Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam luôn là người bạn của chúng tôi

21/06/2019 06:29
Phan Tuyết
(GDVN) - Thế nhưng không ít đồng nghiệp đã thổ lộ rằng, bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về mảng giáo dục, tụi em đều tìm đọc hết, đọc không sót bài nào.

Một ngày, bạn nhận được điện thoại hoặc tin nhắn của đồng nghiệp nói rằng: “Nhờ những bài viết đăng trên Báo Điện tử Việt Nam mà trường học nơi em dễ thở rồi ạ?”.

Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân (thứ 3 từ trái sang) tới thăm Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp 21/6 năm 2017. Ảnh TL
Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân (thứ 3 từ trái sang) tới thăm Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp 21/6 năm 2017. Ảnh TL

Bạn sẽ nghĩ gì? Riêng tôi, không thể nói hết những niềm vui ấy.

Vui vì mình đã góp một phần (dù nhỏ) cho môi trường giáo dục đẹp hơn.

Vui vì những đồng nghiệp của mình đã bớt đi phần nào những thiệt thòi, uẩn ức.

Vui vì công lý đã chiến thắng, sự tốt đẹp vẫn còn nhiều trong cuộc sống bộn bề hôm nay.

Vui vì đã gieo vào lòng nhau những niềm tin về cuộc sống.

Và ngày một nhiều hơn những cuộc gọi, những tin nhắn kiểu như thế.

Có nhiều người từng thắc mắc, sao không thấy giáo viên like, share bài mà chính họ vẫn khen hay, khen đúng?

Họ không làm thế vì không dám làm thế dù bản thân rất muốn (nhiều người đã từng thổ lộ như thế).

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy, giáo viên đang yếu thế đến mức nào.

Hôm nay, thầy cô đã đọc Báo Giáo dục chưa?

Thế nhưng không ít đồng nghiệp đã thổ lộ rằng, bài viết nào trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về mảng giáo dục, tụi em đều tìm đọc hết, đọc không sót bài nào.

Tôi hiểu điều này, vì chính tôi vẫn luôn nhận được những cái bắt tay “sau lưng”, những nụ cười ý nhị tán đồng, những lời khuyến khích động viên sau những bài viết có phần gai góc…

Có thầy giáo gửi thư về nói rằng: “Giáo viên là lớp người yếu thế nên thường cô đơn, đơn độc tự chống chọi và tự bảo vệ mình.

Em đang vô cùng chán nản và bất mãn. Bởi, chính mình không dám đứng lên tự bảo vệ mình thì mong gì dạy học sinh lòng quả cảm? Mong gì bảo vệ được ai?

Bởi thế, đọc những bài viết trên báo, em như tìm thấy sự đồng cảm, như có người đang đứng về phía mình. Vì thế, bản thân em cảm thấy được an ủi, được động viên nhiều hơn”.   

Một bạn đọc khác đã thẳng thắn chia sẻ, nói về mảng giáo dục tôi chỉ đọc mỗi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vì có nhiều bài viết hay, chân thực  về giáo dục.

Đặc biệt, có cả phụ huynh đã rất vui mừng vì nhiều bài viết của báo như nói hộ nỗi lòng của họ về chương trình sách giáo khoa, về mô hình dạy học, chuyện lạm thu, bán sách trong trường giá cao…

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn

Có bạn đọc đã bày tỏ, nếu cho rằng tờ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam luôn đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của giáo viên thì là đúng nhưng chưa đủ.

Song song và gắn liền với quyền lợi giáo viên là quyền lợi học sinh luôn được báo đặt lên hàng đầu.

Từ những vấn đề chương trình giảng dạy, vấn nạn dạy thêm học thêm, sách giáo khoa.. quyền lợi thi cử, hướng nghiệp, .. rất đa dạng, hơn hẳn cả việc chỉ xoáy vào đấu tranh quyền lợi chuyên ngành.

Luôn đặt tiêu chí hàng đầu là vì tương lai mầm non đất nước cùng thế hệ trẻ.

Đó là lý do, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thu hút được đông đảo cả lực lượng bạn đọc ngoài ngành như chúng tôi ủng hộ.

Bởi thế, được cộng tác cho tờ báo mà được nhiều người yêu quý, chúng tôi cũng lấy làm vinh dự và hãnh diện.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin kính chúc toàn thể Ban Lãnh đạo tòa soạn, các anh chị em phóng viên, cộng tác viên và công nhân viên nhiều sức khỏe, vững tay viết trên con đường đòi công bằng, dân chủ và văn minh, để góp phần cho xã hội ngày càng tiến nhanh, tiến mạnh.

Phan Tuyết