Báo TQ: Bộ trưởng QP Nhật sẽ khảo sát các cơ sở của Hải quân Việt Nam

15/09/2013 07:00
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản đang xây dựng Chiến lược an ninh quốc gia mới và Đại cương phòng vệ mới, dựa trên hợp tác quốc tế, thực sự gây lo ngại cho Trung Quốc.


Sáng ngày 27 tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản đến Djibouti, miền đông châu Phi thị sát cơ sở của Lực lượng Phòng vệ làm nhiệm vụ tấn công cướp biển ở vùng biển Somalia
Sáng ngày 27 tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản đến Djibouti, miền đông châu Phi thị sát cơ sở của Lực lượng Phòng vệ làm nhiệm vụ tấn công cướp biển ở vùng biển Somalia

Xây dựng chiến lược an ninh quốc gia mới

Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong mấy ngày gần đây, ngày 12 tháng 9, tại dinh thự của mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tổ chức hội nghị lần đầu tiên của Tọa đàm chuyên gia (Hội thảo chuyên đề) nhằm xây dựng Chiến lược an ninh quốc gia, yêu cầu phải xuất phát từ lập trường "chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên sự phối hợp quốc tế", thảo luận chiến lược “sẽ trở thành phương châm chỉ đạo an ninh quốc gia và ngoại giao mang tính tổng hợp” này của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đưa ra chiến lược này trong năm nay dựa trên cơ sở các cuộc thảo luận của Tọa đàm, đồng thời phản ánh nó vào "Đại cương phòng vệ mới" được tổng hợp vào cuối năm nay.

Theo báo Trung Quốc, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản thiếu chiến lược an ninh quốc gia và ngoại giao tổng thể. Tại hội nghị, ông Shinzo Abe nhấn mạnh: "Thông qua cùng tiến hành thảo luận về chiến lược này và đại cương phòng vệ, có thể có lợi cho chuyển hướng chính sách an ninh quốc gia mang tính tổng hợp hơn".

Ông Abe cho biết: "Nhật Bản sẽ xuất phát từ lập trường chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên sự phối hợp quốc tế, tiếp tục tham gia vào bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới". Điều này được tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc cho là Nhật Bản đang tích cực hành động nhằm đối phó với hoạt động trên biển ngày càng hung hăng của Trung Quốc cũng như tình hình Triều Tiên.

Thủ tướng Shinzo Abe ngồi trên máy bay chiến đấu
Thủ tướng Shinzo Abe ngồi trên máy bay chiến đấu

Chủ tịch Hội thảo chuyên đề, Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Nhật Bản, ông Shinichi Kitaoka cho biết, hội nghị sẽ còn thảo luận vấn đề cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể, "khẳng định với trong và ngoài nước về chính sách an ninh và sự hiểu biết sâu sắc hơn của Nhật Bản, điều này rất quan trọng".

Các vấn đề như tuyến đường hàng hải vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Nhật Bản, tấn công tin tặc máy tính và tấn công khủng bố cũng đã trở thành nội dung thảo luận của hội nghị.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Ngoại trưởng Fumio Kishida, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, Chánh Văn phòng nội các Yoshihide Suga cũng tham dự hội nghị. Trước đó, ông Shinzo Abe cũng yêu cầu Chánh văn phòng nội các, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tiến hành phối hợp xây dựng Chiến lược an ninh quốc gia.

Theo hãng Kyodo, sau thảo luận của Hội thảo chuyên đề, chiến lược an ninh quốc gia nhanh nhất sẽ được đưa ra trong năm nay. Thành viên của Hội thảo có tổng cộng 8 người, trong đó có Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Nhật Bản Shinichi Kitaoka, cựu Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Ryoichi Oriki.

Tăng cường hợp tác hàng hải với các nước

Ngoài hội nghị trên, theo tờ "Phương Đông buổi sáng" Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera sẽ thăm Việt Nam và Thái Lan từ ngày 15 tháng 9, dự kiến sẽ hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Khi đó, ông Itsunori Onodera sẽ đề nghị triển khai hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Bộ trưởng Itsunori Onodera cũng sẽ khảo sát các cơ sở của Hải quân Việt Nam.

Ngày 12 tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thị sát Lực lượng Phòng vệ.
Ngày 12 tháng 9 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thị sát Lực lượng Phòng vệ.

Mới đây, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã tham dự hội nghị "Ủy ban hợp tác Nhật-Việt" lần thứ 5 tổ chức tại Tokyo. Nhật Bản sẽ cung cấp khoản vay 54 tỷ yên (khoảng 3,3 tỷ nhân dân tệ) để Việt Nam xây dựng hạ tầng cơ sở.

