Cán bộ yếu, bản lĩnh kém rất sợ đối thoại với dân

08/11/2017 08:34
Vũ Phương
(GDVN) - Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, chỉ cán bộ có năng lực yếu, bản lĩnh không cao và không nắm chắc công việc sẽ sợ đối thoại với dân.

Chiều 7/11, Quốc hội nghe các báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, và thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Đây là lần đầu tiên phiên làm việc của Quốc hội về nội dung trên được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016.

Cụ thể, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn giảm 8,9%; tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%.

Tuy nhiên, theo Tổng thanh tra Chính phủ, số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Đặc biệt, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai".

Đáng chú ý trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều nay là phát biểu của đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội).  

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu. Ảnh: Quochoi.vn

Về cơ bản, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đồng ý với những nguyên nhân mà đại diện Chính phủ đã báo cáo. Tuy nhiên, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho rằng: “Sẽ là thiếu sót lớn và đương nhiên sẽ không có giải pháp khắc phục tương ứng thực trạng này nếu chúng ta chưa nhìn nhận việc thiếu sâu sát, gần dân, lắng nghe dân và đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại tố cáo vừa qua.

Các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu về vấn đề khiếu nại tố cáo, an nhinh nông thôn đều chỉ ra rằng hầu hết các vụ việc phức tạp, điểm nóng đều phát phát sinh từ cơ sở.

Việc trong dân thì diễn ra hàng ngày, việc nhỏ có, việc lớn có, từ việc bình thường đến phức tạp, bức xúc có những việc tạo thành điểm nóng, vấn đề đặt ra là cán bộ, đặc biệt cán bộ cơ sở có sâu sát gần dân, sớm nắm bắt các vấn đề trong dân, lắng nghe chia sẻ, đối thoại với dân khi vụ việc mới manh nha hay không?”

Cán bộ yếu, bản lĩnh kém rất sợ đối thoại với dân ảnh 2

Tham nhũng mới chỉ xử lý được những con mèo ăn vụng, biệt phủ còn sừng sững

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng chỉ ra một số vụ việc người dân khiếu kiện kéo dài, nhưng nhờ đối thoại đã những vụ việc là điểm nóng, phức tạp được được giải quyết nhanh chóng.

“Thực tiễn thấy rằng, câu chuyện ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, đã chủ trì buổi đối thoại với 300 tiểu thương tại chợ Sập (Biên Hòa, Đồng Nai).

Sau vài giờ đối thoại, nhiều chính sách, pháp luật đã được giải thích và chia sẻ nguyện vọng của tiểu thương. Vụ việc cơ bản được giải quyết sau 11 năm người dân khiếu nại. 300 tiểu thương đã hát vang bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng trước khi rời hội trường đối thoại.

Xa hơn nữa, câu chuyện cựu Bí thư Quảng Ngãi – ông Võ Văn Thưởng, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng lãnh đạo nhiều địa phương, bộ ngành đã đối thoại với dân, điểm nóng vì thế đã hạ nhiệt. Có nhiều vụ việc được giải quyết dân dừng khiếu nại”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài do người đứng đầu một số địa phương, ngành còn ngại tiếp xúc, ngại đối thoại với dân.  Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đã chỉ ra: “Đối thoại với dân ở một góc độ khác còn là cơ hội thử thách năng lực, phẩm chất, bản lĩnh cán bộ, cán bộ có năng lực yếu, bản lĩnh không cao, và không nắm chắc công việc sẽ sợ đối thoại với dân.

Nhất là ở cơ sở, cán bộ không giữ gìn, rèn luyện cũng rất sợ đối thoại với dân vì buổi đối thoại có thể trở thành diễn đàn để dân phê bình, tố cáo cán bộ, thậm chí với chính người đang chủ trì buổi đối thoại.

Đối thoại không mất nhiều tiền, không mất nhiều thời gian, công sức, nhưng lợi ích tác dụng mang lại rất nhiều, nhất là trong vấn đè yên dân mà dân yên, dân tin và dân ủng hộ thì làm việc gì cũng thành công.

Biết như vậy, nhưng nhiều địa phương, nhiều cán bộ của ta, nhất là cán bộ cơ sở vẫn xa dân, không chịu lắng nghe dân, không đối thoại với dân làm dân thất vọng, bức xúc. Nhiều vụ nhỏ thành to, trở thành phức tạp, điểm nóng”.

Cán bộ yếu, bản lĩnh kém rất sợ đối thoại với dân ảnh 3

Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về chất lượng cán bộ"

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng nêu khiến nghị: “Chính phủ bổ sung nguyên nhân thiếu sâu sát, xa dân, không lắng nghe và đối thoại với dân là một trong những nguyên nhân khiến tình hình khiếu nại, tố cáo.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy quyền ở xã phải phải thực hiện nghiêm đối thoại với nhân dân theo quyết định 218.

Thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính và xử lý nghiêm cán bộ không thực hiện tiếp công dân, quy định xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Coi đây là một nội dung công tác cần phải kiểm điểm trong việc  thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và kiểm điểm đảng viên vào cuối năm”.

Trong khi đó, đại biểu Võ Đình Tín (Đoàn Đắk Nông) nêu câu hỏi: “Vì sao số lượng vụ việc giảm nhưng tính chất lại nghiêm trọng hơn?”.

Cũng theo đại biểu Võ Đình Tín, một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo là do công tác tiếp công dân chưa thấu tình đạt lý, khiến người dân mất lòng tin.

Vũ Phương