử dụng công nghệ thông tin của các thầy, cô giáo trong toàn bộ hệ thống giáo dục đã được nâng lên rõ rệt.

Đại biểu cho đây là mặt tích cực mà chúng ta cần phát huy trong thời gian tới.

Tuy nhiên, còn những vấn đề như hạ tầng cơ sở về công nghệ thông tin, trang thiết bị dạy học, phần mềm ứng dụng và hệ thống học liệu của chúng ta còn thiếu và chưa đảm bảo cho việc dạy và học trực tuyến nên phần nào còn hạn chế.

Đại biểu cho rằng, chúng ta hết sức ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các thầy, cô giáo trong toàn ngành giáo dục đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhìn lại hình ảnh các thầy, cô giáo vùng cao trèo đèo, lội suối đến tận nhà, tận bản mang bài ôn tập cho các em không có đủ điều kiện để học qua truyền hình hoặc học online đã cho thấy sự tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thầy, cô đối với các em học sinh.

Cùng với đó là hình ảnh các em vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đi bộ hơn 4 tiếng đồng hồ để đến những nơi có sóng điện thoại để kịp thời ôn tập chương trình tốt nghiệp.

Đây là những hình ảnh mà các cấp, các ngành chúng ta cũng cần phải suy nghĩ và trăn trở.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng khiến rất nhiều trường mầm non tư thục phải đóng cửa trong mùa dịch vì không đủ khả năng để chi trả chi phí về mặt bằng, tiền thuê giáo viên và chi phí khác trong các tháng cách ly.

Vì vậy, nhiều giáo viên mầm non phải nghỉ không lương, mất việc làm và không có thu nhập.

"Vậy trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ và các cấp, các ngành chúng ta phải làm gì để thay đổi, rút ngắn được khoảng cách về chất lượng giáo dục, về môi trường sống giữa khu vực đô thị với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo quyền bình đẳng được học tập, vui chơi cho các em.

Chính sách nào để hỗ trợ giảm bớt các thủ tục giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được những gói hỗ trợ của Chính phủ?", đại biểu nêu.

Để giải quyết các vấn đề trên cả trước mắt và lâu dài đối với ngành giáo dục, đại biểu đã đề xuất với Chính phủ một số nội dung như sau:

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu mô hình đào tạo trực tuyến giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Hoàn thiện các thể chế liên quan đến đào tạo trực tuyến, xây dựng hệ thống học liệu và đa dạng các phần mềm ứng dụng phục vụ giảng dạy trực tuyến.

Cần bổ sung đầu tư trang thiết bị công nghệ, đặc biệt đầu tư cho các vùng miền núi, hải đảo và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tư nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo và các vùng kinh tế khó khăn để giảm bớt khoảng cách giữa các vùng miền.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành giảm bớt các thủ tục hành chính để giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục sớm tiếp cận được các gói tín dụng, bổ sung các gói hỗ trợ thất nghiệp cho các đối tượng là giáo viên mầm non tư thục đã bị mất việc sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, đại biểu đề xuất với Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông để thực hiện việc phân luồng học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp.

Đỗ Thơm