Các nước châu Á-Thái Bình Dương chạy đua tàu ngầm chống Trung Quốc?

15/04/2015 06:30
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
(GDVN) - Cho dù chi phí đắt nhất, nhưng có 12 quốc gia và khu vực ở CA-TBD đang đầu tư vào tàu ngầm nhằm đối phó với Hải quân TQ có chi tiêu vượt tổng số nhiều nước.
Tàu ngầm thông thường AIP Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP Kokuryu số hiệu SS-506 lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 14 tháng 4 dẫn trang mạng tuần san "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 12 tháng 4 đăng bài viết nhan đề "Châu Á-Thái Bình Dương dẫn dắt thị trường tàu ngầm". Bài viết dẫn lời Phó tổng giám đốc Tony Bettinger phụ trách tìm hiểu thị trường của Công ty tư vấn quốc tế AMI cho biết, đầu tư tàu ngầm vẫn được hoan nghênh rộng rãi trên toàn cầu, đồng thời, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang thực hiện phần lớn kế hoạch chế tạo và mua sắm tàu ngầm.

Ông nói, đầu tư đối với tàu ngầm của hải quân toàn cầu vẫn vượt tất cả các chương trình mua sắm hải quân khác, có 34 nước đang mua sắm hoặc có kế hoạch sở hữu tàu ngầm trong 20 năm tới.

Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có 12 quốc gia và khu vực đang đầu tư vào tàu ngầm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam. Philippines, Thái Lan và Bangladesh cũng đã công khai bày tỏ nguyện vọng muốn sở hữu tàu ngầm mới hoặc tàu ngầm cũ.

Nhà phân tích hải quân độc lập Bob Nugent cho rằng, tàu ngầm là chỉ tiêu chủ yếu của tình hình chi tiêu tổng thể của hải quân khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chi tiêu của khu vực này trên phương diện tàu ngầm cùng với tình hình chi tiêu tổng thể hải quân là kết quả thực lực kinh tế của một số nước được tăng cường và một số nước khác ngày càng cảm thấy dễ bị tấn công và đối mặt với mối đe dọa ở trên biển một cách sâu sắc.

Tàu ngầm thông thường AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc
Tàu ngầm thông thường AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc

Bob Nugent cho rằng: "Tàu ngầm là trang bị hải quân có chi phí mua sắm đắt nhất, từ các góc độ rộng rãi như tuyển dụng, huấn luyện, quản lý và duy trì một lực lượng tàu ngầm mạnh và nguồn lực cần thiết để hiện đại hóa, chi phí dể duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của nó có thể cũng đắt nhất".

Theo Bob Nugent: "Hiện nay, ở Australia, khả năng nuôi một lực lượng tàu ngầm và vấn đề lợi - hại, được - mất của nó được người dân đặc biệt quan tâm, nhưng trong giới quốc phòng ở Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước khác ở khu vực này, có thể cũng tồn tại vấn đề này".

Mặc dù giá thành đắt đỏ, nhưng sự tiến bộ không ngừng của công nghệ (nhất là công nghệ đẩy không lệ thuộc vào không khí - AIP) đã làm cho tàu ngầm trở nên sát thương hơn, chạy êm hơn, điều này thúc đẩy các nước giàu và nước nghèo đều đua nhau mua sắm tàu ngầm.

Bettinger cho rằng: "Loại tàu ngầm này đang trở nên ngày càng mạnh và bắt đầu trang bị vũ khí sát thương hơn, chẳng hạn tên lửa chống hạm và tấn công đối đất cùng với hệ thống trinh sát dùng để thu thập tình báo hoặc triển khai phương tiện lặn không người lái của lực lượng tác chiến đặc biệt".

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo do Nga chế tạo

Thực lực quân sự ngày càng tăng cường của Trung Quốc làm cho Hải quân Đài Loan rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Hải quân Đài Loan đang thực hiện một chương trình chế tạo tàu ngầm mới quy mô lớn, dự tính chế tạo 4 - 8 tàu ngầm trong 20 năm tới. Quan chức Hải quân Đài Loan cho biết, ở Âu-Mỹ, giới trong ngành đã bày tỏ quan tâm.

Bob Nugent cho rằng: "Đối với những nhà hoạch định kế hoạch chiến lược của các vấn đề như muốn ứng phó với sự gia tăng chi tiêu và đối thủ tương lai đầu tư nhiều trang bị và hệ thống hải quân hơn vào chiến trường, tàu ngầm là trang bị chiến lược triệt tiêu quan trọng". Theo Bob Nugent, trong tình hình chi tiêu của Hải quân Trung Quốc vượt tổng số chi tiêu của Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, tàu ngầm có thể vẫn sẽ là chương trình ưu tiên tiếp tục đầu tư của khu vực này.

Bob Nugent thấy được, việc đầu tư đối với một số công nghệ nhân lên sức mạnh gấp bội liên quan đến tàu ngầm đang được tăng tốc, trong đó có phương tiện không người điều khiển. Những công nghệ này có thể giảm lượng sử dụng nhiên liệu và mở rộng phạm vi tác chiến.

Ngày 6 tháng 4 năm 2015, Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên mang tên INS Kalvari
Ngày 6 tháng 4 năm 2015, Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên mang tên INS Kalvari
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)