Các tỉnh miền Trung nhận hỗ trợ bão lũ cao nhất từ trước đến nay

01/12/2017 09:44
Lại Cường
(GDVN) - Chiều ngày 30/11, tại Thành phố Nha Trang, Thủ tướng có cuộc làm việc về công tác khắc phục hậu quả bão số 12 tại Phú Yên, Khánh Hòa.

Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 12 tại Trường Trung học cơ sở Văn Lang, huyện Vạn Ninh; Trạm y tế xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa; thị sát cảng cá, vùng ven biển thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh; kiểm tra tình hình sản xuất, công tác khắc phục hậu quả bão tại Xí nghiệp may Khatoco.

Bão số 12 là cơn bão mạnh nhất nhiều năm qua đổ bộ vào Nam Trung Bộ, trong đó tỉnh Khánh Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bão và thiên tai nói chung có thể vào bất cứ khu vực nào, vì vậy, không có khu vực nào an toàn tuyệt đối.

Từ đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên cả nước cần tăng cường nâng cao nhận thức, hướng dẫn nhân dân kỹ năng phòng chống thiên tai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: VPCP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: VPCP)

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia sẻ, thăm hỏi ân cần đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị thiệt hại nặng nề nhất.

“Chúng tôi đặc biệt chia sẻ với gia đình những người bị thiệt mạng, bị thương trong trận bão số 12 vừa qua”, Thủ tướng bày tỏ và biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương về phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ thời gian qua.

Tuy nhiên, công tác khắc phục mới đạt kết quả ban đầu. Thủ tướng yêu cầu coi việc khắc phục hậu quả bão số 12, nhất là đối với hai địa phương là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung xử lý.

Tinh thần là bảo đảm cuộc sống bình thường của nhân dân, bảo đảm sản xuất và đời sống, nhất là sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nghề thủy sản; bảo đảm vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.

Từ thực tế thị sát một số địa điểm tại Khánh Hòa, Thủ tướng nhấn mạnh các công trình như trường học, trạm xá, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản còn ngổn ngang, chưa khắc phục hết, trong bối cảnh vật liệu thiếu nghiêm trọng, nhân công đắt đỏ, giá cả bị ảnh hưởng…

Thủ tướng nêu rõ: “Nếu chúng ta không dồn sức chỉ đạo, chắc chắn đời sống nhân dân, nhất là vào Tết này, vụ Đông này, sẽ gặp trở ngại rất nhiều”.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương đều phải có chương trình hành động, hỗ trợ địa phương và nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão.

Lực lượng quân đội, trực tiếp là Quân khu 5, tạm thời hoãn huấn luyện, tiếp tục đưa quân vào hỗ trợ cho địa phương khi có nhu cầu.

Trước việc nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ khắc phục hậu quả bão, Thủ tướng lưu ý, phải sử dụng nguồn lực đúng mục đích, đúng đối tượng, kịp thời hơn nữa.

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân hai tỉnh cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong chỉ đạo phòng chống bão lũ thời gian tới, không được chủ quan, cần có thái độ kiên quyết, tăng cường kiểm tra quyết liệt hơn nữa trong việc di dời, thậm chí thực hiện một số biện pháp cưỡng chế, không để người dân còn ở trên lồng bè, những nơi nguy hiểm khi nhiều người dân có tâm lý chủ quan do lâu không có bão.

Thủ tướng đồng ý giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống lụt bão ra lời kêu gọi hỗ trợ vùng thiên tai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ (Ảnh: VPCP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ (Ảnh: VPCP)

Về nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tập trung khắc phục, không để xảy ra cảnh xơ xác, tiêu điều, khó khăn, thiếu đói cho nhân dân, kể cả việc đi lại, học hành, chữa bệnh…

Thủ tướng nhất trí hỗ trợ 1.000 tấn gạo cho mỗi tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên để đưa đến dân kịp thời, không để người dân thiếu đói, nhất là vào dịp Tết sắp tới.

Thủ tướng đề nghị hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, nhất là hộ nghèo, hộ chính sách, neo đơn.

Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khôi phục nhanh ngành thủy sản bị thiệt hại nặng nề. Phục hồi sản xuất là nhiệm vụ quan trọng bởi không có sản xuất thì không thể giải quyết đời sống lâu dài.

Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị giống cây trồng lúa, ngô, rau, vật nuôi cho các tỉnh bị thiệt hại, nhất là hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Bộ Công Thương chỉ đạo khôi phục sản xuất công nghiệp, bảo đảm cung ứng hàng hóa, tăng cường quản lý thị trường không để tình trạng khan hiếm hàng, dẫn đến giá cả tăng bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả kém chất lượng.

Các tỉnh miền Trung nhận hỗ trợ bão lũ cao nhất từ trước đến nay ảnh 3Sẽ xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên tham nhũng, suy thoái

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đoàn công tác tới vùng bị thiệt hại nặng do bão lũ để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó phải xác định rõ nhiệm vụ của các ngân hàng, các giải pháp giãn, giảm, khoanh nợ.

Bộ Tài chính có hướng dẫn về miễn giảm thuế theo đúng pháp luật, đặc biệt thúc đẩy các đơn vị bảo hiểm xác định thiệt hại, hỗ trợ người dân hoàn thiện các thủ tục để được nhận bảo hiểm.

Chuẩn bị cho mùa mưa bão sang năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra các hồ đập, công trình thủy lợi, kịp thời khắc phục các sự cố.

Bộ Lao động thương binh và Xã hội tiếp tục rà soát, kiến nghị hỗ trợ lương thực cho người dân, trong đó phải bảo đảm lương thực được sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng “bán gạo để làm giao thông nông thôn”.

Thủ tướng đồng ý sử dụng một phần Quỹ Bảo trì đường bộ để khắc phục hư hỏng của một số công trình giao thông bị thiệt hại do bão.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa ký văn bản hỗ trợ 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh bị thiệt hại do bão lũ, trong đó Phú Yên nhận 170 tỷ đồng và Khánh Hòa 260 tỷ đồng. Đây được coi là mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay.

Lại Cường