"33 năm gắn bó với đường sắt, tôi thấy ý thức của người dân đã được nâng cao"

09/06/2022 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Phát hiện sự cố cây đổ, dây điện đứt.. trên đường ray thì người dân thông báo cho tôi, ý thức trong việc đảm bảo an toàn hành lang đường sắt cũng được nâng cao".

Những ngày hè nắng nóng oi bức, trong khi nhiều người hạn chế ra ngoài đường hoặc phải trang bị kín mít, thì hình bóng nhân viên tuần đường sắt với bộ quần áo xám, đeo túi xách cầm chiếc cờ lê, đầu đội mũ cối, chân trần đi dép rọ theo dọc đường ray ngày nắng lẫn ngày mưa đã không còn xa lạ với nhiều người.

33 năm công tác trong ngành đường sắt, từ nhân viên duy tu sửa chữa đường sắt đến nhân viên tuần đường, ông Nguyễn Xuân Thạnh (53 tuổi, trú tại thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) có nhiều kỉ niệm khó quên và cả những trăn trở.

Ông Thạnh đi tuần đoạn qua lối rẽ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Thạnh đi tuần đoạn qua lối rẽ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Tây. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Thạnh chia sẻ, một ca làm việc 8 tiếng, ông đi tuần khoảng 18km (Km12 đến Km20). Điểm xuất phát là từ ga Thường Tín xuống khu công nghiệp Quất Động, rồi lại quay về được nghỉ 45 phút. Sau đó là đến khu công nghiệp Ngọc Hồi và ngược lại.

"Trước khi đi làm, tôi phải lên ga lấy kế hoạch giờ tàu chạy, mác tàu, rồi mang bộ đồ nghề lỉnh kỉnh gồm cờ lê, mỏ lết, ốc vít, quả pháo, cờ, đèn, gậy, nhật ký, thẻ...", ông Thạnh cho biết.

Trước giờ làm việc, ông cũng phải nghỉ ngơi để sức khỏe và tinh thần thoải mái, bởi yêu cầu của công việc đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Trên đường đi tuần, mắt luôn phải chú ý quan sát, tai thì lắng nghe. Bảy năm gắn bó với công việc đi tuần, ông chưa bao giờ lơ đãng, mất tập trung vì nó có thể nguy hiểm cho chính bản thân, cũng như ảnh hưởng đến sự an toàn của đoàn tàu.

Trong quá trình tuần tra, có những sự cố như đường ngang bị xê dịch, ông dùng xà beng bẩy để sửa chữa, hay như ốc lỏng, ông dùng cờ lê để siết chặt... Đối với những sự cố vượt quá năng lực của bản thân như cột điện gãy, cây đổ... ông sẽ báo lại với trực ban ga hoặc công ty để có biện pháp xử lí.

Mỗi ca tuần được thực hiện toàn tâm bằng trách nhiệm, ông Thạnh và những đồng nghiệp của ông sẽ góp phần cho chuyến tàu đến ga đỗ an toàn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mỗi ca tuần được thực hiện toàn tâm bằng trách nhiệm, ông Thạnh và những đồng nghiệp của ông sẽ góp phần cho chuyến tàu đến ga đỗ an toàn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bên cạnh việc bản thân phát hiện sự cố, ông Thạnh cũng nhận được sự hỗ trợ của người dân. Cây đổ, dây điện đứt trên hành lang an toàn đường sắt, ông và đồng nghiệp cũng nhận được thông tin từ chính người dân... Ý thức của người dân trong việc đảm bảo an toàn hành lang đường sắt cũng được nâng cao, khi công tác tuyên truyền, lắp đặt barie, hàng rào chắn với đường bộ được thực hiện song song.

"Nếu như trước đây, tại lối đối diện bến xe Thường Tín, người dân hay vượt qua đường sắt để đi vệ sinh khiến nhiều vụ tai nạn đau lòng xảy ra, thì giờ lối đường ngang này đã được rào chắn, ý thức người dân đã được nâng lên", ông Thạnh chia sẻ.

Tuy nhiên bên cạnh việc ý thức của người dân được nâng cao, thì vẫn còn một số ít trường hợp vượt barie đã hạ. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn đường sắt.

Hơn 33 năm gắn bó với đường sắt, ông Thạnh có rất nhiều kỉ niệm với nghề. Người đàn ông với vóc dáng mảnh khảnh, nước da đen sạm, nhễ nhại mồ hôi vừa vặn ốc vít trên đường ray vừa chia sẻ với chúng tôi.

Ông Thạnh vặn ốc đường ray bị trờn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Thạnh vặn ốc đường ray bị trờn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông chia sẻ, đó là lần ông phát hiện người dân chở hàng hóa cồng kềnh khi vượt qua đường sắt, xe bị chết máy. Thấy vậy, ông liền chạy đến đẩy giúp hay ngồi lên xe lái giúp phụ nữ tay yếu chân mềm.

Hay đó là những sự cố bất khả kháng, khiến ông phải chạy hớt hơ hớt hải cách hiện trường khoảng 800 mét về hướng tàu đến để đặt 3 quả pháo nổ trên đường ray thành hình tam giác, để khi tàu qua vị trí đó thì pháo nổ, lái tàu biết sẽ giảm tốc độ.

"Giúp đỡ được người dân và nhận được những lời cảm ơn của họ khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc, vì đã đảm bảo được an toàn đường sắt và tính mạng, tài sản cho dân", ông Thạnh nói.

3 quả pháo, chiếc cờ, sổ tuần đường, thẻ tuần đường... là những dụng cụ được các nhân viên tuần đường luôn mang theo mình trong mỗi ca làm việc. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

3 quả pháo, chiếc cờ, sổ tuần đường, thẻ tuần đường... là những dụng cụ được các nhân viên tuần đường luôn mang theo mình trong mỗi ca làm việc. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mỗi tháng, ông Thạnh đi hơn 500 cây số, lòng bàn chân ông đã chai sần, dày cộp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mỗi tháng, ông Thạnh đi hơn 500 cây số, lòng bàn chân ông đã chai sần, dày cộp. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Để có được những kĩ năng nắm bắt và xử lý tình huống trên hành lang đường sắt, ông Thạnh cũng như những nhân viên khác phải trải qua khóa đào tạo cơ bản để được cấp chứng chỉ, phục vụ cho công việc.

Nhìn lòng bàn tay và bàn chân chai sạn dày cộp của ông Thạnh, mới thấu hiểu sự vất vả của nghề. Dường như hiểu được điều đó, hai đứa con ông luôn cố gắng phấn đấu trong học tập. Cô con gái lớn đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Luật Hà Nội, đứa út đang học tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Người đàn ông 53 tuổi chia sẻ thêm, vợ ông làm công việc điều dưỡng tại một bệnh viện gần nhà, khoảng 7-8 năm nữa thì về hưu, còn ông thì 2 năm nữa. Dù mức lương của hai vợ chồng không cao nhưng cả hai đều chắt chiu để nuôi các con ăn học, trưởng thành.

"Công việc trong ngành đường sắt vất vả nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyển nghề. Bởi vì tôi luôn quan niệm nghề nào cũng là nghề, miễn sao mình yêu nó và góp ích cho xã hội. Nếu ai cũng chọn công việc nhẹ nhàng thì công việc chân tay sẽ dành phần ai", ông Thạnh tâm niệm.

Mạnh Đoàn