Cán bộ giáo dục lạm dụng quyền hành để tư lợi cần phải nghiêm trị

28/06/2021 06:19
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người đứng đầu giáo dục một tỉnh mà đạo đức không trong sáng, không vì xã hội, không vì học sinh thì làm sao đào tạo được nguồn lực phát triển đất nước.

Thời gian qua, có nhiều trường hợp vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc.

Đặc biệt mới đây, ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, sai phạm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành giáo dục.

Ở Quảng Ninh còn có bao nhiêu cán bộ, có bao nhiêu ngôi trường, bao nhiêu giáo viên, học sinh và họ sẽ nghĩ gì khi cán bộ, người lãnh đạo đứng đầu không gương mẫu.

Một người lẽ ra phải là tấm gương sáng ngời về đạo đức để học sinh và mọi người noi theo thì chính anh lại tự làm xấu xí hình ảnh của mình.

Làm lãnh đạo mà lạm dụng chức quyền để tư lợi cá nhân, không nghĩ đến xã hội, không nghĩ đến học sinh, đạo đức tư cách kém thì không thể đào tạo được nguồn nhân lực phục vụ đất nước”.

Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, nếu để sai phạm xảy ra trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến hàng ngàn con người trong hệ thống giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đặc biệt là những học sinh - nguồn nhân lực, chủ nhân tương lai của đất nước.

Chúng ta vẫn luôn khẳng định, mỗi người thầy là một tấm gương sáng về đạo đức. Vậy thì người cán bộ, quản lý của một trường, một huyện, một tỉnh lại càng phải là tấm gương sáng hơn. Họ phải có tâm trong sáng, không làm những việc sai trái, không vi phạm pháp luật, không được lạm dụng quyền hạn, chức vụ để làm trái quy định, gây ra những thiệt hại lớn.

Nguyên giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh - Vũ Liên Oanh và các đồng phạm. (Ảnh: Bộ Công an)

Nguyên giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh - Vũ Liên Oanh và các đồng phạm. (Ảnh: Bộ Công an)

"Nếu sai phạm về đấu thầu ở một công ty thì mức độ tác động ảnh hưởng chỉ dừng lại trong phạm vi những người cán bộ, công nhân viên trong công ty đó. Nhưng giáo dục là lĩnh vực có ảnh hưởng tới toàn xã hội, câu chuyện giáo dục luôn gắn với vấn đề về đạo đức nên mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều", Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Trần Xuân Nhĩ, một người đứng đầu ngành nhưng vì lòng tham mà làm trái pháp luật thì không thể lãnh đạo những người khác, họ có thể kéo theo cả một hệ thống hoạt động sai lệch, họ càng không thể thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành giáo dục.

Và những cá nhân gây ra sai phạm đó chính là những "con sâu làm rầu nồi canh" khiến xã hội nhìn nhận, đánh giá, hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi cho giáo dục.

Trên thực tế, đã có không ít câu chuyện những nhà giáo, những nhà quản lý giáo dục vướng vào vòng lao lý vì lạm dụng quyền lực, vi phạm pháp luật, đánh đổi đạo đức, lương tâm, trách nhiệm chỉ vì lòng tham.

Năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lai Châu khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 2 cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vì tội tham ô tài sản, họ đã ăn chặn 26,5 tỷ đồng từ tiền hỗ trợ chính sách cho học sinh nghèo. [1]

Năm 2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai cũng nhận được cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị truy tố, xét xử với ba đối tượng là nguyên kế toán Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, nguyên thủ quỹ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo đó, những cán bộ trên đã chiếm dụng, sử dụng sai nguồn kinh phí 2,8 tỷ đồng Nhà nước hỗ trợ cho 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh ở huyện Chư Pưh. [2]

Và thời gian gần đây là những vi phạm quy định về đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng những trường hợp vi phạm, vì lợi ích cá nhân, lạm dụng chức quyền làm điều sai trái như trên cần phải nghiêm trị để làm gương cho người khác, phải kiên quyết xử lý theo pháp luật.

Đây cũng là bài học cho những người làm công tác quản lý. Người cán bộ, quản lý phải rèn luyện đạo đức, tư cách bản thân mình, phải lấy những câu chuyện đó để răn mình, phải luôn đặt lợi ích chung của tổ chức, của xã hội lên trên lợi ích của cá nhân. Người cán bộ không chỉ cần tài năng mà quan trọng là nhân cách, đạo đức.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định: "Muốn đề bạt, bổ nhiệm một người vào vị trí lãnh đạo, quản lý thì phải nắm được quá trình hoạt động của người đó, phải soi xét trong quá trình hoạt động họ có gì yếu kém không, đạo đức của họ như thế nào, họ có đủ tư cách và có thực sự phù hợp với vị trí đó.

Đặc biệt là cán bộ ngành giáo dục càng phải gương mẫu, xác định được sứ mệnh của chính mình, phải có đạo đức nhân cách tốt, thật tâm cống hiến vì học sinh, vì sự phát triển của giáo dục, đào tạo nên đội ngũ nhân lực tốt nhất cho xã hội, đất nước".

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/phap-luat/bat-giam-2-can-bo-phong-giao-duc-tham-o-265-ti-tien-ho-tro-cua-hoc-sinh-765598.ldo

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/3-can-bo-giao-duc-an-chan-hon-2-8-ty-tien-an-cua-hoc-sinh-647005.html

Phạm Minh