Ai bao che cho bà Ngọc Hạnh suốt nhiều năm qua?

16/06/2019 06:22
Nguyễn Phan
(GDVN) - Không ít nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận luôn trăn trở, thắc mắc: ai đã bao che cho bà Ngô Thị Ngọc Hạnh trong suốt nhiều năm qua?

Sau những phát ngôn gây sốc, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật đồng thời mang tính chất coi thường sự nghiêm minh luật pháp của bà Ngô Thị Ngọc Hạnh- Phó trưởng Phòng Giáo dục Vĩnh Thuận.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV)
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh CTV)

Ngày 13/06, để có thêm thông tin chuyển tải đến bạn đọc, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ điện thoại với ông Huỳnh Tấn Phi, Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy huyện Vĩnh Thuận để xác thực thông tin xử lý vụ việc nói trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Tấn Phi, Trưởng Ban Tổ chức huyện ủy huyện Vĩnh Thuận cho biết:

“ Sau khi bài báo đăng, tổ chức đã làm việc một bước với cá nhân đồng chí Ngọc Hạnh và người có liên quan, khi có kết quả sẽ thông báo sau”.

Cũng trong ngày 13/6, chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, mục đích để xác định lại quan điểm của bà Ngọc Hạnh về việc bà có kế hoạch thực hiện học tập nâng cao trình độ “trả nợ tiêu chuẩn thiếu chứng chỉ” hay không, nhưng bà Ngọc Hạnh đã không tiếp nhận cuộc gọi.

Như tin đã đưa, qua phản ánh của giáo viên huyện Vĩnh Thuận về việc bà Ngô Thị Ngọc Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Thuận được bổ nhiệm lại vào vị trí này năm 2016 nhưng thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm và đến nay ( 2019) vẫn chưa “ trả được nợ” tiêu chuẩn đã thiếu.

Đã thế, bà Ngô Thi Ngọc Hạnh còn cho rằng, việc thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm là không quan trọng, quan trọng là bà làm tốt công việc trong vai trò, chức vụ được bổ nhiệm.

Vì quan điểm này, thế nên gần 3 năm qua, bà Ngọc hạnh vẫn chưa “trả nợ” được chứng chỉ mình còn thiếu mà cứ lấy lý do bận họp, bận đi công tác trùng ngày học, ngày thi.

Những thắc mắc mong được giải đáp trong công tác bổ nhiệm đối với bà Phó Trưởng phòng Giáo dục có các phát ngôn “sốc, độc, lạ”

Ai bao che cho bà Ngọc Hạnh nợ tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo phòng giáo dục?

Năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang ban hành:

Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”  kèm theo Quyết định Số 11/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2013 [1].

Và hiện nay, Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2013 được được thay thế bởi Quyết định Số 27/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2017 ban hành kèm theo:

“Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.

Quyết định 27/2017 có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 8 năm 2017.

Theo đó, các nguyên tắc thực hiện đối với công tác này được quy định rất chặt chẽ đó là:

Phải  đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ và phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục;

Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị (gọi chung là cơ quan). 

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và trình độ, năng lực đội ngũ công chức, viên chức tại cơ quan;

Bảo đảm tính kế thừa và phát triển của đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan.

Như vậy, để được bổ nhiệm lại chắc chắn yêu cầu đặt ra đầu tiên đó là: cá nhân người được bổ nhiệm lại là bà Ngô Thị Ngọc Hạnh  phải đảm bảo có đủ “các điều kiện, tiêu chuẩn” theo quy định của quy chế ban hành kèm theo Quyết định Số 11/2013/ QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Nhưng trong thực tế, công tác bổ nhiệm đối với trường hợp bà Ngô Thị Ngọc Hạnh đã hoàn toàn ngược lại.

Cơ quan có thẩm quyền của huyện Vĩnh Thuận  khi thực hiện quy trình, thủ tục bổ nhiệm lại đã không xem nguyên tắc “đủ tiêu chuẩn” là tối ưu.

