Ai thích đề của Sở, ai thích đề của Trường?

17/12/2019 07:00
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Giáo viên có những trạng thái trái ngược nhau khi một bên đề kiểm tra của trường, một bên đề kiểm tra của sở.

Khi được hỏi về đề kiểm tra học kỳ, thầy B. phấn khởi cho biết: “Ở địa phương của mình, các nhà trường, thầy cô giáo tự ra đề kiểm tra học kỳ, khỏe re. Muốn dễ có dễ, muốn khó có khó. Muốn tỉ lệ, kết quả điểm bao nhiêu chả được”.

Còn cô N, ở địa phương khác, phân trần: “Nhiều giáo viên của trường tôi chẳng vui khi mấy năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo “dành” ra đề kiểm tra học kỳ dùng chung cho học sinh các khối lớp toàn tỉnh. Học sinh không trúng tủ. Kết quả điểm kiểm tra lại thấp xịt. Rõ chán.”  

Đó là hai trạng thái trái ngược nhau của giáo viên khi một bên đề kiểm tra của trường, một bên đề kiểm tra của sở.

Đề kiểm tra của trường hay đề kiểm tra của sở có nhiều ưu điểm hơn? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)
Đề kiểm tra của trường hay đề kiểm tra của sở có nhiều ưu điểm hơn? (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Yêu cầu cốt lõi của đề kiểm tra học kỳ là phải đảm bảo chuẩn kiến thức - kỹ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo và phân hóa được năng lực của học sinh ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao…

Nhưng đến các trường, mỗi trường, mỗi nhóm, tổ có một kiểu ra đề kiểm tra học kỳ không giống nhau.

Trường ở nông thôn, miền núi có diện học sinh yếu kém nhiều, đáng lẽ ra điểm kiểm tra phải thấp nhưng thực tế điểm kiểm tra lại khá cao, không kém gì các trường ở nơi kinh tế phát triển.

Bởi vì, các nhà trường sính bệnh thành tích, không muốn học sinh của mình “thua chị kém em” nên đã chỉ đạo, nói miệng cho các giáo viên ra đề cương ôn tập thật đơn giản và đề kiểm tra thường ở dưới mức chuẩn, thậm chí rất dễ.

Trường ở thành phố, trường tốp trên về chất lượng đầu vào của học sinh thì nhiều tổ, nhóm, giáo viên ra đề cương ôn tập với rất nhiều nội dung, câu hỏi và đề kiểm tra học kỳ ở mức trên chuẩn, có những câu cực khó.

Đây cũng là một cách để học sinh thành phố, nơi có điều kiện không thể thoát chuyện phải đi học thêm thầy cô giáo đang dạy mình.

Coi kiểm tra, chấm bài học kỳ xin đừng tháo khoán và sính thành tích
Coi kiểm tra, chấm bài học kỳ xin đừng tháo khoán và sính thành tích

Thành ra, mặc dù cùng một chương trình, sách giáo khoa hiện hành song trên cùng một địa phương, học sinh ở thành phố lại chịu vất vả, áp lực hơn học sinh ở nông thôn, miền núi về ôn tập và kiểm tra học kỳ.

Còn về điểm số, kết quả trên sổ sách, học bạ thì học sinh thành phố chưa chắc bằng học sinh nông thôn, miền núi. Cái nghịch lý của việc các trường tự ra đề kiểm tra học kỳ là thế.         

Khi Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề kiểm tra học kỳ dùng chung cho học sinh toàn tỉnh thì học sinh thành phố lại phấn khởi, vui mừng vì đề vừa sức; trái lại, học sinh nông thôn, miền núi thì lo lắng, vất vả vì đề có phần khó hơn (do quen với đề dưới chuẩn của thầy cô giáo tại trường).

Còn phía nhà trường, hầu hết, thầy cô giáo thường có biểu hiện giống như phân trần của cô N. đã nêu ở đầu bài viết. 

SÔNG TRÀ