Bắc Kinh chuẩn bị phô diễn sức mạnh tài chính lúc đồng rúp Nga lao dốc

19/12/2014 06:55
Hồng Thủy
(GDVN) - Bắc Kinh đã không gửi viện trợ giúp Moscow, nhưng sẽ thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Nga.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

South China Morning Post ngày 19/12 đưa tin, Trung Quốc đang chuẩn bị phô diễn sức mạnh tài chính của mình trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tại Nga diễn ra sau sự sụt giảm nghiêm trọng của đồng rúp bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai nước.

Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh đã không gửi viện trợ giúp Moscow, nhưng sẽ thúc đẩy các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư để ngăn chặn sự sụp đổ của nền kinh tế Nga, một kết quả có thể làm tổn hại những nỗ lực chung của 2 nước để xây dựng ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế.

Trung Quốc và Nga đều đã mô tả mối quan hệ của họ là "đạt đến cấp độ mới" sau khi ký thỏa thuận Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỉ mét khối khí đốt mỗi năm bắt đầu từ 2019. Các công ty 2 bên đã bắt đầu đàm phán về việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nga sang Trung Quốc.

Nhưng sự suy giảm tiếp tục của nền kinh tế Nga có thể khiến Moscow không thể hoàn thành đường ống dẫn khí đốt, và Trung Quốc có thể được yêu cầu cung cấp một khoản vay ưu đãi, các nhà phân tích cho biết.

Vương Hải Vân, một cựu tùy viên của đại sứ quán Trung Quốc ở Moscow cho rằng khủng hoảng đồng rúp có thể ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. "Bắc Kinh sẽ tích cực xem xét liệu Nga có đòi hỏi Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào các dự án khí đốt hay không".

Trong phát ngôn được xem là tín hiệu ủng hộ của Bắc Kinh đối với Moscow, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, Nga có đủ dự trữ và nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng. Trung Quốc và Nga từ lâu đã tìm cách thể hiện một mặt trận thống nhất trong các vấn đề toàn cầu và thường xuất hiện như một đối trọng với Hoa Kỳ.

Tại một hội nghị an ninh ở Thượng Hải hồi tháng 5, Tập Cận Bình và Putin cùng khẳng định họ phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia và áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương. Ý kiến này được xem như nhằm vào Washington khi Mỹ tăng các biện pháp trừng phạt Nga sau khủng hoảng Ukraine, đồng thời tăng cường quan hệ với các nước châu Á (mà Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ.

Lý Lập Phàm, một chuyên gia về các vấn đề Nga tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải cho rằng, sự sụp đổ của nền kinh tế Nga nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của Trung Quốc. "Bắc Kinh sẽ không từ bỏ quan hệ đối tác với Moscow vì nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc trong việc thiết lập chương trình nghị sự của mình đối với các vấn đề quốc tế".

"Cả hai đều cần đến nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực đối trọng với Hoa Kỳ", ông Phàm nhấn mạnh. Theo ông, Nga dự kiến sẽ thu hút đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn và đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc để bù đắp cho những tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều này sẽ có thể giúp Trung Quốc tăng nhập khẩu công nghệ cao của Nga.

Lý Hưng, một giáo sư về các vấn đề Nga từ đại học Bắc Kinh bình luận, Trung Quốc quan tâm sâu sắc đến cuộc khủng hoảng tài chính tại Nga và sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Viễn Đông của Nga.

Hồng Thủy