Phải chăng, chính từ lý do nguyên tắc “đủ tiêu chuẩn” không được người đứng đầu cơ quan, đơn vị phát huy trách nhiệm một cách nghiêm túc nên đã tạo ra nguyên nhân khiến bà Ngô Thị Ngọc Hạnh thản nhiên phủ nhận vai trò trọng yếu của nguyên tắc này (?) thản nhiên coi luật pháp không quan trọng (?)

Phải chăng nhận thức, tư tưởng chính trị; việc chấp hành chủ trương, đường lối và quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cá nhân này đang bị buông lỏng nên bà Ngô Thị Ngọc Hạnh mới sẵn sàng công khai quan điểm sai lệch của mình trước truyền thông đó là:

Thiếu tiêu chuẩn bổ nhiệm là không quan trọng, quan trọng là làm tốt công việc.” (?)

Những thắc mắc nêu trên của dư luận rất cần được các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng giải tỏa để niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục địa phương sớm được phục hồi.

 “con voi lọt lỗ kim”

Ai bao che cho bà Ngọc Hạnh nợ tiêu chuẩn bổ nhiệm lãnh đạo phòng giáo dục?

Trong “Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức, viên chức giữ chức vụ Trưởng phòng,

Phó Trưởng phòng và tương đương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” ban hành kèm theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, đối với cấp huyện quy trình, thủ tục, hồ sơ bổ nhiệm cần phải qua các bước:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trao đổi thống nhất với các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, chỉ đạo Phòng Nội vụ có tờ trình xin chủ trương Thường trực Huyện ủy;

Sau khi Thường trực Huyện ủy có thông báo cho làm quy trình, Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy lập hồ sơ, tổ chức cuộc họp để thông qua chủ trương, tóm tắt lý lịch, tiêu chuẩn, nhận xét, đánh giá, nhân sự dự kiến bổ nhiệm thông qua Chương trình hành động và tiến hành lấy ý kiến bằng phiếu.

Thành phần lấy ý kiến là toàn thể công chức, viên chức của phòng, đại diện cấp ủy và đại diện lãnh đạo các đoàn thể, nơi công chức, viên chức đang công tác;

Sau đó, thông qua cuộc họp thành viên Ủy ban nhân dân cấp huyện để thảo luận, xem xét và biểu quyết bằng phiếu kín.

Nhân sự đề nghị bổ nhiệm phải đạt trên 50% thành viên Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất bổ nhiệm.

Ủy ban nhân dân cấp huyện lập tờ trình trình Ban Thường vụ Huyện ủy.

Sau khi có thông báo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét quyết định.

Như vậy, khẳng định rằng đây là một quy trình rất chặt chẽ.

Trong quy trình, ngoài quyền hạn của các cấp có thẩm quyền thì còn có cả sự giám sát và ý kiến “bằng phiếu” của “toàn thể công chức, viên chức của phòng, đại diện cấp ủy và đại diện lãnh đạo các đoàn thể, nơi công chức, viên chức đang công tác ”.

Nhưng, lạ thay, mặc cho tiêu chuẩn của bà Phó Trưởng Phòng Giáo dục chưa đủ thì phiếu ý kiến của của toàn thể công chức, viên chức của phòng, đại diện cấp ủy và đại diện lãnh đạo các đoàn thể, nơi công chức, viên chức đang công tác vẫn được thông qua một cách tài tình.

Qua đó, câu thành ngữ “con voi chui lọt lỗ kim” có vẻ như hoàn toàn có thể áp dụng được trong trường hợp này.

Đây cũng là lý do khiến không ít nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận luôn trăn trở, thắc mắc: ai đã bao che cho bà Ngô Thị Ngọc Hạnh trong suốt nhiều năm qua?

 Tài liệu tham khảo:

[1]https://thukyluat.vn/vb/quyet-dinh-11-2013-qd-ubnd-quy-che-bo-nhiem-bo-nhiem-lai-luan-chuyen-tu-chuc-mien-nhiem-doi-voi-cong-chuc-vien-chuc-giu-chuc-vu-truong-phong-pho-truon-2f485.html

Nguyễn Phan