Bám đá chiến đấu giữ từng thước đất biên cương

09/02/2019 08:00
Trần Phương
(GDVN) - Chỉ 16 người bao gồm dân quân tự vệ và bộ đội địa phương đã bám đá, chiến đấu giành giật với địch từng mét đất biên cương, cầm chân chúng suốt 2 ngày liền

Những người nằm lại Lục Khu

Biên thùy Hà Quảng (Cao Bằng) những ngày cuối năm là những ngày sương mù lạnh giá.

Bên phải tỉnh lộ 208, hướng đến di tích lịch sử Pác Pó là miền đá, tua tủa núi đá cao vút, đấy là vùng "Lục Khu" - tên gọi chung 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng (Cao Bằng).

Miền đất khát ấy 40 năm trước ghi dấu những trận đánh chống lại quân bành trướng Trung Quốc. Những trận đánh ấy đã góp phần làm nên bản hùng ca bất tử trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm xưa.

Nhà bia ghi danh những liệt sĩ của đồn biên phòng Lũng Nặm. (Ảnh: Lại Cường)
Nhà bia ghi danh những liệt sĩ của đồn biên phòng Lũng Nặm. (Ảnh: Lại Cường)

Con đường ngoằn ngoèo trên triền đá, chúng tôi đến với xã Lũng Nặm, một xã trong miền đất khát “Lục Khu”, ở miền đất khát ấy có 1 tấm bia cũ ghi tên 13 người lính biên phòng đồn Lũng Nặm tuổi mới chỉ mươi tám, đôi mươi đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ biên giới.

Trên tấm bia ấy, 2 chiến sĩ hi sinh đầu tiên ngày 17/2, ngày xảy ra cuộc chiến là trung úy Nông Quang Việt, Đồn trưởng Công an nhân dân vũ trang Nặm Nhũng và binh nhất Hà Văn Dân (18 tuổi, quê Thể Dục, Nguyên Bình, Cao Bằng).

Đây là 2 chiến sĩ công an vũ trang đầu tiên của đồn Lũng Nặm ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.

Người cuối cùng có tên trên văn bia, hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới trước sự quấy nhiễu, gây hấn từ Trung Quốc suốt 10 năm sau cuộc tấn công Việt Nam, ấy là hạ sĩ Chu Văn Cừ. Anh hi sinh năm 1989.

Anh em chiến sĩ trong đồn biên phòng Lũng Nặm cho biết, trong thời gian tới bia tưởng niệm sẽ được chuyển lên chỗ cao ráo hơn, trang trọng hơn trong khuôn viên của đồn.

Nhờ sự giới thiệu của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Lũng Nặm, chúng tôi được gặp cựu dân quân Trần Ngọc Phù (71 tuổi, dân tộc Nùng) người trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân Trung Quốc ngay những ngày đầu tiên đến những ngày cuối cùng hòa bình lập lại.

Trong căn nhà đã từng bị phá nát vì đạn pháo, người cựu chiến binh chầm chậm kể lại những diễn biến của những ngày đầu cuộc chiến.

Trong ký ức của người cựu chiến binh ấy, trận chiến 40 năm trước rành rọt như mới diễn ra ngày hôm qua.

Nhà bia liệt sĩ Lũng Nặm mới sắp được hoàn thiện và khánh thành. (Ảnh: Lại Cường)
Nhà bia liệt sĩ Lũng Nặm mới sắp được hoàn thiện và khánh thành. (Ảnh: Lại Cường)

Ông Phù bắt đầu kể về đêm trước trận đánh: “Ngay ngày 16/2/1979, đơn vị bộ đội địa phương của huyện Hà Quảng lên đây một đại đội.

Tuy nhiên, gọi là đại đội thôi nhưng thực tế chỉ có 7 -8 chiến sĩ, đại đại đội đó tập trung tại nhà tôi, anh em vui vẻ chuẩn bị cho những ngày tới được bên trên báo là có nhiều căng thẳng.

Đến khoảng 0 giờ ngày 17/2 , ở biên kia biên giới, chỗ cột mốc 686 hiện nay, anh em nhận thấy bên đất Trung Quốc có nhiều ánh sáng lạ và có tiếng súng, đại bác va chạm nhau.

Thấy nhiều và bất thường, các anh em chiến sĩ mới thức dậy và cùng nhau xem và chuẩn bị sẵn sàng vào cuộc chiến. Lúc đó, tiếng mìn, tiếng súng ở cột mốc 686 nổ ra rất lớn”, ông Phù nói về đêm trước khi nổ ra trận đánh.

16 người cầm chân gần 3 tiểu đoàn

“Đến khoảng 5h sáng ngày 17/2, lúc này địch bắt đầu tấn công dữ dội, anh em chúng tôi cũng sẵn sàng triển khai chiến đấu.

Đến 7h sáng, nhóm chúng tôi tham gia chiến đấu tại Lũng Bản (tên xóm cũ của Lũng Nặm).

