Bi kịch của những đứa trẻ nghiện game

24/06/2020 05:46
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vượt ngục, giết người, cướp của, sống trong ảo game… những bị kịch mà Triệu Quân Sự, Đào Ngọc Hoàng đã và đang đối mặt có là lời cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh?

Những ngày qua, hành trình truy tìm phạm nhân nguy hiểm Triệu Quân Sư đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Các cơ quan chức năng đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau để tìm Triệu Quân Sự, kẻ 2 lần trối trại giam của Bộ Quốc phòng, mang án chung thân về tội giết người…

Có thể thấy Triệu Quân Sự là một phạm nhân nguy hiểm.

Thế nhưng, hoàn cảnh Triệu Quân Sự bị bắt khiến ai cũng thấy bất ngờ. Không phải kịch bản “như phim” là cuộc rượt đuổi, trốn chạy… mà là ngay trong quán game.

Và đây là lần thứ 2, Triệu Quân Sự bị bắt trong quán game.

Trước khi bị bắt, Triệu Quân Sự đã chơi game ròng rã 4 ngày trong một quán game ngay tại Thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cách nơi bị vây bắt chỉ vài chục km. Sự chơi, ăn ngủ ngay tại quán.

Theo lý lịch, Sự là người học giỏi nhưng vì mê các trò chơi điện tử trên mạng nên học chưa hết lớp 10, anh ta đã nghỉ học.

Năm 2011, được sự động viên của người thân, Sự khám nghĩa vụ quân sự và trúng tuyển.

Trong thời gian quân ngũ, Sự vẫn không cai được trò chơi điện tử nên nhiều lần bỏ trốn khỏi đơn vị không xin phép để đi chơi. Gã này thường xuyên trộm đồ quân tư trang của đồng đội đem bán lấy tiền tiêu xài.

Sau lần lấy trộm 9 chiếc điện thoại di động của đồng đội rồi bỏ trốn khỏi đơn vị bán lấy tiền tiêu xài, Sự đào ngũ, chuẩn bị 1 con dao mang theo người với ý định giết người, cướp tài sản để lấy tiền chơi game.

Tại Hà Nội, Triệu Quân Sự đã ra tay sát hại chị Phạm Thị Xuân Hoa (49 tuổi), chủ quán cà phê Hương Sen để cướp chiếc nhẫn vàng trị giá 3 chỉ, đôi hoa tai và 2 máy điện thoại di động cùng 250.000 đồng của nạn nhân rồi tẩu thoát.

Đối tượng sau đó bị bắt, bị kết án tù chung thân với các tội danh giết người, cướp tài sản, đào ngũ.

Trong thời gian thụ án tại Trại giam T10, Sự đã 2 lần vượt ngục. Lần thứ nhất, vào sáng 8/1/2015, Sự cùng bạn tù dùng vật sắc nhọn cưa song sắt cửa sổ của buồng giam rồi tẩu thoát. Sự bị bắt sau 1 tháng bỏ trốn và tiếp tục thụ án tại Trại giam T10.

Mới đây nhất, vào khoảng 15 giờ chiều 3/6, Triệu Quân Sự tiếp tục trèo qua tường rào kẽm gai tại khu giam của Trại giam T10 trốn thoát. (1)

Và cuối cùng, Sự bị bắt khi đang cày game nhiều ngày liền.

Triệu Quân Sự khi bị bắt. Ảnh: Chụp qua màn hình

Triệu Quân Sự khi bị bắt. Ảnh: Chụp qua màn hình

Khi bị bắt, Triệu Quân Sự hồn nhiên kể lại hành trình trốn của mình ngay trên ghế chơi game và nở một nụ cười đầy ám ảnh.

Có lẽ chính bản thân Triệu Quân Sự lúc này cũng không biết rằng cuộc đời mình lâm vào bi kịch cũng bởi nghiện game.

Đào Ngọc Hoàng, một nam sinh 17 tuổi, học sinh lớp 11 trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu (Nghệ An), tội phạm vừa bị khởi tố tội “Giết người” vì hành vi bắt cóc và làm cháu bé 5 tuổi hàng xóm tử vong.

Bước đầu, Đào Ngọc Hoàng đã khai hành phạm tội xuất phát từ y nghĩ như trong game bắt cóc - giải cứu và Hoàng sẽ được tiền khi tìm ra cháu bé. (?!)

