Bộ Giáo dục cần phải làm cho minh bạch chuyện đấu thầu giấy in sách giáo khoa

29/09/2021 07:02
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Ngô Văn Sửu đặt câu hỏi: Vì sao lại có những doanh nghiệp muốn tham gia vào đấu thầu lại không được tham gia. Có điều gì khuất tất ở đây không?

Việc giá sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tăng so với những năm trước đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Một trong những nguyên nhân khiến sách giáo khoa tăng giá được cho là do thị trường của vật tư giấy in hàng năm hầu như đều tăng, riêng giấy để in sách giáo khoa năm học 2019-2020 đã tăng so với năm trước bình quân trên 20%...

Ngày 27/9/2021 Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phân tích Bộ cần làm rõ có hay không khuất tất đấu thầu giấy in sách giáo khoa tại NXBGDVN. Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm chính là việc thiếu minh bạch trong việc mời thầu cung cấp vật tư cho Nhà xuất bản giáo dục khi có những doanh nghiệp không thể tham gia chào hàng, đấu thầu cạnh tranh cung cấp giấy in sách giáo khoa.

Bộ sách mà học sinh lớp 1 năm học 2021 - 2020 mà các hầu hết các phụ huynh phải mua. Ảnh: LC

Bộ sách mà học sinh lớp 1 năm học 2021 - 2020 mà các hầu hết các phụ huynh phải mua. Ảnh: LC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tỏ ra ngạc nhiên khi một doanh nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có thể để giá sách giáo khoa tăng trong hoàn cảnh COVID -19 khó khăn như vậy.

Theo ông Sửu: “Hiện nay, nước ta đang thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa, đổi mới sách giáo khoa là đổi mới chương trình chứ sao lại đổi mới cả về giá như vậy.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID- 19 người dân đã rất vất vả rồi, sách giáo khoa không giảm giá được thì cũng phải giữ mức độ bình thường. Việc để tăng giá sách giáo khoa trong hoàn cảnh như hiện nay tôi cho rằng không tốt về mặt đạo lý.

Lý do thì họ cũng sẽ có lý do để tăng lên, nhưng các cơ quan chức năng, ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải làm rõ xem những lý do ấy là như thế nào, có hợp lý không.

Nếu trong các lý do là tăng do nguyên liệu đầu vào là giấy in tăng, vậy gì sao hoạt động đấu thầu lại diễn ra để lại những lấn cấn như vậy?

Bản chất của việc đấu thầu là làm sao có được giá thành thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Nên việc đấu thầu làm sao phải khách quan, làm sao phải hạ giá thành xuống và đặc biệt là phải đảm bảo sự minh bạch.

Nếu để có những lấn cấn trong công tác đấu thầu thì các cơ quan ban ngành phải vào cuộc.

Tìm hiểu kỹ, vậy vì sao có chuyện như vậy, cái này phải làm rõ để làm giảm giá thành sách giáo khoa xuống. Nhiều khi sách giáo khoa lại đội giá lên vì do cách đấu thầu, chỉ định thầu… lại làm cho tăng giá lên.

Vì sao lại có những doanh nghiệp muốn tham gia vào đấu thầu lại không được tham gia. Có điều gì khuất tất ở đây không?

Do vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo phải vào cuộc làm rõ việc này. Xem là thực hư ra sao, có kết luận cho chính xác. Cần có tiếng nói quản lý của ngành cho chính xác", nguyên Vụ trưởng Vụ 1 nêu quan điểm.

Ông Ngô Văn Sửu cũng cho rằng: "Tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, dân cũng khổ lắm rồi, nhiều cháu không có cả thiết bị để học tập, các cháu còn mỗi sách giáo khoa là phương tiện duy nhất.

Do vậy, trách nhiệm của nhà xuất bản giáo dục là phải làm sao vừa đảm bảo cho con em nhân dân có được những cuốn sách vừa tốt, vừa đẹp mà giá thành phải hợp lý.

Ngành kinh doanh thì thường có lý do này lý do khác, kinh doanh thì phải nói đến chuyện lợi nhuận. Nhưng lợi nhuận của anh phải như thế nào, vì cái gì, vì lý do gì. Những lý do ấy có xác đáng hay không.

Bên cạnh đó, là lợi nhuận trong hoàn cảnh xã hội chung như thế nào các anh phải xem xét.

Việc này, tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là cơ quan quản lý cần có sự vào cuộc để làm rõ tránh những việc tiêu cực không đáng có”.

Trần Phương