Anh bộ đội mang trọng bệnh và chuyện người mẹ tần tảo, diệu kỳ

04/10/2014 07:00
HIỆP HÒA - QUANG ĐẠO
(GDVN) - Đó là hoàn cảnh éo le, bất hạnh trong ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Nguyễn Thị Liên và đứa con bị bệnh bại não Nguyễn Anh Tú càng nhân lên nhiều lần.

Ở Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 110, Quân khu 1 (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), mọi người đều biết và thương cảm với cảnh ngộ éo le của gia đình bà Nguyễn Thị Liên, mẹ của Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Anh Tú. Từ khi anh Tú bị tai nạn (năm 2006) đến nay, bà Liên luôn ở bên con, cùng con vượt qua những cơn nguy kịch… Phía sau quãng thời gian gần 3.000 ngày nuôi con bị bại não của người mẹ nghèo đó là biết bao nhọc nhằn, vất vả…

Tai nạn bất ngờ và đức hy sinh của người mẹ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đinh thuần nông ở xóm Non 6, xã An Thượng, huyện Yên Thế (Bắc Giang), năm 1995, anh thanh niên Nguyễn Anh Tú lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện, anh được điều động về công tác tại Lữ đoàn 409, Quân đoàn 2. Với tinh thần cầu thị, ham học hỏi nên trên các cương vị công tác, anh Tú luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, anh đều xin ý kiến thủ trưởng đơn vị rồi về nhà đỡ đần vợ con việc gia đình.

Rồi một ngày cuối năm 2006, tai họa bất ngờ ập tới với anh và gia đình… Hôm ấy, nhà không có ai, trong lúc trèo thang kiểm tra lại bóng điện thì bất ngờ, chân chiếc thang bị trượt. Anh chới với ngã xuống và bị đập phần thái dương bên trái xuống nền nhà. Không may là hôm đó cả nhà đi vắng hết, mãi tới chiều tối khi mọi người phát hiện ra thì anh mới được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên Quân y 108. 

May mắn giữ được tính mạng song do hậu quả của việc bị ngã và do bất tỉnh quá lâu nên phần não bên trái của anh Tú đã bị tổn thương rất nặng buộc phải cắt bỏ. Từ đây, bắt đầu những ngày tháng vất vả của người mẹ nghèo nhưng rất mực thương con.

Từ khi anh Tú bị tai nạn (năm 2006) đến nay, bà Liên luôn ở bên con để chăm sóc
Từ khi anh Tú bị tai nạn (năm 2006) đến nay, bà Liên luôn ở bên con để chăm sóc

Chi phí phẫu thuật cho anh Tú đã được quân đội chi trả theo chế độ nhưng vẫn cần người chăm sóc, cần tiền để điều trị thêm. Trong khi đó, gia đình anh vốn chỉ làm ruộng, quanh năm thu nhập chỉ trông vào mấy sào lúa ở quê, cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Sau ngày anh Tú bị tai nạn, bà Liên gần như không rời con nửa bước, mọi việc nhà cửa, đồng áng bà giao cả lại cho chồng. Chia sẻ cùng chúng tôi trong dòng nước mắt, bà Liên hồi tưởng lại: “Nhà có 3 anh em, Tú là con thứ hai những cũng là đứa có hiếu nhất, luôn lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ. Giờ em nó bị như này, gia đình chỉ còn biết gắng sức chăm sóc thật tốt…”

Dù đã được các y, bác sỹ sử dụng những phương tiện hiện đại nhất để điều trị song tình hình sức khỏe của anh Tú tiến triển rất chậm. Để tiện cho việc chăm sóc, giữa năm 2007, anh Tú được gia đình đưa về điều trị tại Quân y viện 110. Cũng thời gian này, bố anh Tú vì tuổi cao nên thường xuyên đau ốm. 