Báo Trung Quốc luôn miệng tuyên truyền rằng truyền thông Nhật Bản coi những hành động trên của Nhật Bản là nhằm tăng cường hợp tác Nhật-Việt, từ đó "kiềm chế" Trung Quốc.

Tại Tokyo, Nhật Bản và các nước ASEAN cũng vừa thảo luận về đối sách đối với các cuộc tấn công mạng. Trước đó, Trung Quốc cũng vừa cùng với các nước ASEAN tổ chức hội thảo an ninh mạng - diễn đàn khu vực ASEAN năm 2013.

Chính sách an ninh phải sát thực tế

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 13 tháng 9 cũng đăng bài viết cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe sáng ngày 12 tháng 9 đã đến thị sát Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Tại đây, ông nhấn mạnh: “Sẽ tiếp tục tìm kiếm vị thế quốc gia phù hợp với tình hình quốc tế trong thế kỷ 21”, cho biết sẽ tích cực thảo luận vấn đề cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể.

Về việc thiết lập Ủy ban an ninh quốc gia (NSC) hoạch định thống nhất chính sách ngoại giao và an ninh, ông Shinzo Abe cho biết: “Sẽ xuất phát từ lợi ích lâu dài của quốc gia, xây dựng chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia để tiếp tục bảo đảm an ninh quốc gia”.

Ngày 12 tháng 9 năm 2013, ông Shinzo Abe nói chuyện với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Ngày 12 tháng 9 năm 2013, ông Shinzo Abe nói chuyện với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Ông đồng thời cho biết: “Sẽ hợp tác với các nước có quan niệm giá trị chung về pháp trị và tự do hàng hải, tăng cường quan hệ về an ninh”. Điều này được báo “Nhân Dân” Trung Quốc cho là “mũi dùi ngầm chỉ Trung Quốc”.

Đối với các động thái của Trung Quốc và vấn đề phát triển tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, ông Shinzo Abe cho biết “sẽ thúc đẩy cải cách thể chế bảo đảm an ninh thiết thực, trực diện. Không thể dựa trên chủ trương thoát ly hiện thực, khiến cho binh sĩ phòng vệ ở tuyến 1 phải gánh chịu hậu quả không tốt”.

Sau phát biểu của ông Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, sẽ tổ chức hội nghị Ủy ban tham vấn an ninh (2+2) trong thời gian tới, thành phần gồm các quan chức cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước Nhật-Mỹ. Ông nói: “Sẽ nâng quan hệ hợp tác quốc phòng lên giai đoạn mới, tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương tăng cường vị thế quốc gia của Nhật Bản trên trường quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước kiềm chế Trung Quốc, tăng cường năng lực phòng vệ hướng tây nam...
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chủ trương tăng cường vị thế quốc gia của Nhật Bản trên trường quốc tế, tăng cường hợp tác với các nước kiềm chế Trung Quốc, tăng cường năng lực phòng vệ hướng tây nam...

Trung Quốc lo ngại

Phản ứng về chủ trương thực hiện quyền tự vệ tập thể, tăng cường vị thế quốc tế và xây dựng chiến lược an ninh quốc gia dựa vào tư tưởng “chủ nghĩa hòa bình tích cực”, phản ánh vào “Đại cương phòng vệ mới”, ngày 13 tháng 9, người phát ngôn Bộ Quốc giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng:

“Do nguyên nhân lịch sử, phương hướng phát triển chính trị và an ninh của Nhật Bản luôn được các nước láng giềng châu Á chú ý rất lớn. Chúng tôi hy vọng Nhật Bản đi theo con đường phát triển hòa bình, lấy lịch sử làm bài học, tôn trọng mối quan tâm của các nước trong khu vực, làm nhiều việc có lợi cho hòa bình và ổn định của khu vực này.

(Nhật Bản) không nên gây ra và thổi phồng căng thẳng, tạo cớ tăng cường vũ khí trang bị, điều chỉnh chính sách quân sự”.- Hồng Lỗi tuyên bố thay mặt BNG Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo ngày 13 tháng 9 năm 2013, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ lo ngại Nhật Bản tăng cường vũ khí trang bị và hợp tác quốc tế... gây khó khăn cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông.
Tại cuộc họp báo ngày 13 tháng 9 năm 2013, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ lo ngại Nhật Bản tăng cường vũ khí trang bị và hợp tác quốc tế... gây khó khăn cho đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, Biển Đông.
Đông Bình