Bám đá chiến đấu giữ từng thước đất biên cương ảnh 3Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin

Anh em quần nhau, chiến đấu với địch suốt 5 tiếng đồng hồ, sau 12h trưa ngày 17/2, địch tràn xuống xóm Thin Tẳng (xã Lũng Nặm) và bị cầm chân tại đó.

Sau khi địch vào đến Thin Tẳng, lực lượng chúng tôi tiếp tục chiến đấu đến 17h30 chiều. Tối đó 2 bên cùng dừng tiếng súng”, ông Phù nói về diễn biến trận đánh.

Nói về lực lượng chiến đấu chống lại quân địch, ông Phù cho biết: “Lực lượng chiến đấu chỉ có Công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và các chiến sĩ thuộc C2, tiểu đoàn 106 phối kết hợp chiến đấu.

Ngày hôm sau (ngày 18/2) chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu suốt cả một ngày, cầm chân địch tại đây.

Suốt cả ngày chiến đấu hôm đó, địch hô tiến 4 – 5 lần nhưng không thể tiến nổi vì sức chiến đấu của lực lượng ta.

Không tiến được quân, trong ngày 18/2, quân địch đốt làng Lũng Bản, 16h chiều cùng ngày, quân địch kéo đi đốt nhà xã đội trưởng xã Lũng Nặm.

Đến 17h chiều ngày 19/2 thì toàn bộ làng Thin Tẳng bị đốt sạch”, ông Phù nhớ lại những ngày chiến đấu cam go.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Phù kể lại trận đánh năm xưa. (Ảnh: Lại Cường)
Cựu chiến binh Trần Ngọc Phù kể lại trận đánh năm xưa. (Ảnh: Lại Cường)

“Cả ba lực lượng chiến đấu của ta lúc đó chỉ có khoảng 15 – 16 người, trong khi đó bên quân địch tràn xuống khoảng 3 – 4 tiểu đoàn nhưng anh em tôi lúc đó không hề sợ hãi mà liên tục chiến đấu cầm chân địch, giành giật từng vị trí khiến địch không tiến sâu được”, ông Phù kể.

“Lúc đó, trước khi chiến đấu, anh em chúng tôi cũng đã nhận thức rõ được sự đen tối của quân địch. Từ những năm 1977, vấn đề biên giới giữa ta và Trung Quốc cũng đã có nhiều căng thẳng.

Nhiều cán bộ ta đã bị Trung Quốc vây ráp, một ngày một đêm không cho ăn uống, đùng nhiều biện pháp đe dọa tinh thần. Nhưng anh em không hề nao núng.

Nhiều vụ đụng độ đã diễn ra trên khắp biên giới các cột mốc”, ông Phù nhớ lại.

Kể về các đồng đội cùng chiến đấu với mình, ông Trần Ngọc Phù nhớ mãi người đồng đội mới gặp mặt là đồng chí trẻ tuổi Nguyễn Công Thạch, người xã Mỹ Yên,  Đại Từ, Thái Nguyên, đây là chiến sĩ bộ đội địa phương tham gia chiến đấu cùng ông Phù.

“Anh này phải nói là chiến đấu rất là dũng cảm, từ 7h30 đến 12h, một mình anh này với khẩu trung liên đã chặn đứng hàng chục quân địch. Từng đợt tấn công liên tiếp nhưng chúng không thể tiến được.

Lúc ấy chưa có AK đâu, chỉ có CKC và K44 thôi nhưng mình chiến đấu không sợ hãi chút nào. Dù trước khi tiến quân, địch dùng pháo tấn công trắng hết cả sườn núi. Ngay nhà tôi đây còn bị 2 – 3 quả pháo còn rơi ngay trước cửa nhà tôi đây này”. Ông Phù vừa kể vừa chỉ vào vị trí pháo rơi xuống trước cửa nhà.

“Ngày 19/2 sau 3 ngày chiến đấu liên tục nhưng do lực lượng địch quá đông, lực lượng mình quá mỏng và công tác hậu cần bị cắt do bà con chạy lên núi hết nên 3 lực lượng của ta đã rút lên núi.

Trong khi ta rút thì lực lượng địch tràn xuống và đi qua Tổng Cọt tiến vào Trà Lĩnh”, ông Phù kể lại diễn biến trận đánh năm xưa.

Theo anh em cán bộ đồn biên phòng Lũng Nặm, năm xưa, đồn Công an nhân dân vũ trang Nặm Nhũng thời điểm sau chiến tranh biên giới được coi là “khổ nhất tỉnh”.

Địa bàn 3 xã do đồn phụ trách đều cách từ 9 - 16 km, đường xá đi lại khó khăn. Dân sống rải rác trên núi đá bao đời, khi bị quân địch đánh sang bị tổn thất lớn về người và nhà cửa, hoặc chạy đi sơ tán hoặc vào trốn trong các hang đá hiểm trở, bộ đội tìm cả tuần cũng không thấy.

Tuy nhiên, nhờ kiên quyết bám trụ từng tấc đất cha ông, kiên quyết đấu tranh, phá tan những âm mưu thâm độc của địch, biên cương Lũng Nặm không mất đi bất cứ tấc đất nào trong suốt cuộc chiến khốc liệt và dai dẳng. 

Trần Phương