Vậy là, mọi công việc gia đình lại dồn cả nên vai người mẹ nghèo. Chiếc xe máy, tài sản có giá trị duy nhất trong nhà cũng đã phải bán đi để có thêm tiền bồi dưỡng cho anh Tú. Vậy là, cứ vài tuần một lần, bà Liên phải gửi anh Tú lại cho các y, bác sỹ khoa Chấn thương - Chỉnh hình để đạp chiếc xe cũ vượt qua quãng đường gần 50 km về qua nhà, thăm chồng và để “xem có gì” còn mang lên chăm con.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, bà Liên luôn thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với tập thể y bác sỹ khoa Chấn thương - Chỉnh hình, bệnh viên quân y 110. Bà chia sẻ, ngay từ những ngày đầu chuyển về điều trị, bà đã được các y, bác sỹ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có thể thường xuyên chăm sóc anh Tú. Mọi người, khi cho gói bánh, cân đường, lúc cho hộp sữa, cân quả… để giúp bà chăm sóc con. Cùng với đó, các y, bác sỹ ở đây đã luôn quan tâm, động viên để bà Liên có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, vất vả.

Nhọc nhằn chặng đường phía trước

Dẫu không một lần nhắc đến những vất vả của bản thân, song chúng tôi biết để có thể đồng hành cùng con trong gần 3.000 ngày qua, bà Liên đã không biết bao nhiêu lần nuốt nước mắt vào trong. Ở cái tuổi đáng ra đã được vui hưởng tuổi già thì bà lại phải ngày đêm chăm sóc cho người con trai đang “sống thực vật”

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đại tá, Thạc Sỹ, Bác sỹ Trần Công Nam, Chủ nhiệm Khoa Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 110 cho biết, việc điều trị tích cực đối với bệnh nhân Nguyễn Anh Tú là rất hạn chế bởi bệnh nhân bị mất não quá lâu (7 năm). Đến nay, bệnh viện cơ bản chỉ tập trung điều dưỡng, điều trị để phòng ngừa những biến chứng như viêm phổi, viêm đường tiết niệu…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bà Liên thường xuyên phải đi xin cơm thừa ở các đơn vị trong viện để bán cho các trang trại xung quanh. Nhưng số tiền thu được cũng chẳng thấm vào đâu so với những chi phí sinh hoạt đắt đỏ hàng ngày. Trong các dịp lễ, tết, đơn vị cũ của anh Tú cùng các y, bác sỹ Bệnh viện Quân y 110 và một số đơn vị quân đội trên địa bàn như Trường Đại học Chính trị… cũng đã thường xuyên thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình bà Liên. Không chỉ giúp đỡ về vật chất, đó còn thực sự là nguồn động viên tinh thần lớn lao để người mẹ nghèo ấy có thể tiếp tục đồng hành cùng con trong hành trình giành giật sự sống. 

Anh Nguyễn Văn Trọng được bà Liên hết lòng giúp đỡ
Anh Nguyễn Văn Trọng được bà Liên hết lòng giúp đỡ

Ngoài việc chăm sóc anh Tú, bà còn tình nguyện chăm sóc thêm cho anh Nguyễn Văn Trọng, sinh năm 1984, quê ở TP.Lạng sơn, đi lính ở sư đoàn 3, Quân Khu 1 (Hữu Lũng, Lạng Sơn), do quá trình lao động cho đơn vị bị tai nạn liệt hai chân, được đơn vị đưa vào chữa trị ở Viện Quân y 110 đã 10 năm nay. Vì không có người thân chăm sóc, thương anh Trọng và đồng cảm khi biết anh cùng cảnh ngộ với con trai mình nên Bà đã tình nguyện chăm sóc cho cả anh Trọng và coi như con mình.

Nhẩm tính năm nay bà Liên cũng đã bước sang tuổi 63, chúng tôi càng đồng cảm hơn với điều mong ước giản đơn của bà: “Mong sao ông trời cho tôi sức khỏe. Tôi còn được khỏe ngày nào thì ngày đó còn có người chăm sóc thằng Tú!”. Hình ảnh bà Liên với dáng người gầy guộc đang cố gắng giữ chặt anh Tú trong những cơn giật liên hồi cứ ám ảnh mãi chúng tôi. Tôi chợt nhớ đến lời của một bài hát đã được nghe ở đâu đó, “Tình mẹ bao la như biển thái bình…”. Mong sao bà Liên luôn có đủ sức khỏe để chăm sóc con; mong sao có nhiều hơn những tấm lòng nhân hậu sẻ chia bớt những khó khăn, vất vả cùng bà và gia đình!

HIỆP HÒA - QUANG ĐẠO