Báo Mỹ tiếp tục bàn về điểm yếu của Quân đội Trung Quốc

12/04/2015 05:43
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
(GDVN) - Trung Quốc có thể tận dụng tuyên truyền điểm yếu của phương Tây để xóa bỏ lo ngại của láng giềng, từ đó hỗ trợ cho tuyên truyền "trỗi dậy hòa bình".
Hình ảnh minh họa trên trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ
Hình ảnh minh họa trên trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 11 tháng 4 dẫn trang mạng "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 9 tháng 4 đăng bài viết "Quân đội Trung Quốc rốt cuộc mạnh thế nào?" của tác giả Joyce Dong.

Bài viết cho rằng, một số ấn phẩm gần đây như báo cáo "Sự chuyển đổi quân sự không triệt để của Trung Quốc: Đánh giá điểm yếu của Quân đội Trung Quốc" của Công ty RAND và bài viết "10 lý do Trung Quốc khó mà đánh chiến tranh hiện đại" của Dennis Blasco đều cho thấy, họ đã có sự thay đổi quan trọng về quan điểm so với cách nói thường gặp - cho rằng sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc dẫn tới Quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và hiếu chiến.

Theo bài viết, mặc dù ngân sách quân sự của Quân đội Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 2 con số, nhưng những báo cáo này cho rằng, "mối đe dọa Trung Quốc" bị thổi phồng quá mức. Quân đội Trung Quốc tồn tại khuyết điểm và nhược điểm về chế độ, bao gồm thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp có kinh nghiệm tác chiến phong phú, tham nhũng tiêu cực lan tràn và sự phát triển của hạ sĩ quan không đủ. Kết quả là, Quân đội Trung Quốc sẽ đối mặt với khó khăn "khi tiến hành chiến tranh hiện đại với kẻ thù tiên tiến".

Theo bài viết, được Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung trao quyền, báo cáo của Công ty RAND nhằm giúp cho Mỹ "hiểu tốt hơn Quân đội Trung Quốc tại sao chưa thể thực hiện nguyện vọng", để cho "các nhà quy hoạch và quyết sách Mỹ ứng phó có hiệu quả hơn với thách thức từ sự chuyển đổi quân sự đáng kinh ngạc nhưng không triệt để của Trung Quốc".

Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đối kháng tàu ngầm (ảnh tư liệu)
Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đối kháng tàu ngầm (ảnh tư liệu)

Mặt khác, bài viết của Dennis Blasco nhằm nhấn mạnh 10 thách thức lớn do bản thân sĩ quan chỉ huy Quân đội Trung Quốc chỉ ra, những thách thức này "đã đặt ra nghi ngờ to lớn đối với năng lực tiến hành chiến tranh hiện đại của Quân đội Trung Quốc trước các đối thủ tiên tiến hiện nay". Mặc dù độc giả chính của 2 báo cáo đều là người Mỹ, nhưng ít nhất điều gây chú ý là, Trung Quốc sẽ phán đoán thế nào về kết luận của báo cáo.

Động cơ phía sau nhấn mạnh điểm yếu của Quân đội Trung Quốc

Theo bài báo, đến nay, Trung Quốc phản ứng có hạn. Quân đội Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng chính thức nào, nhưng nhà nghiên cứu Trương Quân Xã của Viện nghiên cứu học thuật quân sự hải quân Trung Quốc đã thẳng thừng phê phán 2 báo cáo này. Trương Quân Xã phê phán từ 3 góc độ gồm: căn cứ, mục đích và mục tiêu chính trị của báo cáo.

Trương Quân Xã đã bày tỏ nghi ngờ về nguồn tài liệu của báo cáo, từ đó nghi ngờ kết luận rằng báo cáo đã thổi phồng nhược điểm của Quân đội Trung Quốc. Trương Quân Xã còn tiến hành phê phán đối với cá nhân Dennis Blasco, ám chỉ Blasco muốn Quân đội Trung Quốc phi chính trị hóa. Cuối cùng, Trương Quân Xã cho rằng, phương Tây phê phán Quân đội Trung Quốc có động cơ mờ ám và mục đích chính trị...

