Bác Hồ với tình cảm của người dân Hà Nội

17/05/2020 08:17
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Tháng 5 về, trong không khí cả nước kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), người dân Hà Nội lại rưng rưng nhớ Bác Hồ.

Hà Nội là nơi Bác sống, làm việc lâu nhất và cũng là nơi Người luôn dành tình cảm đặc biệt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Dù hơn 50 năm vắng Bác nhưng trong trái tim người dân Hà Nội, hình bóng Bác Hồ vẫn luôn hiện hữu, gần gũi và thân thương.

Trở về Thủ đô sau giải phóng 1954, Bác Hồ đã chọn nơi ở và làm việc là một ngôi nhà nhỏ vốn của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ. Đảng, Nhà nước mời Người ra ở tòa nhà lớn Phủ Chủ tịch nhưng Người đã từ chối. Khi ngôi nhà sàn được xây dựng thì tầng dưới Người dùng làm nơi họp Bộ Chính trị và làm việc với cán bộ các bộ, ban, ngành, tiếp một số đoàn khách, bạn bè, đồng chí gần gũi hoặc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Bác Hồ bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ tháng 5/1958 – 8/1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trở về Thủ đô sau giải phóng 1954, Bác Hồ đã chọn nơi ở và làm việc là một ngôi nhà nhỏ vốn của người thợ điện phục vụ cho phủ Toàn quyền Đông Dương cũ. Đảng, Nhà nước mời Người ra ở tòa nhà lớn Phủ Chủ tịch nhưng Người đã từ chối. Khi ngôi nhà sàn được xây dựng thì tầng dưới Người dùng làm nơi họp Bộ Chính trị và làm việc với cán bộ các bộ, ban, ngành, tiếp một số đoàn khách, bạn bè, đồng chí gần gũi hoặc các cháu thiếu niên, nhi đồng. Ảnh: Bác Hồ bên ngôi nhà sàn, nơi Người đã sống và làm việc từ tháng 5/1958 – 8/1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Vẫn in đậm hình bóng Bác Hồ

Trong những năm kháng chiến và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trên khắp các nẻo đường, ngõ phố, làng quê, cơ quan, đơn vị của Hà Nội đã in dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đến thăm các hợp tác xã ngoại thành, động viên bà con chống hạn; khích lệ nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cùng mọi người trồng cây.

Người thăm các nhà máy, xí nghiệp động viên công nhân sản xuất phục vụ chiến trường và phục vụ nhu cầu đời sống xã hội.

Những dịp Tết đến, Người thăm hỏi, chúc Tết các chiến sĩ, các gia đình trí thức và cả những người lao động nghèo...

Bác quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân, dành tình cảm đặc biệt đến các cháu nhỏ.

Nhớ lại kỷ niệm gặp Bác Hồ vào ngày 31/1/1965, khi Người đến thăm bà con Hợp tác xã Phú Diễn, ông Phí Văn Lâm, thủ từ đình làng Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm không giấu khỏi xúc động.

Đó là dịp giáp Tết, ông đang công tác tại Tỉnh đội Yên Bái, về quê ăn Tết thì được gặp Bác Hồ.

Chuyến thăm của Bác không được báo trước mà một số người chỉ nắm được thông tin có phái đoàn về trồng cây.

Ngay cả băng rôn chào mừng do ông cắt chữ, lúc treo lên cũng được yêu cầu tháo xuống.

Đại đoàn kết toàn dân tộc, tư tưởng nhất quán của Bác Hồ
Đại đoàn kết toàn dân tộc, tư tưởng nhất quán của Bác Hồ

Khoảng 8 giờ sáng hôm đó, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến làng Phú Diễn, dân làng mới biết Bác Hồ về và ùa ra đón Bác.

Bác mặt bộ quần áo kaki màu sáng, chân đi dép cao su, dáng vẻ hiền từ.

Bác ngồi nói chuyện cùng mọi người ở sân kho hợp tác xã, hỏi chuyện sản xuất, cấy cầy, hỏi chuyện đời sống thường ngày.

Chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Đạo Chi đã báo cáo tình hình với Bác.

Ông Phí Văn Lâm nhớ rất rõ, Bác Hồ khen Hợp tác xã Phú Diễn sản xuất tốt, trồng đủ rau và nuôi nhiều gia cầm cung cấp cho thành phố và cung cấp cho bộ đội.

