Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn

21/06/2018 06:41
Trần Sơn
(GDVN) - Chúng ta hãy cùng nhau làm báo theo phương châm “Thông tin vì sự tiến bộ” như câu khẩu hiệu của tòa báo.

LTS: Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), tác giả Trần Sơn - một cây bút quen thuộc đã gửi đến Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam những tâm tư, tình cảm của mình đối với Báo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam là một tờ báo chuyên ngành dù mới bước sang năm thứ 8 nhưng đã được đông đảo độc giả trong và ngoài ngành giáo dục đón đọc một cách say mê.

Ngay từ năm 2011, khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới được thành lập, tôi đã trở thành một độc giả thường xuyên và trung thành của tờ báo.

Tờ báo luôn mang đến những thông tin nóng hổi, trung thực, toàn diện về giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, báo còn cung cấp những thông tin và bài báo chất lượng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... các vấn đề quốc tế.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: Thông tin vì sự tiến bộ.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: Thông tin vì sự tiến bộ.

Trong các chuyên mục của tờ báo, tôi thích nhất là các chuyên mục Giáo dục 24H, Góc nhìn, Bạn đọc.

Chuyên mục Giáo dục 24H thật đúng như tên gọi của nó, đó là cái nhìn toàn cảnh, cập nhật mọi vấn đề về giáo dục Việt Nam.

Chuyên mục này không những tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngành về giáo dục mà còn phản ánh đa dạng đời sống giáo dục khắp nơi trên cả nước.

Chuyên mục này hiện đang thu hút độc giả với các bài viết rất thẳng thắn, mạnh mẽ, không ngại va chạm của Nhà báo Hồng Thủy về việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới của một số người có biểu hiện không minh bạch, thiếu trung thực.

Đặc biệt chuyên mục này là các bài viết của các nhà giáo ở các địa phương. Đây chính là tiếng nói từ cơ sở đã phản ánh kịp thời thực trạng tình hình giáo dục trong các nhà trường, các sơ sở giáo dục.

Những bài báo này đã góp phần không nhỏ giúp cho độc giả nhận diện được bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam, đồng thời nó cũng giúp cho các cấp quản lý giáo dục nghiên cứu để có những biện pháp quản lý, chỉ đạo sát thực hơn, hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Những nhà giáo có đóng góp nhiều cho chuyên mục này là: Nhóm tác giả Việt Cường, cô giáo Phan Tuyết (Bình Thuận), thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi), thầy giáo Nguyễn Cao (An Giang), thầy giáo Trần Vũ (Tây Ninh), thầy giáo Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Phúc), thầy giáo Tạ Quang Sum (Khánh Hòa), thầy giáo Hoàng Hữu Đức (Hà Nội)...

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn ảnh 2Hôm nay, thầy cô đã đọc Báo Giáo dục chưa?

Chuyên mục Góc nhìn cũng là một mục mà theo tôi làm nên “thương hiệu” của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Đây là góc nhìn đa chiều mang tính phản biện cao về mọi mặt của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa,... đến các vấn đề quốc tế.

Các tác giả tiêu biểu của chuyên mục này là Nhà giáo lão thành Xuân Dương với các vấn đề thời sự nổi bật trong nước và Tiến sĩ Trần Công Trục với các sự kiện chính trị nóng quốc tế và vấn đề biên giới, biển đảo.

Độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều người chắc hẳn có tâm lý hàng ngày, hàng tuần chờ đợi những bài bình luận thời sự nóng hổi của Nhà giáo - Nhà báo Xuân Dương.

Những bài báo ông viết đều là các vấn đề rất thời sự và gai góc. Nội dung của nó mang tính phản biện cao.

Bút pháp của ông sắc sảo mà linh hoạt, khi thì mềm mại, uyển chuyển, lúc lại mạnh mẽ, đanh thép, khi thì hài hước, dí dỏm trong lối tư duy sắc bén và cách lập luận lô gíc.

Chính vì thế các bài báo của ông được đăng tải trong chuyên mục Góc nhìn luôn có một lượng độc giả khổng lồ và lượng ý kiến phản hồi không nhỏ (thường là đồng tình với tác giả).

Đây phải chăng là sự tâm huyết và cống hiến hết mình cho xã hội của một nhà giáo trên một mặt trận mới - mặt trận báo chí?

Đọc chuyên mục Góc nhìn, độc giả cũng không thể không cảm ơn Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ vì các bài bình luận sắc sảo của ông, đặc biệt là các vấn đề về biển Đông.

Đọc các bài báo này, chúng ta hiểu rõ hơn về tình hình biển Đông và có ý thức hơn trong việc phải làm gì để đấu tranh với các lực lượng bành trướng, thù địch để bảo vệ lãnh thổ và vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chuyên mục Bạn đọc là chuyên mục mang tính tương tác cao. Đó là nhịp cầu nối liền giữa độc giả, tòa soạn và các cơ quan chức năng.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn ảnh 3Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm và chúc mừng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Nó phản ánh những vấn đề tiêu cực, sai phạm ở các địa phương, cơ quan, đơn vị để các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xem xét, xử lý góp phần làm lành mạnh hóa xã hội.

Cũng từ chuyên mục này mà không ít sự việc tiêu cực nổi cộm được đưa ra ánh sáng, được cơ quan chức năng xử lý xác đáng đem lại sự công bằng, sự tin tưởng cho người dân, tạo được dư luận xã hội tốt.

Đối với tôi, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chính là tờ báo đưa tôi vào “nghiệp” cộng tác viên khi tòa báo biên tập và cho đăng tải bài báo đầu tiên của tôi cách đây tròn 4 năm.

Từ đó đến nay, tôi thường xuyên cộng tác với tòa báo quen thuộc của mình và tôi rất vui vì luôn được Ban biên tập ủng hộ, khuyến khích, góp ý một cách rất chân tình và tận tâm.

Và, tôi còn vui hơn nữa vì nhờ có Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, các suy nghĩ, trăn trở của tôi về các vấn đề giáo dục được chia sẻ rộng rãi, đồng thời, qua các bài viết, tôi cũng đã học hỏi, trau dồi được rất nhiều cả về kiến thức và cách đọc, cách viết báo.

Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, tôi xin kính chúc các nhà báo, cán bộ, công nhân viên, cộng tác viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trong sự nghiệp của mình.

Chúng ta hãy cùng nhau làm báo theo phương châm “Thông tin vì sự tiến bộ” như câu khẩu hiệu của tòa báo.

Chúc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục phát triển và luôn xứng đáng với niềm tin yêu của đông đảo bạn đọc.

Trần Sơn