Theo Trương Quân Xã,  khi muốn xin ngân sách quân sự, phương Tây "thổi phồng ưu thế trang bị và năng lực tác chiến của Trung Quốc", nhưng khi muốn ủng hộ đồng minh và phô trương thực lực quân sự của mình, phương Tây lại hạ thấp sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Ngày 26 tháng 7 năm 2013, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Ngày 26 tháng 7 năm 2013, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Do ảnh hưởng của báo cáo trong nội bộ Trung Quốc, phản ứng của Trương Quân Xã rất có thể vừa nhằm vào độc giả trong nước vừa nhằm vào độc giả phương Tây. Những báo cáo này cho thấy, Quân đội Trung Quốc có khoảng cách rất xa so với giấc mơ “quân đội mạnh” có năng lực đánh thắng chiến tranh do Tập Cận Bình đưa ra.

Tập Cận Bình không chỉ yêu cần xây dựng quân đội hiện đại, mà còn muốn Quân đội Trung Quốc có năng lực "có thể đánh trận, đánh thắng trận".

Báo cáo của Công ty RAND còn đưa ra nghi ngờ về khả năng thực hiện sứ mệnh cốt lõi của Quân đội Trung Quốc và khả năng thực hiện "sứ mệnh lịch sử mới" do cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đưa ra. Sứ mệnh lịch sử mới nhấn mạnh bảo vệ cơ hội chiến lược quan trọng phát triển của Trung Quốc, phát triển lợi ích quốc gia, bảo vệ hòa bình thế giới.

Bài viết cho rằng, trên thực tế, những sứ mệnh lịch sử này đã thể hiện mong muốn của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Quân đội Trung Quốc và mục tiêu đặt ra của họ, chứ không phải đánh giá hiện nay đối với năng lực thực hiện mục tiêu của Quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo của Công ty  RAND nhấn mạnh, cơ cấu của Quân đội Trung Quốc tồn tại hạn chế, khó có thể thực hiện những mục tiêu này, có khả năng đánh mất uy tín trong lòng nhân dân Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc quan tâm tới khuyết điểm của mình là một chuyện, nhưng phương Tây coi trọng chỉ ra những khuyết điểm này hoàn toàn là một chuyện khác.

Gây ảnh hưởng mâu thuẫn lẫn nhau

Bài viết cho rằng, tuy nhiên, báo cáo có thể đã vô tình mang lại một số lợi ích cho Trung Quốc. Những báo cáo này và quan điểm tuyên truyền có thể làm giảm sự lo ngại của phương Tây đối với "mối đe dọa Trung Quốc", theo đó, Trung Quốc sẽ được lợi. Các nước láng giềng trong khu vực có thể sẽ giảm bớt mức độ lo ngại đối với năng lực quân sự và năng lực tác chiến của Trung Quốc. Báo cáo còn có thể thúc đẩy Quân đội Trung Quốc gia tăng mức độ cải cách, giải quyết những lĩnh vực còn tồn tại khuyết điểm này (nhưng không có nhiều khả năng công khai thừa nhận).

Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo
Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo

Báo cáo của Công ty RAND và bài viết của Dennis Blasco vì vậy sẽ sinh ra ảnh hưởng mâu thuẫn lẫn nhau đối với Trung Quốc. Công khai tiết lộ nhược điểm của Quân đội Trung Quốc làm tổn hại uy tín của Quân đội Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng điều này cũng có thể gián tiếp hỗ trợ những nỗ lực tô son cho hình tượng quốc gia “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Báo cáo có thể đã làm bộc lộ Quân đội Trung Quốc từ góc độ mặt trái/tiêu cực, nhưng nếu như Trung Quốc có thể tận dụng loại phê phán này và xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, loại bỏ lo ngại của các nước láng giềng đối với năng lực quân sự của họ và nâng cao năng lực tự thân, Trung Quốc sẽ thông qua sự thay đổi này trong cách nhìn nhận của công chúng để chờ đợi thời cơ, phát triển năng lực tự thân.

Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)