Bộ trưởng tiêu nhiều tiền của dân nhất trả lời chất vấn chưa đầy đủ

20/11/2014 07:54
PHONG NGUYÊN
(GDVN) - TS Nguyễn Văn Hùng cho rằng Bộ trưởng Thăng trả lời chất vấn còn ngắn gọn, đại biểu còn mong muốn nhiều hơn thế.

Sáng 19/11, Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng xung quanh vấn đề chất lượng công trình, giá công trình, suất công trình, và tham nhũng trong ngành…

Tuy nhiên, khá nhiều người chưa hài lòng về các câu trả lời của Bộ trưởng trong đó có TS Nguyễn Văn Hùng.

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Hùng về vấn đề này.

Ông có bình luận gì về những câu trả lời của Bộ trưởng Thăng trước chất vấn của đại biểu quốc hội?

Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh: TTBC)
Bộ trưởng Đinh La Thăng (Ảnh: TTBC)

Tôi thấy Bộ trưởng trả lời vắn tắt quá, một số chỗ còn chưa đáp ứng mong muốn của đại biểu, cử tri. Cụ thể, khi lấy ví dụ, dẫn chứng, đề nghị Bộ trưởng cần cung cấp công khai các số liệu để thông qua các phương tiện truyền thông nhân dân nắm được tình hình. Từ đó, đại biểu quốc hội mới có căn cứ để phản biện.

Nhìn lại hơn 3 năm qua, ông đánh giá thế nào về những cống hiến của Bộ trưởng Thăng đối với ngành mũi nhọn – giao thông vận tải?

Tôi đánh giá cao cách hành xử của ông Thăng trước các sự cố của ngành. Nhưng tôi mong muốn thấy được nhiều cống hiến thật lớn của Bộ trưởng. Bộ trưởng trảm quân, kỷ luật cấp dưới giúp đánh động những cán bộ yếu kém, giúp họ có trách nhiệm, làm tốt hơn nữa việc được giao. Thế nhưng, ở ngành giao thông có khá nhiều sự cố.

Trước các sự cố đó, ông Thăng đã có phản ứng rất nhanh, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là các giải pháp vẫn mang tính tình thế. Việc này như là hỏng chỗ nào thì trám vá chỗ đó. Đành rằng đã là Bộ trưởng nếu càng làm được nhiều việc cho dân dù là to hay nhỏ thì đều tốt, nhưng Bộ trưởng cần phải có tầm chiến lược hơn.

Mới đây, trao đổi với phóng viên trước khi Quốc hội bước vào phiên chất vấn các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ngồi ở nhà nhiều hơn, chứ không nên chạy ra đường giải quyết mấy vụ việc cụ thể vụn vặt ấy. Tác phong của Bộ trưởng như vậy là rất tốt, nhưng vị trí Bộ trưởng không phải ở chỗ ấy, mà có thể thông qua bộ máy, thông qua cấp phó hay đốc thúc cấp dưới làm. Ông có đồng tình với quan điểm trên không?

Quan điểm trên cũng có phần đúng. Bởi làm tư lệnh thì cần truy được tận gốc nguyên nhân của vấn đề và giải quyết triệt để nó. Có thể nói Bộ Giao thông vận tải hiện đang là một trong số những Bộ tiêu nhiều tiền ngân sách nhất, và Bộ cần có chiến lược phát triển lâu dài.

Ví như, nếu xảy ra sự cố, hoặc trước các vấn đề lớn, cần có chiến lược cụ thể, lâu dài, toàn diện. Chẳng hạn, chuyện đường bị xe cày nát, nguyên do là bởi xe quá tải. Vậy thì phải giải quyết xe quá tải như đang làm và còn phải điều chỉnh cả chính sách cho phù hợp nữa.

Tuy nhiên, không vì thế mà quên đi nguyên nhân lớn, đó là chất lượng thi công đường có chỗ còn chưa tốt. Điều này cũng phải chấn chỉnh bằng các biện pháp mạnh.

Trong lần lấy phiếu tín nhiệm lần 2 hôm 15/11, Bộ trưởng Đinh La Thăng có bước nhảy vọt về mức độ tín nhiệm so với lần lấy phiếu đầu tiên. Cụ thể, ông Đinh La Thăng nhận được 362 phiếu tín nhiệm cao và chỉ có 28 phiếu tín nhiệm thấp. Theo ông điều này có ý nghĩa gì nhất là khi so sánh với số phiếu tín nhiệm của tư lệnh các ngành như giáo dục, y tế?

TS Nguyễn Văn Hùng
TS Nguyễn Văn Hùng

Không thể lấy số phiếu tín nhiệm đó để mà đem so sánh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải với Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo hay Bộ trưởng Bộ Y tế được bởi như thế là không thỏa đáng. Mỗi tư lệnh ngành ở một hoàn cảnh khác nhau, lãnh đạo, điều chỉnh các đối tượng khác nhau, tính phức tạp, đa dạng của các nhiệm vụ mà họ đảm nhiệm cũng khác nhau sao có thể đem ra so sánh?

Với ngành giao thông, khi công trình bị hư hỏng hay dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Thăng hoàn toàn có thể “trảm quân”, cách chức. Người dân thấy một số việc ông ấy làm có hiệu quả thì hết sức ủng hộ, yêu mến chứ giới chuyên môn, một số người như tôi lại nghĩ khác.

Vào giữa năm nay, trong chuyến thị sát các công trường cầu đường phía Nam, tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua tỉnh Đồng Nai chiều 23/7, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lập tức điện thoại xử lý mặt bằng thi công, giúp dự án vượt tiến độ, tiết kiệm 20 tỷ đồng. Trước đó, vào cuối năm 2013, qua việc thanh kiểm tra đường ở Quảng Nam rộng mênh mông mà không có ai đi, Bộ trưởng Thăng đã cho rà soát lại, giảm thiểu quy mô thiết kế, tiết kiệm được 35.000 tỷ đồng. Ông nghĩ sao về cách “chi tiêu” của ông Thăng?

Việc này rất tích cực và đáng chú ý ở góc độ giải uyết nhanh và có hiệu quả. Tất nhiên, khi cắt bớt một số hạng mục thì tiền đầu tư cho dự án đó sẽ bớt đi, nhưng thực ra đó chưa phải là điều tôi mong đợi. Bộ trưởng phải có chế tài quy trách nhiệm cho người đứng đầu khi công trình xảy ra hư hỏng, nhất là khi xảy ra tai nạn.

Vậy theo ông, với cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng nên làm gì?

Trước hết, ông Thăng phải tính toán làm sao sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn ngân sách của nhà nước, tiền thuế của người dân. Muốn vậy, ông ấy phải có tầm nhìn chiến lược. Có thể xem giao thông là mạch máu chính trong một cơ thể. Nếu máu lưu thông tốt thì người đó mới khỏe mạnh. Do vậy, Bộ trưởng Thăng cần tăng tính cạnh tranh của ngành giao thông, làm sao để các tiêu chí mà ngành đặt ra phải đạt được.

Xin cảm ơn ông!

PHONG NGUYÊN