"Bắc Kinh liên hệ trực tiếp với phiến quân Myanmar, không qua Vân Nam"

13/03/2015 13:31
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh đã thiết lập mối liên hệ trực tiếp với các nhóm dân tộc thiểu số bên trong lãnh thổ Myanmar thay vì thông qua chính quyền địa phương ở Vân Nam.
Tướng Myanmar, Mya Tun Oo tố cáo Trung Quốc dung túng phiến quân ở Kokang, ảnh SCMP.
Tướng Myanmar, Mya Tun Oo tố cáo Trung Quốc dung túng phiến quân ở Kokang, ảnh SCMP.

The Economist ngày 13/3 bình luận, giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân ở Kokang thuộc bang Shan miền Bắc Myanmar đang diễn ra đẫm máu nhất từ trước đến nay có nguy cơ phá hoại cuộc đàm phán ngừng bắn.

Nó cũng làm xấu đi mối quan hệ hỗn độn giữa Myanmar và Trung Quốc, làm nổi bật sự khác biệt giữa chính quyền trung ương ở Bắc Kinh và tỉnh Vân Nam xa xôi, nghèo nhất nhì Trung Quốc có chung 2000 km biên giới với Myanmar. Ngày 8/3, một quả bom của quân chính phủ Myanmar tấn công phiến quân đã đi lạc sang lãnh thổ Trung Quốc.

Kokang giữ một vị trí đặc biệt trong tâm lý của người Trung Quốc. Theo The Economist, khu vực này là một phần lãnh thổ triều đại nhà Thanh và bị nhượng cho Anh năm 1897. Khoảng 90% dân Kokang là người Hán, một tỉ lệ tương tự trong cơ cấu dân số Trung Quốc. Họ nói tiếng phổ thông Trung Quốc, sử dụng weibo - một trang mạng xã hội Trung Quốc và có nhiều bạn bè, người thân ở Vân Nam.

Chính phủ Myanmar tuyên bố Trung Quốc đang huấn luyện cho các chiến binh ly khai ở Kokang. Một số quan điểm cho rằng Bắc Kinh vũ trang hoặc tài trợ cho lực lượng ly khai ở Kokang, cho phép họ sử dụng lãnh thổ Trung Quốc để tổ chức các hoạt động chống quân chính phủ.

Lãnh đạo 80 tuổi của phiến quân Kokang, Bành Gia Thanh và còn được biết đến với tên gọi Kyar Shin ở Myanmar phủ nhận các cáo buộc này. Tuy nhiên Bành Gia Thanh đã cố gắng nhắc nhở người Trung Quốc "chung nguồn gốc, dân tộc" với họ.

Bành Gia Thanh.
Bành Gia Thanh.

Mặc dù những người dân Kokang không phải công dân Trung Quốc, nhưng họ có thể làm gia tăng áp lực trong nước lên chính phủ Trung Quốc để bằng cách nào đó đáng ứng yêu cầu. Trong khi đó Trung Nam Hải đã cố gắng để tách mình ra khỏi cuộc xung đột.

Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo người dân "tránh bất kỳ lập trường quá sớm hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar". Truyền thông Trung Quốc gọi những người dân Kokang là "dân biên giới" chứ không phải "người tị nạn".

Bắc Kinh vẫn chưa cho phép cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc đến các trại tị nạn ở Vân Nam. Một trung tâm hội nghị quốc tế ở Nanshan, thị trấn nhỏ nằm bên kia biên giới với Kokang, Laukkai đã bị đóng cửa trong vòng 3 tuần kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột.

Hiện chưa rõ những gì đang xảy ra với người dân. Một số người giàu ở Kokang đã đặt phòng khách sạn tại Nansan, nhưng thị trấn này không "tràn ngập người Myanmar" và một số đã trở về nhà của họ.

Lãnh đạo trung ương ở Bắc Kinh khó chịu với xung đột, họ quan tâm nhiều hơn tới sự ổn định trong nước và quan hệ kinh tế khu vực so với các "bộ lạc biên giới". Chính sách chính thức của Trung Quốc với Myanmar cũng giống như các nước khác là không can thiệp.

Chính quyền quân sự Myanmar dựa vào Trung Quốc khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt trong những năm 1990 thay đổi sau khi Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền năm 2011 dẫn đến một phản ứng dữ dội. Bắc Kinh đã thu hồi hoặc đàm phán lại một số hợp đồng hợp tác đầu tư.

Hiện tại Trung Quốc chủ yếu xem Myanmar như một đối tác thương mại và quốc gia trung chuyển năng lượng. Nhưng những dòng người từ Kokang vào Vân Nam đã buộc Trung Quốc tham gia nhiều hơn. Các nguồn lực đã được huy động nhanh chóng để đối phó với dòng người tị nạn đổ sang Vân Nam.

Chiến sự ở Kokang đang rất căng thẳng.
Chiến sự ở Kokang đang rất căng thẳng.

Tuy nhiên tình hình vẫn tốt hơn rất nhiều so với quá khứ gần đây. Trong năm 2009 có 30 ngàn người từ Kokang chạy sang Trung Quốc, tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn biên giới lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh năm 1979 (Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc Việt Nam).

Các cuộc xung đột đã làm sáng tỏ những ưu tiên khác nhau của Bắc Kinh và Vân Nam, mặc dù kim ngạch thương mại với Myanmar chỉ chiếm ít hơn 1% tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc, nhưng nó chiếm 24% tổng kim ngạch thương mại của Vân Nam.

Cư dân hai bên biên giới được phép tự do qua lại, nhưng hoạt động giao tranh đã gây nguy hiểm cho điều đó. Vì vậy những người dân địa phương ở Vân Nam có động lực mạnh mẽ hơn trong việc kết thúc chiến tranh.

Trong khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến hành những hoạt động thương mại ở miền Bắc Myanmar, bao gồm khai thác mỏ, khai thác gỗ bất hợp pháp và buôn lậu thông qua việc tài trợ cho phiến quân địa phương.

Những hoạt động kinh tế bất hợp pháp này là mầm mống xung đột (giữa chính quyền) với người dân địa phương, nó cũng là gốc rễ cáo buộc của Myanmar rằng Trung Quốc đang hậu thuẫn và vũ trang cho lực lượng ly khai tại nước láng giềng. Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thương mại đó.

Vân Nam đã tăng cường giám sát biên giới với Myanmar, ngay từ năm 2009 quan chức tỉnh này hoặc không biết, hoặc không báo cáo các nhà chức trách ở Bắc Kinh rằng, một cuộc xung đột đã được dự đoán trước. Bây giờ quân đội Trung Quốc chứ không phải cảnh sát địa phương (công an vũ trang) kiểm soát biên giới.

The Economist nhấn mạnh, các quan chức ở Bắc Kinh đã thiết lập mối liên hệ trực tiếp với các nhóm dân tộc thiểu số bên trong lãnh thổ Myanmar thay vì thông qua chính quyền địa phương ở Vân Nam như trước.

Tuy nhiên Bắc Kinh không dễ chịu nếu bị kéo vào cuộc chiến trừ phi tình trạng bạo lực tồi tệ hơn nhiều, Trung Nam Hải không thể đứng ra cố gắng làm trung gian hòa giải giữa chính phủ Myanmar và phiến quân ở Kokang.

Hồng Thủy