Báo Ấn Độ: Trung Quốc là mối đe dọa thực sự

17/10/2012 08:05
Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Bài báo cho rằng, tình hình xấu nhất của Ấn Độ có thể là đồng thời bị Trung Quốc và Pakistan “giáp công 2 đường”.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tham gia diễn tập quân sự liên hợp
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tham gia diễn tập quân sự liên hợp

Ngày 15/10, tờ “Press Trust of India” có bài viết cho rằng, mặc dù tình hình xấu nhất của Ấn Độ có thể là bị Trung Quốc và Pakistan “đồng thời đánh từ hai mặt (giáp công)”, nhưng khả năng này xảy ra rất nhỏ. Trái lại, mối đe dọa thực sự của Ấn Độ vẫn là Trung Quốc.

Bài báo cho rằng, tình hình xấu nhất của Ấn Độ có thể là đồng thời bị Trung Quốc và Pakistan “giáp công 2 đường”. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony gần đây cho biết, xét thấy Trung Quốc và Pakistan “ngày càng gần gũi”, ông sẽ xin tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay để ứng phó với loại mối đe dọa mới này.

Việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là một chính sách đúng đắn, nhưng rất nhiều chuyên gia quân sự đều cho rằng, loại mối đe dọa này không có nhiều khả năng xảy ra. Cho dù là năm 1971 hay xung đột Kargil năm 1999, Trung Quốc đều chưa từng đứng về phía Pakistan để trực tiếp can thiệp.

Một quan chức quân sự cấp cao Ấn Độ cho biết, “xung đột 1 đường” (như với riêng Trung Quốc) sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn cho Ấn Độ. Trong tình hình này, Pakistan “có thể được kiểm soát”, vì vậy “mối đe dọa lâu dài thực sự” của Ấn Độ là ở Trung Quốc.

Tên lửa tầm trung DF-21 của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc có tầm phóng hơn 2000 km, sử dụng nhiên liệu rắn và cơ động đường bộ
Tên lửa tầm trung DF-21 của Lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc có tầm phóng hơn 2000 km, sử dụng nhiên liệu rắn và cơ động đường bộ

Quan chức này nói: “Ý đồ chiến lược của Trung Quốc vẫn không rõ ràng. Chúng ta phải tiếp xúc với Bắc Kinh mang tính xây dựng, nhưng cũng phải làm tốt công tác chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra”.

Bài báo viết, cho dù mục tiêu quan trọng hàng đầu của chính sách phòng thủ của Trung Quốc là sự can thiệp của Mỹ đối với eo biển Đài Loan và vấn đề biển Đông, nhưng Ấn Độ cũng không thể coi thường những hiện trạng này.

Bài báo còn chỉ ra, Trung Quốc đã xây dựng có hệ thống một loạt công trình hạ tầng cơ sở quân sự ở xung quanh tuyến kiểm soát thực tế dài 4.056 km mà Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa giải quyết. Trung Quốc hiện đã sở hữu 5 căn cứ không quân hoàn thiện và 1 mạng lưới đường sắt toàn diện, đồng thời đã xây dựng đường ô-tô hơn 58.000 km ở khu tự trị Tây Tạng.

Ngoài triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung và máy bay chiến đấu, Quân đội Trung Quốc hiện còn tổ chức diễn tập tác chiến đường không và trên bộ ở gần biên giới Trung-Ấn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang  mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.

Máy bay chiến đấu đa dụng J-10 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu đa dụng J-10 Trung Quốc

Tuy nhiên, bài báo đồng thời cũng phân tích cho rằng, lực lượng vũ trang của Ấn Độ “đã không còn là đối thủ dễ bị đánh bại”. Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ Singh từng nói: “Với tư cách là Tham mưu trưởng Lục quân, tôi cam kết với cả nước, cuộc chiến tranh năm 1962 sẽ không tái diễn”.

Một sĩ quan khác của Ấn Độ cũng từng nói: “Về trang bị và huấn luyện, tình hình của chúng tôi đã chuyển biến tốt rất nhiều. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh năm 1962 và xây dựng kế hoạch của mình. Lực lượng vũ trang Trung Quốc có thể nhiều gấp đôi so với chúng tôi, nhưng họ không có sức mạnh có thể áp đảo chúng tôi”.

Việt Dũng (nguồn báo Hoàn Cầu, TQ)