"Bộ trưởng Bộ GTVT không có quyền bán trụ sở"

16/05/2012 06:37
Thảo Mai
(GDVN) - Ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định: "Bộ trưởng Thăng chỉ có vài trò đề nghị nếu như việc mua bán trụ sở cũ được thực hiện. Và tôi cũng khuyên bộ trưởng không nên tiến hành bán trụ sở cũ".

Ngày 10/5 vừa qua, trong một thông cáo phát đi, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, việc di dời trụ sở mới của Bộ được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử về các khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 2469 ngày 29.12.2011, đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) theo giá thị trường.

Việc chuyển nhượng này phải đảm bảo nguyên tắc giá trị mua trụ sở mới không lớn hơn giá trị bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại số 80 Trần Hưng Đạo.

TS. Phạm Sỹ Liêm.
TS. Phạm Sỹ Liêm.

Về vấn đề này, Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Về những đề án được Bộ GTVT công bố trong thời gian gần đây, ông Liêm cho rằng đó là dấu hiệu minh bạch đáng mừng của một cơ quan công quyền ở Việt Nam. Và các Bộ, ngành khác cũng nên công khai các kế hoạch của Bộ, ngành mình giống như cách làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng để toàn dân có thể tham gia góp ý, bàn bạc.

Ông Liêm cho rằng: Việc Bộ GTVT có cần thiết phải di dời trụ sở làm việc không, không cần bàn tới. Bởi vì nhìn chung trụ sở làm việc của các Bộ, ban ngành ở nước ta còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu. Và hiện nay, Chính phủ dự kiến tập hợp các trụ sở Bộ, ban ngành về 2 đầu mối là Mỹ Đình và Tây Hồ Tây. Thực tế đã có một vài Bộ đã chuyển về hai nơi này. Đó là một quy hoạch rất đáng hoan nghênh.

Nhất là khi đất nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thì việc đầu tư trụ sở làm việc cho các Bộ ban ngành là điều hết sức nên làm. Tuy nhiên, việc di dời, mua mới, chuyển nhượng trụ sở cũ của Bộ GTVT nên được bàn bạc lại.

Theo điều 13, quy định về việc đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc của Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 chỉ rõ: “Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cần đảm bảo những yêu cầu sau: Phù hợp với quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng; Phù hợp với chức năng nhiệm vụ tổ chức của bộ máy….

Điều này có nghĩa là việc Bộ nào nằm ở đâu không thể tự ý  tùy tiện quyết định, mà phải theo quy hoạch chung. Theo luật thì nhà nước giao ngân sách để đầu tư mua sắm tài sản của các Bộ, ban ngành bằng tiền ngân sách này. Do đó, khẳng định trụ sở không phải tài sản của Bộ mà là sở hữu công. Mà đã là tài sản công thì không Bộ, ban ngành nào được phép bán. Nếu trong trường hợp xảy ra chuyện mua bán thì người quyết định bán hay không cũng chưa phải ông Bộ trưởng Bộ GTVT.

Điều này được nêu rõ trong Luật về Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Cụ thể, Điều 23 về việc bán chỉ định tài sản nhà nước quy định: “Việc xác định giá bán chỉ định tài sản nhà nước thực hiện như sau: Đối với tài sản là trụ sở làm việc, tài sản khác gắn liền với đất bao gồm cả quyền sử dụng đất, cơ quan nhà nước có tài sản bán thuê tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá xác định giá tài sản, gửi Sở Tài chính (nơi có tài sản).

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng thẩm định giá để xem xét, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá bán. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện thẩm định giá thì Hội đồng thẩm định giá xác định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá bán”.

Do đó, có thể hiểu là Bộ trưởng Bộ GTVT không có quyền bán trụ sở làm việc, mà chỉ có thể đóng vai trò đề nghị. Bộ trưởng Bộ Tài chính mới là người chủ trì việc bán này.

Việc Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ GTVT được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, Q.Hoàn Kiếm (TP.Hà Nội) theo giá thị trường đơn giản là “bật đèn xanh” cho Bộ GTVT. Còn việc Bộ xử lý như thế nào vẫn phải áp dụng đúng Luật.

Theo ông Liêm, khi di chuyển, Bộ GTVT nên giao lại trụ sở này cho UBND thành phố Hà Nội.Và Hà Nội lại có trách nhiệm đưa đất cho xây dựng làm trụ sở mới. Và việc sử dụng trụ ở này vào việc gì sẽ áp theo quy hoạch của Hà Nội.

"Hiện nay, giá mua bán bất động sản bao gồm 2 giá là giá quy định và giá thị trường. Hai giá này chênh lệch nhau hàng chục lần. Do đó, nếu xảy ra việc bán, thì cần phải minh bạch tối đa. Tuy nhiên, tôi khuyên Bộ GTVT không nên tiến hành bán trụ sở cũ".

Thảo Mai