Nhưng Bác băn khoăn ở đây còn ít giếng nước phục vụ bà con và động viên mọi người đào thêm giếng.

Bác hỏi thăm tình hình ăn Tết của bà con và nhắc nhở mọi người cùng tiết kiệm để phục vụ cho đất nước khi còn khó khăn.

Bác cũng căn dặn mọi người phấn đấu xây dựng Hợp tác xã Phú Diễn thành hình mẫu trong phong trào “Gió Đại Phong”.

Sau cuộc nói chuyện với bà con Hợp tác xã Phú Diễn, Bác Hồ cùng mọi người trồng cây đa cạnh đó.

Cùng trồng với Bác có Chủ tịch thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Hợp tác xã và Bí thư đoàn thanh niên xã Phú Diễn. Khi trồng cây xong, Bác nán lại tiếp tục nói chuyện với mọi người.

Đến nay, khu vực sân kho hợp tác xã đã trở thành khu lưu niệm Bác Hồ. Cây đa Bác trồng thủa nào vẫn xanh tốt ở khu lưu niệm.

Ngay cạnh cây đa, địa phương cũng làm ao cá Bác Hồ với diện tích khá rộng.

Người dân phường Phú Diễn luôn khắc sâu lời Bác dặn, phấn đấu xây dựng phường lớn mạnh, ghi nhớ công ơn Bác Hồ.

Lưu giữ kỷ niệm về Người

Người dân phường Phú Thượng, quận Tây Hồ vẫn tự hào địa phương mình là nơi dừng chân của Bác khi Người từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội chuẩn bị cho ngày Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mùng 2/9/1945.

Tấm lòng Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng
Tấm lòng Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng

Điểm dừng chân của Người là căn nhà của cụ Nguyễn Thị An tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng).

Dù Bác chỉ ở đó 2 ngày nhưng Người đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc trong lòng con cháu cụ Nguyễn Thị An cũng như người dân Phú Thượng.

Đến nay, căn nhà được thành phố lấy lại làm nhà lưu niệm Bác Hồ nhưng ông Công Ngọc Dũng, con trai cụ Nguyễn Thị An vẫn tự nguyện trông coi, với tâm nguyện gìn giữ những dấu ấn, kỷ niệm đẹp về Bác.

Mọi kỷ vật liên quan đến Bác trong ngôi nhà đều được ông trân trọng, nâng niu bằng chính tấm lòng của mình.

Mỗi khi có khách đến tham quan, đích thân ông giới thiệu với khách về những ngày Bác lưu lại tại ngôi nhà và những câu chuyện liên quan.

Nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), nơi Bác khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập đang được gìn giữ, bảo tồn và trở thành điểm tham quan không chỉ khách trong nước mà cả khách nước ngoài.

Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9 năm 1945.

Người cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng về đối nội, đối ngoại trong tình hình mới, về thể chế và thành phần của Chính phủ mới, về tổ chức ngày lễ Độc lập…

Đặc biệt, căn phòng ở gác 2 của ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập.

Ngôi nhà đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1979 và đang được Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội quản lý.

Các cán bộ, nhân viên trông nom, quản lý di tích đều tận tâm làm việc, giữ gìn di sản quý và lan tỏa giá trị đó đến đông đảo người dân và du khách – Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội.

Hà Nội còn ghi dấu nhiều địa điểm, sự kiện liên quan đến sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể kể tới các di tích, địa điểm cách mạng như: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc (quận Hà Đông), nơi Bác viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; nhà lưu niệm Bác Hồ ở Xuân Dương (huyện Thanh Oai), nơi Bác Hồ đưa ra nhiều chính sách đối nội, đối ngoại quan trọng để chỉ đạo toàn diện cuộc kháng chiến; nhà lưu niệm Bác Hồ tại xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), nơi Người ở và làm việc, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp…

Các địa điểm này thường xuyên được chỉnh trang, tu sửa để phục vụ công tác bảo tồn.

Trong những ngày tháng 5 này, rất nhiều các cơ quan đoàn thể đều đến dâng hương, tham quan tại các địa điểm cách mạng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ sự kính yêu vị lãnh tụ của dân tộc.

Di tích nhà 48 Hàng Ngang và nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc đang gấp rút hoàn thiện trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.

Với người dân Hà Nội, việc lưu giữ những kỷ niệm về Bác như là một cách lưu giữ hình bóng Bác trong tim mình.

Theo TTXVN