Những hành động ngô nghê nhưng đầy nguy hiểm của Hoàng xuất phát từ nghiện game và chỉ vì suy nghĩ trong lúc "ảo game" vì muốn thế vai “anh hùng” trong trò chơi trên mạng để giải cứu một vụ việc bắt cóc, kẻ này đã đi từ thế giới ảo ra đời thực và hậu quả vô cùng đau đớn.

Hành vi vi phạm pháp luật của Sự, Hoàng sẽ bị trả giá bởi sự nghiêm minh của luật pháp.

Thế nhưng, nhìn lại một chút Triệu Quân Sự, hay Đào Ngọc Hoàng chỉ là những bi kịch về những đứa trẻ đối mặt với bi kịch.

Chúng chỉ là phần nổi của tảng băng “Còn bao nhiêu số phận đang trôi nổi... đang lang thang ở quán net, hút chích và bị lên án.

Những đứa trẻ đã bị người lớn bỏ qua, chúng đã bị thế giới game ảo “bắt cóc” lúc nào không hay.

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Trần Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, nguy cơ về nghiện game online là một nguy cơ có thực và đang bị các bậc cha mẹ, người lớn bỏ qua.

Cũng theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, mà nguyên nhân chính là do nghiện chơi game.

Như Giáo dục Việt Nam đã đưa, tại trường Phổ thông nội trú IVS cũng đã có không ít đứa trẻ bị “ngáo game”, rối loạn nhân cách, bị mê sảng và mất khả năng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Những đứa trẻ được cha mẹ đưa đi “cai nghiện game” vẫn còn cơ hội để trở lại hòa nhập bình thường nhưng với những đứa trẻ bị bỏ lại chúng phải đối diện với những bi kịch mà trong tâm hồn non nớt của chúng không thể chống cự.

Chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Đặng Văn Hùng, một học sinh của trường IVS đã từng nhớ lại những ngày chơi game của mình là những ngày nhìn đâu cũng thấy “chưởng pháp”, bất kể dụng cụ nào cũng là những “vũ khí” trong game và có những siêu năng lực…

Những đứa trẻ bị nghiện game chúng đã quá cô độc trong việc chống lại những thứ độc hại từ game…

Đào Ngọc Hoàng, từ nam sinh lớp 11 đến kẻ nghiện game. Ảnh: PLO

Đào Ngọc Hoàng, từ nam sinh lớp 11 đến kẻ nghiện game. Ảnh: PLO

Tại buổi Tọa đàm nghiện Game Online – Hậu quả khôn lường do báo Tiền phong tổ chức, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân đã chia sẻ:

“Tác hại của game thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Ai dùng ma túy thì ngay lập tức nhìn thấy hậu quả, nhưng game thì khác, đến thời điểm mà xác định nghiện game thì gần như không còn đường lùi.

Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, ăn thua, cay cú, những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên hết cả bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè… điều này cực kỳ nguy hiểm”.(2)

Còn Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 cho rằng: “Nghiện game dẫn đến nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, cơ thể sẽ bị rối loạn chuyển hóa dẫn đến béo phì, thậm chí vô sinh.

Tác hại về tinh thần thì vô cùng khủng khiếp, người chơi game bị giảm trí nhớ, bồn chồn, khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi do cảm giác chiến thắng ảo…”.(3)

Vẫn có những đứa trẻ bị chính cha mẹ của mình “bỏ quên” trong những căn phòng thiếu ánh mặt trời, chúng là những đứa trẻ “trắn ởn”, chỉ say mê những vụ “đánh boss”, “đánh quái”, “đập đồ”…

Và “có bao nhiêu người lớn hiểu được điều đó để mà không dán nhãn “lười” và “vô trách nhiệm” lên họ?

Câu chuyện của Triệu quân Sự, Đào Ngọc Hoàng trong những ngày vừa qua sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc cha mẹ học sinh.

Các bậc cha mẹ cần giật mình nhìn lại những đứa con trong phòng tối của mình, đừng để chúng bước vào con đường xấu xí, lang thang vô định, không bước những bước chân xấu xí của Sự, của Hoàng….

Tài liệu tham khảo:

(1) http://antg.cand.com.vn/Vu-an-noi-tieng/Hau-qua-dau-long-cua-ao-giac-tu-nghien-game-599199/

(2) (3) https://vnexpress.net/chuyen-gia-nghien-game-online-tac-hai-nhu-nghien-ma-tuy-4116393.html

Trần Phương