Bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn

30/11/2017 09:49
Lại Cường
(GDVN) - Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Quỹ bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công dự hội thảo quốc tế với chủ đề “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam và Bộ Lao động thương binh và Xã hội tổ chức.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Tuy nhiên, diện bao phủ bảo hiểm xã hội  còn ở mức thấp so với các nước; Quỹ bảo hiểm xã hội  vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn; các chế độ bảo hiểm xã hội  còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội còn chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động….

Phó Thủ tướng mong muốn Hội thảo sẽ đánh giá thực trạng hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam hiện nay, cả mặt được và mặt còn tồn tại, hạn chế; tập trung phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém và những kinh nghiệm rút ra trọng quản lý, điều hành, xây dựng và thực hiện chính sách.

“Nhiều nước cải cách bảo hiểm xã hội thành công nhưng cũng nhiều nước thất bại và trở thành gánh nặng lớn cho hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia, kể các các nước đã phát triển thuộc khối OECD.

Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, phân tích cụ thể kinh nghiệm các nước và điều kiện áp dụng để tránh bài học thất bại, áp dụng bài học thành công”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VPCP)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VPCP)

Sau khi lắng nghe các ý kiến, đánh giá cao các đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tóm lược 8 bài học quan trọng trong cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Thứ nhất, chính sách bảo hiểm xã hội phải song hành và đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Đầu tư cho bảo hiểm xã hội là đầu tư cho con người, phát triển bền vững chứ không phải phát triển thuần túy, được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao và sự đồng hành của cả xã hội.

Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị phải coi bảo hiểm xã hội là trụ cột an sinh xã hội nhưng được lồng ghép trong các chương trình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ ba, thực hiện đồng bộ, toàn diện, “trọn gói” các chính sách cải cách bảo hiểm xã hội, liên quan tới các chính sách kinh tế-xã hội khác và thị trường lao động.

Phó Thủ tướng giao Bộ Bộ Lao động thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ các chính sách liên quan tới bảo hiểm xã hội để bảo đảm thực hiện đồng bộ.

Thứ tư, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội song hành với cải cách bộ máy cơ quan thực hiện chính sách là hệ thống quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, bảo đảm lộ trình cải cách bảo hiểm xã hội gắn với khả năng kinh tế và ngân sách nhà nước; tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ rủi ro và bảo đảm bền vững Quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là Quỹ hưu trí.

Bảo hiểm xã hội vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn ảnh 2

Cả nước đang có 57.995 đơn vị sự nghiệp công lập với, 2,45 triệu viên chức

Thứ sáu, muốn mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, phải tập trung phát triển kinh doanh, sản xuất, mở rộng thị trường lao động, “minh bạch hoá” nền kinh tế phi chính thức để tạo ra các quan hệ lao động - quan hệ “đóng-hưởng” bảo hiểm xã hội cùng với sự hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội của nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu, việc này sẽ tạo ra văn hoá đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

Thứ bảy, cải cách bảo hiểm xã hội trên cơ sở kế thừa và phát triển các thành tựu đã có để bảo đảm thực hiện trong thời gian dài, không gây bất ổn xã hội, giải pháp không gây sốc, biện pháp linh hoạt, phân nhóm đối tượng để có chính sách khác nhau.

Thứ 8, tầm nhìn cải cách bảo hiểm xã hội phải là 30-40 năm với độ trễ chính sách dài nhưng phải hành động sớm. Càng cải cách sớm thì càng có dư địa để cải cách.

Trước đề xuất để cơ quan thuế thực hiện chức năng thu bảo hiểm xã hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị bảo hiểm xã hội chỉ nên kết nối với cơ quan thuế chứ không ủy thác hoàn toàn cho cơ quan thuế thực hiện vì tính chất và chính sách hoạt động của các cơ quan là khác nhau.

Phó Thủ tướng cho rằng khi kết hợp được hai bảng lương của doanh nghiệp (một bảng lương để tính thu nhập của người lao động, một bảng lương để tính mức đóng bảo hiểm xã hội) thì sẽ bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người lao động, bảo đảm an toàn Quỹ bảo hiểm xã hội và còn chống được các hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp.

Lại Cường