Cán bộ công chức đi học ThS, TS mang lợi ích cho họ, sao ngân sách lại phải chi?

08/06/2022 06:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Việc chuẩn hóa cán bộ là cần thiết, và bằng cấp nên được đưa vào thang đo. Nhưng có nhất thiết phải "Thạc sĩ hóa", "Tiến sĩ hóa" cán bộ công chức?

Theo Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030" mà Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành, Hà Nội dự kiến chi 61,5 tỷ đồng cho đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Ngay sau khi Hà Nội công bố đề án này thì dư luận xã hội đặt câu hỏi: Cán bộ, công chức, viên chức có cần thiết phải có bằng Tiến sĩ hay không? Bởi tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học, cái họ cần học là chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công. Chưa kể, cán bộ, công chức được ngân sách nhà nước chi trả cho việc học thì hiệu quả, năng suất công việc có tăng lên không, sự phù hợp về bằng cấp, chứng chỉ với công việc mà họ đang làm như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mai Thanh Sơn - Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, nhận định: “Có thể nói, cán bộ công chức của Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung thì điều cần và quan trọng nhất là học các kiến thức quản trị công, kĩ năng quản lý, nâng cao năng lực kết nối cộng đồng, xã hội.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn: "Cán bộ, công chức muốn học thạc sĩ, tiến sĩ thì nên bỏ tiền túi ra để học". Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn: "Cán bộ, công chức muốn học thạc sĩ, tiến sĩ thì nên bỏ tiền túi ra để học". Ảnh: NVCC.

Xã hội đòi hỏi việc quản lý trong chuyên môn họ phụ trách phải thật tốt, không nhất thiết phải nghiên cứu một chuyên môn sâu nào đó. Bởi Thạc sĩ, Tiến sĩ thường nghiên cứu chuyên sâu về một vấn đề cụ thể, nhưng công việc hàng ngày của một cán bộ, công chức, viên chức đòi hỏi người có kinh nghiệm tư duy, và có thể thích ứng với môi trường công việc mới. Thế nên, cán bộ, công chức muốn học thạc sĩ, tiến sĩ thì nên bỏ tiền túi ra để học.

Làm quản lí thì phải nhìn nhận được vấn đề trong lĩnh vực đang làm, có những cải cách, sáng kiến để nâng cao hiệu quả trong công việc của cán bộ chuyên môn, cũng như các cán bộ quản lí dưới quyền.

Đề án của Hà Nội, hay đề án của một số tỉnh thành liên quan đến chuyện đào tạo cán bộ công chức thành Thạc sĩ, Tiến sĩ thể hiện thiếu sự công bằng. Họ học không phải để tìm kiếm nâng cao kiến thức, để đi sâu vào học thuật nghiên cứu, mà học với mục đích tìm kiếm cơ hội thay đổi vị trí công tác. Họ học vì lợi ích bản thân họ.

Trong học thuật, Tiến sĩ mới chỉ khẳng định được luận án là một công trình khoa học với 2 giá trị cơ bản gồm giá trị khoa học là quan trọng nhất, còn có giá trị thực tiễn hay không thì còn phải chờ thời gian trải nghiệm, nó có được trích dẫn, được vận dụng hay không, có được nhiều người tham chiếu,…đó là câu chuyện còn rất dài về sau.

Một điều nữa, luận án Tiến sĩ chỉ góp phần khẳng định người đó đã đủ tư cách để trở thành một nghiên cứu viên độc lập. Còn việc họ có phát huy được năng lực hay không thì thời gian mới trả lời được. Học thuật là môi trường cực kì khắt khe, sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ mà không có những công trình nghiên cứu mới, không tìm được hướng đi cho mình thì cũng sẽ trở thành “thui chột”, và môi trường học thuật sẽ "đào thải".

Tiến sĩ Sơn nói: “Các học viên cao học, hoặc nghiên cứu sinh sẽ phải bám theo đề tài của họ trong 2- 3 năm, vừa học vừa hoàn thiện đề tài nghiên cứu, với Tiến sĩ sẽ thêm 1-2 năm nữa với nhiều công việc như đọc tài liệu, đi nghiên cứu thực địa, tham vấn, và với khoa học tự nhiên còn liên quan đến các thí nghiệm,…Vậy, với cán bộ từ cấp quận, huyện, phòng đi học trong suốt một thời gian dài như thế, liệu có thực hiện được nghiêm túc tất cả các quy trình đào tạo không?

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu chất lượng đào tạo sẽ nằm ở đâu, công trình nghiên cứu khoa học đó có đáng tin hay không? Xã hội sẽ đặt ra sự hoài nghi về tính liêm chính trong học thuật, cũng như đạo đức của người thầy.

Tôi tin không có vị Giáo sư, người hướng dẫn nào thật sự có tâm, có tầm lại chấp nhận một nghiên cứu sinh của mình làm nghiên cứu hời hợt, qua loa".

Ảnh minh họa: T.D

Ảnh minh họa: T.D

Đừng "Thạc sĩ hóa", "Tiến sĩ hóa" công chức, viên chức

Tiến sĩ Sơn chia sẻ: “Việc chuẩn hóa cán bộ là cần thiết, và bằng cấp nên được đưa vào thang đo. Nhưng có nhất thiết phải "Thạc sĩ hóa", "Tiến sĩ hóa" cán bộ công chức? Và có nên coi đó là trọng số khi đánh giá năng lực cán bộ không? Theo tôi hoàn toàn không.

Các cán bộ cần được đào tạo theo hướng chuyên sâu, nhưng học vị không phải là tiêu thức cao nhất để đánh giá năng lực. Trải nghiệm, kinh nghiệm và nhất là những sáng kiến có khả năng thúc đẩy phát triển, kết nối xã hội mới là những tiêu chí quan trọng nhất.

Học vị vốn dĩ là thước đo năng lực trong học thuật và nghiên cứu. Học hàm là sự định vị uy tín học thuật đối với những người đã có học vị tiến sĩ trong môi trường sư phạm. Đơn giản vậy thôi. Ở các quốc gia tiến tiến trên thế giới, học hàm do các cơ sở đào tạo bổ nhiệm, khi không còn là người của cơ sở đào tạo đó là hết chức danh Giáo sư, Phó giáo sư”.

Tùng Dương