Bàn tay Trung Quốc can thiệp vào nền chính trị Malaysia

03/10/2015 07:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Quan hệ Trung Quốc-Malaysia đã bị rung chuyển bởi một loạt cáo buộc rằng phái viên của Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này.

Malaysia là một láng giềng và đối tác gần gũi nhất, quan trọng nhất của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường du lịch lớn nhất của Malaysia bên ngoài ASEAN.

Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc ở châu Á, sau Nhật Bản và Hàn Quốc và chiếm khoảng 1/4 tổng khối lượng giao dịch thương mại của Bắc Kinh trong Đông Nam Á. Mối quan hệ quân sự giữa hai nước cũng đang được mở rộng trong thời gian gần đây. Cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước đã diễn ra vào tháng 9.

Huang Huikang, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia. Ảnh SCMP
Huang Huikang, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia. Ảnh SCMP

Trong tuần qua quan hệ Trung Quốc-Malaysia đã bị rung chuyển bởi một loạt các cáo buộc rằng phái viên của Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này.

Theo tờ The Diplomat ngày 2/10, đây chỉ là một trong chuỗi các sự kiến đáng lo ngại là bằng chứng cho thấy cách Trung Quốc sẵn sàng sử dụng ảnh hưởng của mình để thao túng "mối quan hệ đặc biệt" với Malaysia.

Vụ việc mới nhất bắt đầu hôm 25/9 khi tờ The Star của Malaysia đưa tin, Đại sứ Trung Quốc Huang Huikang nói rằng Bắc Kinh phản đối bất kỳ hình thức phân biệt chủng tộc và sẽ không chấp nhận biểu tình bạo động ở Malaysia.

Ông đã phát biểu khi đến thăm Petaling, một quận chủ yếu là người gốc Hoa của Kuala Lumpur ngay trước ngày diễn ra cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ đã được lên kế hoạch từ trước nhằm phản đối các cuộc biểu tình bạo động trước đó yêu cầu Thủ tướng Najib Razak từ chức.

Bài phát biểu của ông Huang được xem như một sự can thiệp trực tiếp vào công việc nội bộ của Malaysia, dấy lên lo ngại rằng quan hệ giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur có thể quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Đại sứ Trung Quốc hồi đầu tuần này đã lên tiếng bác bỏ báo cáo cho rằng ông can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại, và dẫn ra các bằng chứng chứng minh rằng quan hệ đặc biệt giữa hai nước vẫn tốt đẹp từ thời chính quyền cựu Thủ tướng Tun Razak, cha của ông Najib. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đó chỉ là những lời nói nhằm đánh lạc hướng dư luận của ông Huang, nhưng vẫn phơi bày ra sự thật về cách thức "không đẹp" mà Bắc Kinh đối xử với một trong những đối tác thân cận nhất của mình tại châu Á-Thái Bình Dương.

Đài RFA cũng dẫn ra các bằng chứng cho thấy việc Trung Quốc hành xử một cách thiếu tôn trọng và "kẻ cả" đối với đối tác của mình. Khi các quan chức ngoại giao Malaysia gửi thư triệu tập ông Huang đến Bộ Ngoại giao theo chỉ thị của Bộ trưởng Anifah Aman để làm rõ bài phát biểu trên, trợ lý của ông này đã khước từ đề nghị với lý do Huang rất bận. Thậm chí viên trợ lý này còn yêu cầu Bộ Ngoại giao Malaysia gửi cán bộ đến Đại sứquán Trung Quốc để làm việc. 

Huang sau đó lén đi gặp gỡ Ong Ka Ting, một đặc phái viên của Malaysia về vấn đề Trung Quốc cùng một số Bộ trưởng khác có lập trường ủng hộ Bắc Kinh nhằm vận động hành lang giải quyết vụ việc. Hành vi này theo The Diplomat đã vi phạm các thông lệ, quy tắc ngoại giao truyền thống, thể hiện rằng Bắc Kinh muốn giải quyết mọi vấn đề theo cách riêng của mình, ngay cả khi đó là một cuộc khủng hoảng do chính họ tạo ra.

Trung Quốc đang sử dụng trắng trợn ảnh hưởng của mình ở Malaysia. Việc Huang thách thức yêu cầu của Bộ Ngoại giao Malaysia và sau đó vận động các Bộ trưởng khác cho thấy Bắc Kinh tin rằng họ đang nắm một đặc quyền trong "mối quan hệ đặc biệt" Malaysia-Trung Quốc.

Theo một nguồn tin trong giới ngoại giao nói với RFA, các hành xử của viên Đại sứ Trung Quốc đã tạo ra "một cú sốc lớn cho Malaysia về chủ quyền quốc gia. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc dường như đã đạt đến cấp trên cả quyền lực".

Vấn đề nghiêm trọng hơn khi đây chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các sự cố đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc Trung Quốc ứng xử một cách thô bạo với Malaysia và việc Bắc Kinh sử dụng các lá bài của mình để gây sức ép với láng giềng nhằm đạt lợi ích riêng. 

Trước đó, tàu Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Malaysia một cách trắng trợn, buộc các quan chức Kuala Lumpur phải lên án khá thẳng thắn về hành vi này.

Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay MH370 mang theo phần lớn công dân Trung Quốc khiến chính phủ nước này phải đối mặt với nhiều áp lực rất lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đặt thêm gánh nặng lên vai họ khi công khai chỉ trích mạnh mẽ các nhà điều tra Malaysia, một động thái làm tăng thêm áp lực cho láng giềng có quan hệ rất gần gũi.

Dù cũng có một số nỗ lực hàn gắn quan hệ sau các sự cố từ hai phía, nhưng hiện nay một số chính khách nổi bật trong chính phủ Malaysia đã đặt ra câu hỏi về giá trị của cái gọi là "mối quan hệ đặc biệt" với Bắc Kinh.

Trung Quốc luôn dùng chiêu bài hợp tác cùng có lợi để tạo ảnh hưởng ngày càng tăng của mình trong mối quan hệ với các nước châu Á nhằm đạt được lợi ích riêng.

Trong bài phát biểu làm rõ những nhận xét gây tranh cãi của mình, Huang nói rằng hai nước không nên đánh mất tìm nhìn chung về một bức tranh lớn và nhắc lại những hứa hẹn về các lợi ích kinh tế từ các chương trình hợp tác song phương.

Tuy nhiên, những gì Trung Quốc đã và đang làm ở Malaysia và các nước khác trong khu vực đã khiến dư luận quốc tế có cái nhìn rõ hơn về giá trị của một mối quan hệ với Trung Quốc, cách Bắc Kinh hành xử với đối tác của mình và cách gây dựng ảnh hưởng của nước này với các đối tác.

Nguyễn Hường