Báo Thái: Myanmar không có lý do gì ngồi nhìn căng thẳng Trung-Việt

03/06/2014 07:32
Hồng Thủy
(GDVN) - Nếu ASEAN muốn chứng minh sự liên quan của mình với an ninh khu vực, nó cần phải chớp lấy cơ hội vàng này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi ASEAN lên án hành vi khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng trước. Ảnh: nhandan.com.vn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi ASEAN lên án hành vi khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng trước. Ảnh: nhandan.com.vn

Tờ The Nation của Thái Lan ngày 3/6 bình luận, Bangkok đang quá bận rộn với vấn đề nội bộ của mình khó hoàn thành vai trò trung gian giữa ASEAN và Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi căng thẳng đang leo thang gần đây với cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Việt Nam (thực tế là Trung Quốc kéo giàn khoan hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và có nhiều hành động gây hấn - PV). Nhưng Myanmar hiên đang là Chủ tịch ASEAN thì không có lý do gì để khoanh tay ngồi nhìn.

The Nation bình luận, Trung Quốc và Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng (Bắc Kinh) đã không chịu xuống thang khiêu khích trên biển, cho đến nay (Trung Quốc) vẫn không sẵn sàng nói chuyện.

Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về tình hình này, nhưng lại thiếu bất kỳ hành động quyết định nào để giảm nhiệt căng thẳng. 

Xung đột ở Biển Đông đã có lịch sử khá lâu dài và làn sóng tranh chấp lại quay trở lại khi gã khổng lồ Trung Quốc đòi yêu sách "chủ quyền" với khoảng 100 đảo nhỏ và các rặng san hô (chủ yếu bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - PV) mà các nước ven Biển Đông tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Đông Nam Á đã nhiều lần đau đầu vì Biển Đông. Chỉ một thời gian ngắn trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Nay Pyi Taw, Myanmar tháng trước, Trung Quốc đã kéo giàn khoan và "hạm đội" tàu hộ tống hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam đã điều động tàu thuyền công vụ ra ngăn cản, các cuộc đụng độ hàng ngày giữa 2 nước đã trở thành đề tài nóng khiến cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.

Tàu Trung Quốc liều lĩnh phụt vòi rồng công suất lớn và đâm vào mạn tàu công vụ Việt Nam đang chấp pháp tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.
Tàu Trung Quốc liều lĩnh phụt vòi rồng công suất lớn và đâm vào mạn tàu công vụ Việt Nam đang chấp pháp tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tuần trước khi Việt Nam tố cáo Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng biển gần gian khoan 981 (hạ đặt trái phép). Bắc Kinh đã phủ nhận (chối bay chối biến) hành động này và còn vu cáo cho Việt Nam là "khiêu khích".

Trước phản ứng của Việt Nam, đặc biệt là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình, bao gồm cả pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, The Nation bình luận, tìm kiếm một giải pháp qua tài phán quốc tế sẽ mất thời gian và không ai biết điều gì sẽ xảy ra.

Đây là lúc ASEAN cần vào cuộc, bằng cách đưa tất cả các bên ngồi lại tìm ra tiếng nói chung. Động thái này có thể không kết thúc được các tranh chấp nhưng nó sẽ không khuyến khích các hành động đơn phương có thể kích động bạo lực hơn.

Tất nhiên ASEAN có thể không thực sự được coi là một "trung gian trung thực" trong tranh chấp giữa các thành viên của mình với một thế lực bên ngoài, nhưng khối có nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ trong khả năng của mình với khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc. Nếu ASEAN muốn chứng minh sự liên quan của mình với an ninh khu vực, nó cần phải chớp lấy cơ hội vàng này.

Theo dõi toàn cảnh tranh chấp Biển Đông, các hành vi gây hấn của Trung Quốc và phân tích, bình luận TẠI ĐÂY.

Hồng Thủy