Báo Thái: Trung Quốc chưa quá hung hăng ở Biển Đông, Malaysia chưa thay đổi

16/01/2015 13:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhiều khả năng Malaysia sẽ tiếp tục giữ thái độ "vừa phải" thay vì quyết liệt tiếp cận giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Tờ Bangkok Post ngày 16/1 đăng bài phân tích của các học giả Benjamin Ho, Bhubhindar Singh và Sarah Teo bình luận, năm nay Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Kuala Lumpur sẽ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, đồng thời quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng rất ít khả năng Malaysia sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Từ một loạt các cuộc phỏng vấn với các viện nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách cấp cao từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam trong 2 tháng qua, nhóm tác giả cho rằng rõ ràng 2 vấn đề chi phối các cuộc thảo luận của ASEAN trong năm Malaysia chủ trì: Một là tranh chấp Biển Đông, và hai là vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế và an ninh khu vực.

Malaysia nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN giữa lúc căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, đặc biệt kể từ sau khi Trung Quốc đơn phương hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng Năm năm ngoái. Là một trong những nước có yêu sách ở Biển Đông lại quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Malaysia có vẻ là quốc gia phù hợp nhất để thúc đẩy tiến trình đàm phán COC, thúc giục Trung Quốc bớt các hành vi hung hăng trên biển.

Mặc dù có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán COC nhưng các cuộc đối thoại ở Đông Nam Á cho thấy nhiều khả năng Malaysia sẽ tiếp tục giữ thái độ "vừa phải" thay vì quyết liệt tiếp cận giải quyết tranh chấp Biển Đông, ít khả năng Kuala Lumpur có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh về Biển Đông.

Hơn nữa lâu nay Trung Quốc chưa được coi là quá hung hăng với Malaysia trong tranh chấp lãnh hải, do đó Kuala Lumpur dự kiến sẽ tiếp tục quản lý tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc qua kênh song phương chứ không quốc tế hóa vấn đề này như Philippines và Việt Nam lựa chọn, nhóm học giả lưu ý.

Malaysia sẽ vừa hỗ trợ sự đoàn kết của ASEAN, nhưng Kuala Lumpur sẽ không kích động một cuộc đối đầu với Trung Quốc, thay vào đó Malaysia sẽ tìm cách cung cấp các sáng kiến và diễn đàn chính thức tạo điều kiện đối thoại giữa tất cả các bên liên quan. Bằng cách này Malaysia sẽ tiếp tục duy trì quan hệ thân thiện với Trung Quốc ngay cả khi bảo vệ đoàn kết thống nhất trong ASEAN.

Các viện nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách được phỏng vấn hầu hết cũng đồng ý rằng tranh chấp Biển Đông cuối cùng phụ thuộc vào thái độ của Trung Quốc, các nước ASEAN sẽ phản ứng theo hành động của Bắc Kinh. Hầu hết mọi người tỏ ra nghi ngờ về khả năng đạt được tiến bộ COC trong năm nay bởi Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn trong nhiều năm. Malaysia càng không dám gây áp lực lên Trung Quốc dù các nước ASEAN khác thúc giục.

Hồng Thủy